Phú Bình -Thái Nguyên: Tấm gương tiêu biểu thoát nghèo từ trồng rừng sản xuất

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (2016 -2020)

BVR&MT – Nhiều năm qua, các hộ nông dân xã Tân Khánh (Phú Bình, Thái Nguyên) đã mạnh dạn đăng ký tham gia phát triển trồng rừng sản xuất, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững trong đó điển hình phải nhắc đến anh Đặng Văn Hồng, người dân tộc Sán Dìu tại thôn Cầu Cong.

Thực hiện theo Quyết định 661 của Thủ tướng Chính phủ về Mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, xã Tân Khánh là một trong 7 xã của huyện Phú Bình nằm trong chương trình 135, phát triển kinh tế từ mô hình trồng rừng sản xuất. Toàn huyện Phú Bình có 350 ha diện tích trồng rừng, 3 xã có diện tích trồng rừng lớn nhất là Tân Thành, Tân Khánh và Tân Hòa, trong đó xã Tân Khánh có 49,5 ha.

Tại Tân Khánh, gia đình của anh Đặng Văn Hồng, người dân tộc Sán dìu tại thôn Cầu Cong là một trong những hộ tiên phong đầu tiên trong công tác trồng rừng sản xuất vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo từ những năm 1991 – phủ xanh đồi núi trọc.

Theo dự án 661 hàng năm được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, năm 2017 được hỗ trợ thêm tiền chăm sóc, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững. Khi mới khởi nghiệp gia đình anh chỉ có gần 10 hecta, sau quá trình chăm sóc, thu hoạch, hiện nay gia đình anh Hồng đã mở rộng diện tích trồng rừng lên tới gần 17 hecta.

Rừng keo của gia đình anh Đặng Văn Hồng đã trồng tái phục hồi được 2 năm.

Từ năm 1991 đến nay, gia đình anh Hồng đã khai thác được 3 lần, mỗi lần thu nhập từ 500 – 700 triệu đồng. Lần gần đây nhất là năm 2011 gia đình anh đã xây được căn nhà 2 tầng khang trang và mua được một miếng đất để mở xưởng sản xuất, chế biến gỗ ép với công suất mỗi ngày gần 400 tấm gỗ ép với 25 – 30 nhân công, đem lại nguồn thu nhập khoảng 6 triệu/người/tháng. Trong quá trình trồng, chăm sóc, Hạt kiểm lâm đều có cán bộ xuống hướng dẫn người dân từ khi bắt đầu giao cây giống, cuốc hố, khoảng cách giữa các cây trồng, đồng thời thường xuyên kiểm tra quá trình phát triển của cây.

Hiện gia đình anh chủ yếu tập trung trồng keo úc, keo hom bởi các loại cây này phát triển tốt, tái sinh tốt, cho năng suất cao. Mỗi giai đoạn trồng khoảng 5 năm là cho thu hoạch. Dự tính cây keo hom 5 năm cho thu hoạch, mỗi cây là 100 nghìn, với diện tích khoảng 1600 cây/hecta cũng thu về khoảng 160 triệu. Sau thu hoạch lại tiếp tục đăng ký trồng rừng tái sinh.

Ngôi nhà khang trang của gia đình anh Hồng được xây dựng từ nguồn thu nhập trồng rừng sản xuất.

Anh Hồng cho biết trong quá trình trồng rừng gia đình anh cũng như các hộ gia đình khác gặp phải nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt thông qua chương trình 135 thì một trong những khó khăn lớn của người dân địa phương là đường giao thông xấu, lầy lội gây khó khăn trong quá trình đi lại, vận chuyển hàng hóa, dẫn tới việc giao thương của người dân với bên ngoài gặp khó khăn. Từ khi triển khai các dự án thì giao thông, đường xá nối liền các thôn xóm đã giúp cho việc đi lại của người dân thuận tiện, hàng hóa lưu thông, buôn bán thuận lợi hơn, giá cả cũng tăng hơn vì giảm được chi phí đi lại, vận chuyển.

Mong muốn của anh đó là hỗ trợ nguồn vốn, hiện tại các hộ được hỗ trợ khoảng 50 triệu/5 năm/mỗi hộ gia đình. Do đó đối với các gia đình muốn mở rộng diện tích thì còn gặp khó khăn trong nguồn vốn, vì thế mong được nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân được vay nhiều hơn và hỗ trợ lãi suất thấp vì mỗi đợt trồng kéo dài từ 5 – 7 năm mới có thể thu hoạch để dân có thể mở rộng diện tích trồng rừng.

Bên cạnh đó anh cũng mong muốn được nhận cây giống sớm hơn, khoảng tháng 2 để kịp trồng vào vụ mưa thay vì tháng 3, tháng 4 người dân mới được nhận hỗ trợ cây giống. Ngoài ra cũng cần nâng cao công tác tập huấn phòng cháy chữa cháy cho người dân hơn nữa để bảo toàn được diện tích của các hộ.

Ông Hoàng Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Bình.

Nhận xét về mô hình trồng rừng sản xuất của gia đình anh Hồng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phú Bình, ông Hoàng Văn Thành cho rằng, anh Hồng là người dám nghĩ dám làm, dám thay đổi cơ cấu về cây trồng bắt đầu từ rất sớm. Anh cũng là người có khả năng hạch toán, là gia đình diện tích trồng rừng sản xuất lớn nhất của xã Tân Khánh, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập của gia đình.

Qua đây, có thể thấy gia đình anh Hồng và nhân dân Huyện Phú Bình đã sử dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đồi núi trọc. Việc cung cấp gỗ làm nguyên liệu để sản xuất giấy, ván nhân tạo, đáp ứng nhu cầu gỗ, củi và các lâm, đặc sản khác phục vụ cho tiêu dùng trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu, cùng với việc phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, đưa lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư, tăng thu nhập cho dân cư sống ở nông thôn miền núi, đặc biệt các hộ là dân tộc thiểu số góp phần phát triển kinh tế – xã hội miền núi.

Thạch Thảo – Văn Trì