Phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

BVR&MT – Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế cả nước, việc thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của các địa phương bị chững lại. Song với tinh thần chủ động, quyết liệt, các tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ đã xây dựng và triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015 – 2020, giữ vững vị thế là một trong những đầu tàu kinh tế của đất nước.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh), sân bay tư nhân đầu tiên trong cả nước được đầu tư theo hình thức PPP.

Sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn

Từng là “ổ dịch” Covid-19, tỉnh Vĩnh Phúc chịu tác động rất nặng nề về kinh tế. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp lớn trên địa bàn như Công ty Honda, Công ty Toyota đều phải dừng sản xuất, Công ty Piaggio Việt Nam cũng giảm 50% công suất, ảnh hưởng đến các DN công nghiệp hỗ trợ. Các DN linh kiện điện tử phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, không có đơn hàng, thiếu hụt lao động, các DN giày da, may mặc đều bị hủy đơn hàng xuất khẩu từ nay cho đến hết tháng 7, sản lượng sản xuất chỉ đạt 40-50%… khiến hàng trăm nghìn lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. Hà Nội cũng là địa phương chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, nhất là trong lĩnh vực du lịch, kinh doanh và giao thương hàng hóa. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, quý I năm 2020, các chỉ số tăng trưởng kinh tế của thành phố được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 3,72% – mức tăng thấp nhất trong mười năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,1%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 71.383 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán. Tính đến đầu tháng 4, đã có hơn 128 nghìn DN, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động …

Tình hình tương tự như vậy ở tỉnh Quảng Ninh. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến hết quý I năm 2020, trong sáu chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, tỉnh chỉ hoàn thành hai chỉ tiêu là: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Bốn chỉ tiêu còn lại không hoàn thành, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,2% (thấp hơn 1% so với kịch bản); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thấp hơn 211 tỷ đồng; khách du lịch giảm hơn một triệu người, doanh thu du lịch giảm 1.828 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 80,5 triệu USD so cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 30-4, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh mới đạt 19,7% so với kế hoạch, số vốn đăng ký giảm khoảng 40% so cùng kỳ năm 2019. Có 725 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng kinh doanh.

Tuy nhiên, trong bức tranh chung đó vẫn có một số điểm sáng. Kết thúc quý I năm 2020, tăng trưởng kinh tế của TP Hải Phòng đạt 14,9%, dẫn đầu và gấp gần bốn lần mức bình quân cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,18% so cùng kỳ năm trước; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 35,22 triệu tấn, tăng 1,35% so cùng kỳ, thu ngân sách đạt hơn 18,8 nghìn tỷ đồng. Dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (ngày 13-5-2020), thành phố khánh thành và khởi công 16 dự án lớn gồm: nút giao thông Nam Cầu Bính, tuyến đường 359, huyện Thủy Nguyên; dự án Phát triển giao thông đô thị thành phố sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới; chung cư HH4 Đồng Quốc Bình; tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long giai đoạn 1; công trình bãi tắm nhân tạo thuộc dự án Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng, Đồ Sơn; tuyến đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ; cầu Dinh; cầu Quang Thanh và nhiều dự án giao thông, khách sạn 5 sao khác… Ở tỉnh Hải Dương, bốn tháng đầu năm nay, vốn đầu tư công đạt 458 tỷ đồng, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước (CKNT). Các dự án đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục gia tăng vốn, số vốn tăng thêm gấp hai lần so cùng kỳ năm 2019, trong đó có một số dự án tăng vốn khá như: Dự án may Tinh Lợi 2, vốn tăng thêm 16,5 triệu USD, Công ty sản phẩm giấy Leo, tăng thêm 20 triệu USD; Công ty TNHH kỹ thuật Changhong, tăng thêm 19,5 triệu USD; Dự án sản xuất nhôm định hình của LMS, tăng thêm 20 triệu USD…

Bối cảnh khó khăn cũng là cơ hội để các DN thể hiện khả năng ứng phó, thích nghi với tình hình mới. Lãnh đạo các DN dệt may lớn như Tổng công ty May 10 (Hà Nội), Công ty LD MSA Hapro (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cho biết, khi dịch xảy ra, các thị trường xuất khẩu chính đóng cửa, sức tiêu thụ của thị trường trong nước cũng giảm mạnh, khiến đơn vị phải đối diện với các khoản lãi vay, nợ gốc, nhân công. Các DN chuyển hướng may sản phẩm túi vải không dệt, khẩu trang hoạt tính, kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội. Mảng xuất khẩu nông sản của Tổng công ty Thương mại Hà Nội cũng bị ảnh hưởng mạnh trong hai tháng đầu năm, giảm tới 50% so cùng kỳ năm trước và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới. Để khắc phục khó khăn này, đơn vị đã đẩy mạnh mảng bán lẻ hàng tiêu dùng, thực phẩm, tăng cường bán hàng online, nhờ đó lĩnh vực kinh doanh này tăng 25% so với năm trước. Nhiều DN kinh doanh thực phẩm bị sụt giảm doanh thu ở mảng thực phẩm tươi sống, đã đẩy mạnh bán ra các thực phẩm chế biến, có hạn sử dụng dài ngày, phù hợp với nhu cầu và xu hướng mua hàng của người tiêu dùng.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015-2020, giữ vững vị thế là một trong những đầu tàu kinh tế của đất nước, đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị các địa phương. Ngay trong quý I năm 2020, lãnh đạo các tỉnh, thành phố thành lập tổ công tác cập nhật, xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế – xã hội, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với DN để lắng nghe kiến nghị, có giải pháp tháo gỡ. Phần lớn các địa phương đều tập trung triển khai ngay hai nhóm giải pháp chính là tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính và khó khăn về tài chính cho các DN.

Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, TP Hà Nội xây dựng lộ trình cắt giảm thủ tục không cần thiết; phấn đấu đến ngày 30-6, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, mức độ 4; kết nối 250 dịch vụ với Cổng dịch vụ công quốc gia ngay trong tháng 6-2020. Thành phố đang tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Dự kiến, có gần 100 dự án sẽ được trao chủ trương đầu tư trong dịp này. Để kích cầu thị trường du lịch trong nước, HĐND tỉnh Quảng Ninh mới đây đã thông qua một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch, trong đó có chính sách miễn, giảm phí vào các điểm tham quan vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, TP Hạ Long và Khu di tích và danh thắng Yên Tử cho khách du lịch trong tháng 5, tháng 6. Tỉnh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư phát triển các dự án; đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là tại Vân Đồn và Móng Cái. Tỉnh sẽ phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng, nhất là đối với những dự án lớn của các nhà đầu tư chiến lược, có giải pháp tăng cường thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, hàm lượng khoa học công nghệ cao, ít sử dụng lao động, thân thiện với môi trường, tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm, năng suất lao động, giá trị gia tăng cao. Chuẩn bị cho hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, năm 2020, các cơ quan, đơn vị giảm tối đa kế hoạch thanh tra, kiểm tra; không thanh tra, kiểm tra các DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ; cân đối giảm tiền thuê đất. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đô thị, nhà ở cho chuyên gia nước ngoài, trung tâm logistics ICD, các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện nhằm thu hút nguồn lao động chất lượng cao, tháo gỡ khó khăn các dự án du lịch nghỉ dưỡng bằng việc thu hút một số nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nghiên cứu tạo chính sách đặc thù để thu hút được một số dự án có quy mô từ một tỷ USD trở lên đầu tư tại tỉnh.

