Phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại vùng trồng rau trọng điểm

BVR&MT – Nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn nói chung và rau an toàn nói riêng hiện nay đang trở thành vấn đề cấp bách đối với toàn xã hội. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch ngày càng cao.

Sản xuất rau an toàn đang là một trong những vấn đề được toàn xã hội quan tâm.

Với mục tiêu sản xuất rau an toàn, tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn nhằm hình thành chuỗi liên kết bền vững để giám sát chất lượng rau từ sản xuất đến tiêu thụ và phát triển bền vững giữa người dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp Viện Môi trường Nông nghiệp (MTNN) đã nhân rộng mô hình: “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại vùng trồng rau trọng điểm cung cấp cho thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”.

Mô hình sản xuất cà chua, cải ăn lá, dưa chuột, và đậu ăn quả tại hai vùng trồng rau trọng điểm của HTX Đông Cao tại xã Tráng Việt, Mê Linh và HTX Sơn Du, tại xã Nguyên Khê, Đông Anh là một trong những điểm trình diễn của dự án trong năm 2017.

Đánh giá của Viện về mô hình chuỗi sản xuất rau an toàn tại 2 vùng này, bà Đặng Thị Phương Lan, Trưởng Bộ môn An toàn và Đa dạng sinh học thuộc Viện MTNN, chủ trì dự án cho biết, Dự án đã được thực hiện hơn 1 năm, hiện nay các địa phương đã phối hợp tốt với Viện MTNN trong việc triển khai các nội dung của dự án. Nông dân tham gia nhiệt tình và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật của dự án. Cây trồng trong các mô hình được chỉ đạo thực hiện và giám sát áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật và sản phẩm đạt chất lượng rau an toàn theo QCVN 01:132-2013/BNNPTNT. Các HTX đã tiêu thụ được 50-70% sản lượng rau quả trong mô hình. Do sử dụng hạn chế phân bón và thuốc BVTV nên so với sản xuất đại trà, các cây trồng trong mô hình có năng suất thấp hơn, song chi phí sản xuất lại tiết kiệm được khoảng 9%, đồng thời, sản phẩm được HTX thu mua với giá ổn định và cao hơn giá trị trường. Nhờ đó, mô hình đã từng bước mang lại hiệu quả sản xuất, giúp bà con tăng thu nhập so với sản xuất ngoài mô hình.

Các chuyên gia đi thăm và đánh giá kết quả thực hiện dự án.

Người nông dân bước đầu đã biết ứng dụng các sản phẩm BVTV sinh học vào sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học để ủ tàn dư cây trồng và phân gia súc làm phân bón hữu cơ vi sinh, giúp tiết kiệm được chi phí phân bón, bảo vệ môi trường và cải tạo đất trồng.

Một trong những khó khăn khi triển khai dự án, đó là việc ghi chép nhật ký sản xuất của bà con nông dân do lao động chủ yếu trong độ tuổi 40-60, nhiều người trong số đó học vấn còn hạn chế, hơn nữa, tên các loại thuốc BVTV chủ yếu là tiếng nước ngoài, nên bà con rất khó khăn trong việc ghi chép đúng và đầy đủ nội dung theo yêu cầu của dự án.

Ông Tô Văn Định, chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sơn Du, Nguyên Khê cho biết: tham gia Dự án, thuận lợi của HTX và bà con là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất theo hữu cơ, đảm bảo sức khỏe, an toàn thực phẩm. Nông dân được hỗ trợ về cây giống, thuốc BVTV, phân bón, đồng thời bước đầu liên kết với một số doanh nghiệp, siêu thị cho đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, đầu ra còn gặp nhiều bất cập bởi HTX sản xuất đại trà, đa dạng: các loại rau, củ quả, đậu leo giàn, súp lơ, bắp cải…, do đó vào các thời điểm chính vụ, sản lượng lớn, HTX chưa thu mua được hết sản phẩm cho bà con. Chính vì thế HTX mong muốn được hỗ trợ thêm về đầu ra của sản phẩm, hỗ trợ quảng bá về mô hình để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn Du, Nguyên Khê chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tham gia thực hiện Dự án chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.

Nhận thấy khó khăn của người nông dân trong HTX về vấn đề đầu ra của sản phẩm. Viện MTNN sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX, các nhóm hộ trong việc nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, tự quản lý và giám sát chất lượng nội bộ. Đồng thời các HTX và các Tổ HTX cũng từng bước hoàn thiện cơ chế và chế tài xử phạt để các hộ tham gia nghiêm túc thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật và việc ghi chép nhật ký, ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá về mô hình và điểm sản xuất để thu hút thêm các đơn vị tiêu thụ sản phẩm tham gia vào chuỗi liên kết.

Như vậy, có thể thấy vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được người tiêu dùng quan tâm. Do đó, để người dân có thể an tâm sản xuất theo hướng an toàn thì vấn đề đầu ra, thị trường là điều quan trọng. Chính vì vậy, việc sản xuất theo chuỗi rau an toàn sẽ là hướng đi bền vững giúp người nông dân yên tâm sản xuất cũng như người tiêu dùng an tâm trong những bữa ăn của gia đình.

Thạch Thảo – Văn Trì