Phát triển Khu du lịch Ba Bể thành Khu du lịch quốc gia

BVR&MT – UBND tỉnh Bắc Kạn vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển Khu du lịch Ba Bể thành Khu du lịch quốc gia giai đoạn 2022 – 2030, định hướng đến năm 2050.

Hồ Ba Bể có nhiều phong cảnh kỳ thú.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho biết, việc xây dựng Đề án này là cần thiết để có cơ sở khoa học và thực tiễn, cũng như những định hướng, kế hoạch phát triển rõ ràng và cụ thể giúp du lịch Ba Bể phát huy hiệu quả các giá trị, xứng tầm với tiềm năng vốn có, thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương, góp phần bảo tồn, duy trì bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái.

Theo Đề án, đến năm 2030, Khu du lịch Ba Bể đạt các tiêu chí công nhận khu du lịch quốc gia theo Luật Du lịch. Sau năm 2030, Khu du lịch sẽ đi vào hoạt động ổn định. Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Ba Bể đón 1 triệu lượt khách; đến năm 2035 đón khoảng 1,35 triệu lượt người; đến năm 2050 là khoảng 2 – 2,5 triệu lượt khách. Đến năm 2030, Khu du lịch có tối thiểu 1 khách sạn 4 sao, 1 nhà hàng công suất trên 500 chỗ, 100% các cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách; hình thành bộ máy Ban quản lý Khu du lịch quốc gia trực thuộc tỉnh; hoàn thiện hạ tầng giao thông và viễn thông…

Khu du lịch Ba Bể nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bắc Kạn, cách thành phố Bắc Kạn khoảng 74 km và cách Thủ đô Hà Nội khoảng 250 km. Hiện nay, tỉnh đang thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn – Hồ Ba Bể với chiều dài khoảng 39 km, dự kiến hoàn thành trong năm 2024 (sẽ rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội đến Hồ Ba Bể chỉ còn khoảng 215 km), tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Khu du lịch Ba Bể có nhiều tiềm năng và lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, kết hợp với sự phong phú về truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó, nổi bật nhất là danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể) với tổng diện tích bảo tồn thắng cảnh trên 10.000 ha. Khu vực này không chỉ nổi bật về giá trị đa dạng sinh học mà còn mang những giá trị to lớn về địa chất, địa mạo với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như: thác Đầu Đẳng, hẻm vực sông Năng, ao Tiên, động Puông, đảo An Mạ, đảo Bà Góa… Đặc biệt, hồ Ba Bể là một trong số ít hồ nước ngọt lớn tự nhiên trên núi và đẹp trên thế giới. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc độc đáo của người dân tộc thiểu số như: các lễ hội, tâm linh, tín ngưỡng…

Du khách chèo thuyền kayak trên hồ Ba Bể.

Từ năm 2004, Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận là Di sản thiên nhiên của ASEAN. Tại Hội nghị quốc tế về hồ nước ngọt diễn ra tại Hoa Kỳ vào tháng 3/2005, hồ Ba Bể được đưa vào danh sách 20 hồ nước ngọt đặc biệt nhất của thế giới cần được bảo vệ và là “viên ngọc xanh của nhân loại”. Năm 2011, hồ Ba Bể được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế). Tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể là một trong các di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng.

Là khu du lịch sinh thái nổi tiếng của vùng Đông Bắc Việt Nam với nhiều phong cảnh kỳ thú và đa dạng về sinh học, Ba Bể có vị trí đặc biệt trong việc phát triển du lịch, rất thuận lợi trong việc kết nối tour, tuyến như: tiếp giáp Khu di tích lịch sử ATK (huyện Chợ Đồn), di tích lịch sử Nà Tu (huyện Bạch Thông), các điểm du lịch của huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), Khu di tích lịch sử Pác Bó và thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng)… Lượng khách tới Khu du lịch Ba Bể ngày càng tăng. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư đã và đang khảo sát, đề xuất ý tưởng thực hiện các dự án đầu tư phát triển tại Khu du lịch này.

Tuy nhiên thực tế, Khu du lịch Ba Bể vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết như: tiêu chí và chỉ tiêu phát triển khu du lịch đạt được chưa cao, sự quan tâm từ khách du lịch và nhà đầu tư đối với việc phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, lượng khách du lịch chưa đạt mức mong đợi, các sản phẩm và dịch vụ chưa thật sự phong phú, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đồng bộ, nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp.

Để phát triển du lịch tại Ba Bể, UBND tỉnh Bắc Kạn đã triển khai xây dựng và đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể…