Phá trắng gần 30 ha rừng xã Quảng Trực

BVR&MT – Xác định được đối tượng phá rừng nhưng không thể ngăn chặn, không thể dùng biện pháp mạnh để xử lý, đó là thực trạng đang diễn ra tại lâm phần của Công ty Cổ phần Địa ốc Khang Nam (Công ty Khang Nam) thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Gần 30ha rừng bị phá trắng thuộc lâm phần Công ty Khang Nam xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Nguyên nhân là do chủ rừng buông lỏng quản lý, chính quyền địa phương tách, lập dự án còn nhiều thiếu sót dẫn đến gần 10 năm qua vẫn không bố trí được quỹ đất sản xuất để cấp cho các hộ dân thuộc Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức theo quy định.

Buông lỏng quản lý

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đi thực tế tại tiểu khu 1529 thuộc lâm phần do Công ty Khang Nam quản lý, chứng kiến hàng loạt diện tích rừng tự nhiên ở đây bị đốn hạ, đốt cháy trơ trụi nằm ngổn ngang, một số cây gỗ có phẩm chất tốt đường kính lớn từ 30-80cm được các đối tượng tổ chức cưa, xẻ lấy gỗ ngay tại hiện trường.

Sau khi phá rừng, các đối tượng ngang nhiên tổ chức làm nhà tạm, trồng cây nông nghiệp ngay trên diện tích rừng vừa bị phá, hoạt động này diễn ra công khai dài ngày nhưng không hề bị ngăn chặn. Điều đáng nói, toàn bộ diện tích rừng bị phá nằm lọt giữa hai trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty Khang Nam.

Lý giải về việc rừng bị phá, phía Công ty cho rằng việc phá rừng ở đây công ty đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn, biết rõ cả đối tượng tham gia phá rừng, thế nhưng do lực lượng mỏng trong khi đó người dân đi phá rừng tập thể với số lượng người đông và rất manh động nên không cản được. Công ty đã kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhưng không hiểu vì sao các đối tượng không bị xử lý.

Ông Bùi Văn Lào, phụ trách Trạm quản lý bảo vệ rừng Công ty Khang Nam cho biết: “Các đối tượng đi phá rừng rất đông, có lần lên đến cả mấy chục người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Họ đem dao, rựa, cưa xăng đi phá rừng, chúng tôi ra ngăn cản họ rất manh động dọa đánh gây áp lực, sau đó gọi điện thoại cho rất nhiều đối tượng khác ra để chống lại và tiếp tục phá rừng. Khi các lực lượng chức năng vào xử lý, các đối tượng rút lui rồi chuyển sang phá rừng vào ban đêm, lúc gần sáng. Chúng tôi lực lượng mỏng, không có công cụ hỗ trợ nên thấy phá rừng mà bất lực không ngăn chặn được”.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực Đoàn Hồng Quân lại cho rằng: “Việc phá rừng ở đây là do phía Công ty Khang Nam buông lỏng quản lý, không có người bảo vệ. Từ năm 2011, khi được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho đến nay, Công ty Khang Nam chưa hề liên hệ với địa phương, trong khi đó địa phương rất nhiều lần mời dự họp bàn về công tác phối hợp ngăn chặn phá rừng nhưng lãnh đạo công ty này không tham dự, địa phương cũng không liên lạc được lãnh đạo Công ty bằng điện thoại mỗi khi có phá rừng xảy ra.

Tất cả các vụ phá rừng diễn ra tại lâm phần Công ty là do chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phát hiện ngăn chặn chứ phía Công ty không hề báo cáo. Việc để xảy ra phá rừng diện tích lớn là do đường đi lại rất khó khăn, khi phát hiện phá rừng lực lượng chức năng địa phương phải đi vòng qua một số xã của huyện Đắk R’lấp hơn 100km mới vào đến nơi, khi vào rừng đã thiệt hại lớn”.

Cùng quan điểm, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Tuy Đức Nguyễn Duy Tân cho biết: “Việc phá rừng tại Công ty Khang Nam đã tạo nên một điểm nóng tại địa phương. Rừng bị phá tràn lan, liên tục kéo dài nhưng công ty này bỏ bê không tổ chức quản lý bảo vệ theo quy định, không báo cáo chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, thậm chí khi phát hiện phá rừng các cơ quan chức năng vào ngăn chặn xử lý thì công ty này cũng không có người để phối hợp”.