Các địa phương có chỉ số PCI thấp càng đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất phát triển. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết: Tỉnh xác định ba lĩnh vực: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm ba khâu đột phá trong giai đoạn 2020-2025. Trước mắt sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục hành chính đầu tư xây dựng hạ tầng một số cụm công nghiệp, đón bắt làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Ngọc Quỳnh cho biết, tỉnh đã hoàn thành thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư khu công nghiệp (KCN) số 1, KCN số 2, KCN số 3 thuộc KCN đô thị – dịch vụ Lý Thường Kiệt; mở rộng KCN Thăng Long II, KCN Yên Mỹ II, và các cụm công nghiệp để tiếp nhận các dự án đầu tư trong và ngoài nước; nhất là các dự án của DN Nhật Bản; dự án sử dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường; dự án tạo nhiều việc làm có thu nhập cao, đóng góp lớn cho ngân sách. Hoàn thành các thủ tục cần thiết để thi công giai đoạn II đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình và hạng mục cầu vượt nút giao quốc lộ 39; đẩy nhanh tiến độ thi công đường vành đai 3,5 và vành đai 4…

Về nhóm giải pháp hỗ trợ tài chính cho các DN, hộ kinh doanh, từ tháng 2-2020 đến nay, Hà Nội đã chuyển 1.020 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội và cam kết sẽ tiếp tục chuyển thêm nguồn tài chính để hỗ trợ DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh vay phát triển sản xuất với lãi suất 0%. Thành phố yêu cầu các đơn vị rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, cam kết sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư công của năm 2020. Trong tháng 5 và 6-2020, thành phố phối hợp cộng đồng DN và các tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, tổ chức tháng khuyến mại nhằm kích thích tiêu dùng nội địa; đồng thời kích cầu du lịch nội địa… Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, tỉnh sẽ tạo thuận lợi về vấn đề tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại và thanh toán điện tử. Cục Thuế tỉnh bám sát các chính sách mới do Trung ương ban hành liên quan đến gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để triển khai thực hiện kịp thời. Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước tình hình nhiều DN ở Bắc Ninh không tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa, dẫn đến hàng tồn kho lớn hay tình trạng DN bị thiếu lao động, nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất dẫn đến việc phải sản xuất cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất, thực hiện chủ trương hỗ trợ DN của Chính phủ, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, từ đó có những hỗ trợ kịp thời.

Tăng sự liên kết giữa các địa phương trong vùng

Tuy đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng tăng trưởng kinh tế của Vùng KTTĐ Bắc Bộ đang phải đối mặt một số khó khăn, thách thức như: trình độ phát triển kinh tế chưa đồng đều giữa các địa phương. Thu ngân sách của một số địa phương chưa bền vững, phụ thuộc vào nguồn thu của một số dự án FDI quy mô lớn. Phát triển công nghiệp chưa đồng đều, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và mới dừng lại ở gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng chưa cao. Chỉ số cạnh tranh PCI của một số địa phương còn thấp, tỉnh Hải Dương xếp thứ 47, tỉnh Hưng Yên xếp thứ 55 trong 63 tỉnh, thành phố theo kết quả xếp hạng Chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2019. Tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng còn chậm so với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Công tác điều phối liên vùng còn nhiều vướng mắc, sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng còn mang tính hình thức, tự phát thông qua trao đổi thông tin, kinh nghiệm, chưa đi vào thực chất, chưa xuất phát từ nhu cầu chung để giải quyết các vấn đề mang tính chất liên vùng.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, rất cần xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi, phù hợp với đặc thù của Vùng KTTĐ Bắc Bộ, để phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐ Bắc Bộ kiến nghị cần sớm nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch Vùng làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố triển khai lập quy hoạch địa phương thời kỳ 2021-2030, bảo đảm tính kết nối, đồng bộ các nội dung quy hoạch trong tổng thể phát triển vùng. Đồng thời, thực hiện liên kết giữa các địa phương trong vùng trên lĩnh vực thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với công nghệ 4.0, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn. Quan trọng nhất là khẩn trương xây dựng thể chế điều phối vùng, để phát huy hết những tiềm năng, lợi thế của các địa phương, tạo nên sức mạnh tổng thể của cả vùng, đưa Vùng KTTĐ Bắc Bộ thật sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, có sức cạnh tranh lớn trong thị trường khu vực và quốc tế.