BVR&MT – Hội tụ các điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng… cho sự sinh trưởng của cây chè, Phú Thọ được biết đến là “cái nôi” của ngành chè và là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước. Trải qua bao thăng trầm, cây chè với sức sống mãnh liệt đã phát triển mạnh, trở thành cây trồng trọng điểm, đóng góp quan trọng cho kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Chè Phú Thọ cho các sản phẩm chè của tỉnh là tiền đề vững chắc, thúc đẩy ngành chè phát triển.
Khẳng định thương hiệu, tăng sức cạnh tranh
Trải qua thời gian dài bám rễ trên mảnh đất Trung du, diện tích chè của cả tỉnh hiện đạt trên 15.400ha, năng suất chè búp tươi đạt 120 tạ/ha. Với 142 vùng sản xuất chè xanh tập trung, năng suất, chất lượng chè trên địa bàn tỉnh có sự cải thiện đáng kể. Hệ thống cơ sở chế biến chè ngày càng phát triển với sản lượng bình quân khoảng 60.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ phương thức sản xuất truyền thống, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có những hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ tiên tiến, nhà máy chè hiện đại. Vượt qua sự bó hẹp địa lý, sản phẩm chè Phú Thọ đã dần tạo dựng được thương hiệu, vươn mình đến mọi miền của đất nước và quốc tế. Nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ đã được cấp văn bằng bảo hộ, là điều kiện thuận lợi để tỉnh quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, đánh dấu bước phát triển cả về chất và lượng đối với sản phẩm chè của tỉnh. Tháng 12/2020, có tám đơn vị đủ điều kiện đã được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ.
Chè Phú Thọ ngoài những lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất, tiêu dùng mang tính văn hóa, truyền thống thì phát triển gắn với thương hiệu, nhãn hiệu là hướng đi phù hợp, trở thành công cụ hiệu quả trong phát triển bền vững sản xuất và thị trường. Sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận, sản phẩm chè của Phú Thọ được sản xuất ra ngày càng tăng về số lượng, kiểm soát tốt hơn về chất lượng do các đơn vị tham gia sản xuất phải tuân thủ chặt chẽ quy chế quản lý, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đề ra. Đây cũng là căn cứ pháp lý quan trọng, lâu dài, góp phần tăng giá trị sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất chè có thương hiệu.
HTX sản xuất chè an toàn xã Long Cốc, huyện Tân Sơn có diện tích sản xuất, liên kết chè gần 40ha. Bà Phạm Thị Hạnh – Giám đốc HTX cho biết: “Sau khi được Sở KH&CN hướng dẫn hỗ trợ, HTX đã áp dụng hệ thống quản lý và được chứng nhận phù hợp theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018. Hiện nay, các sản phẩm chè Long Cốc mang nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ được khách hàng biết đến nhiều hơn, có sự khác biệt lớn so với các sản phẩm cùng loại, đáp ứng các yêu cầu để được bày bán tại siêu thị lớn. Hiện tại, HTX có ba sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP bốn sao cấp tỉnh. Ý thức được trách nhiệm của mình, chúng tôi tuân thủ các quy định liên quan đến quy trình sản xuất, việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, cam kết duy trì, đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ”.
Qua khảo sát thực tế của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng – Sở KH&CN, tại các cơ sở đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho thấy nhãn hiệu chứng nhận được phát huy tốt, tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định. Nhiều sản phẩm được bán tại hệ thống siêu thị Co.op mart, Siêu thị Hùng Vương, cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Phú Thọ… Các sản phẩm có bao bì, tem nhãn, mẫu mã đẹp, đầy đủ các thông tin ghi nhãn theo quy định và có gắn logo nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ trên sản phẩm. Ngoài ra, các đơn vị đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các kênh bán hàng, giới thiệu sản phẩm bằng hình thức trực tuyến, nhiều sản phẩm chè được giới thiệu, bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong tỉnh như giaothương.net.vn và nongsan.phutho.gov.vn.
Nâng tầm thương hiệu, phát triển bền vững
Để khai thác, phát huy hiệu quả giá trị của văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ, gắn mục tiêu phát triển bền vững ngành chè với xây dựng, phát triển và khẳng định thương hiệu sản phẩm Chè Phú Thọ trên thị trường, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3232/KH-UBND ngày 29/7/2021 về phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% sản phẩm chè của các doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình OCOP của tỉnh đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ ba sao trở lên được tư vấn, hướng dẫn rà soát điều kiện, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ. 100% sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ có truy xuất nguồn gốc, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy chế quản lý của cơ quan có thẩm quyền ban hành.Theo đó, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, sử dụng nhãn hiệu được tăng cường. Các doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ. Đến nay, toàn tỉnh có 12 đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ. Trong đó, năm 2022 có bốn đơn vị được hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018; xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu Chè Phú Thọ.
Tỉnh cũng hướng đến mục tiêu xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ tại một số thị trường nước ngoài tiềm năng, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược xuất khẩu sản phẩm chè mang nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ sang thị trường nước ngoài.
Công ty TNHH Chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba là một trong những đơn vị đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu Chè Phú Thọ. Bà Bùi Thị Mão – Giám đốc Công ty chia sẻ: “Hiện nay, Công ty sản xuất khoảng 1.000 tấn chè thành phẩm/năm. Cùng với sản phẩm chè đen, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất chè xanh và cho ra đời sản phẩm mới, đạt tiêu chuẩn OCOP bốn sao cấp tỉnh. Việc phát triển nhãn hiệu chứng nhận đã trở thành một định hướng quan trọng nhằm nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tổ chức sản xuất, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa. Tôi mong muốn nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ sớm được bảo hộ tại nước ngoài, mở ra cơ hội lớn, giúp chè Phú Thọ nâng tầm thương hiệu, thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm”.
Đồng chí Khổng Danh Đạt – Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Sở KH&CN được UBND tỉnh giao là chủ sở hữu và quản lý nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ. Để phát huy tốt nhãn hiệu chứng nhận, Sở KH&CN tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong quản lý, kết hợp đẩy mạnh quảng bá, phát triển nhãn hiệu chè đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng, phát triển nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ theo đúng định hướng của tỉnh. Đồng thời tổng hợp, đề xuất các dự án, nhiệm vụ KH&CN hàng năm để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX có tiềm năng hoặc đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ ứng dụng KH&CN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận Chè Phú Thọ.