Cũng theo ông Tân, tính từ thời điểm năm 2011, Công ty Khang Nam được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê gần 337ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có gần 325 ha rừng tự nhiên để thực hiện dự án bảo vệ, đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp, thì đến nay rừng của công ty này chỉ còn 40ha, chủ yếu là rừng lồ ô tái sinh, rừng hỗn giao lồ ô xen gỗ rải rác. Số còn lại rừng đã bị phá trắng, phần lớn đất bị xâm canh sản xuất nông nghiệp.

Sau khi phá rừng, các đối tượng công khai xẻ gỗ trên diện tích rừng vừa bị phá mà không bị ngăn chặn.

Trách nhiệm địa phương

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương huyện Tuy Đức, diện tích rừng của Công ty Khang Nam bị phá trắng từ tháng 2-2018 đến nay là gần 30 ha, các đối tượng tham gia phá rừng được xác định là 21 hộ đồng bào dân tộc người Mông thuộc xã Đắk Ngo. Nguyên nhân xác định do các hộ dân này thiếu đất sản xuất.

Việc phá rừng là vi phạm pháp luật nhưng để thẳng tay xử lý người dân là rất khó khăn, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Đác Nông trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, làm việc với các hộ dân và hứa sẽ sớm bố trí cấp đất sản xuất cho dân theo quy định nhưng đến nay đã gần 10 năm vẫn chưa thực hiện.

Theo đó, từ năm 2009, có 512 hộ dân di cư tự do từ các tỉnh phía bắc và một số hộ người đồng bào dân tộc tại chỗ được tỉnh Đắk Nông sắp xếp định cư tại Dự án ổn định dân di cư tự do thuộc tiểu khu 1541 xã Đắk Ngo, trong đó một hộ dân được cấp 1ha đất sản xuất và 400m2 đất ở để ổn định cuộc sống.

Nhưng do việc làm tắc trách của chính quyền địa phương dẫn đến 21 hộ dân thuộc diện được cấp đất sản xuất trong dự án không có đất. Từ đó đến nay, người dân đã nhiều lần kiến nghị, chính quyền địa phương cũng đã hứa với dân nhiều lần nhưng không thực hiện, dẫn đến việc người dân tổ chức đi phá rừng tập thể.

Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo Nguyễn Huy Công cho biết: “Sự việc đã được kiến nghị lên các cấp nhiều lần, trong đó có cả kiến nghị trực tiếp trong các cuộc tiếp xúc cử tri với HĐND ba cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội nhưng không biết vướng ở khâu nào mà đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến bà con bức xúc. Chúng tôi tổ chức tuyên truyền vận động nhiều nhưng người dân vẫn không đồng tình mà ra “tối hậu thư” là phải cấp đất, nếu không bà con tự đi khai phá tìm đất sản xuất. Vụ việc này đã kéo dài nhiều năm, khiến tình hình an ninh chính trị tại địa phương trở nên phức tạp, nhưng đây là vấn đề vượt thẩm quyền nên địa phương không xử lý được”.

Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông Nguyễn Duy Tân cho biết: “Việc yếu kém, buông lỏng trách nhiệm quản lý của Công ty Khang Nam là nguyên nhân chính khiến nhiều diện tích rừng bị phá trắng. Chúng tôi đã hết sức cố gắng để ngăn chặn tình trạng phá rừng nhưng đơn vị chủ rừng bỏ bê thì chúng tôi không thể làm thay được. Đề nghị huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông có biện pháp mạnh để xử lý trách nhiệm đối với đơn vị chủ rừng. Đồng thời, sớm có giải pháp quy hoạch để cấp đất sản xuất cho dân, tránh việc lợi dụng thiếu đất sản xuất để phá rừng tràn lan như hiện nay”.

Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy Đức Nguyễn Ngọc Minh cho biết: “Nguyên nhân thiếu đất là do một phần đất của dự án trước đây bị một số đối tượng khác chiếm dụng đến nay huyện Tuy Đức vẫn chưa thu hồi được dẫn đến không có đất để cấp cho dân. Chúng tôi đã có báo cáo và gửi tờ trình lên UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị tiếp tục thu hồi khoảng 30ha đất lâm nghiệp của Công ty Khang Nam để chuyển đổi, quy hoạch dự án cấp đất cho số hộ dân này. Hiện nay, vẫn đang chờ quyết định của tỉnh, sau khi được tỉnh đồng ý, chúng tôi sẽ lập dự án quy hoạch và cấp đất sản xuất cho dân sớm nhất.

Riêng vấn đề phá rừng tại Công ty Khang Nam, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường biện pháp ngăn chặn, tuyên truyền vận động để người dân không tiếp tục phá rừng. Hiện, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xử lý theo quy định pháp luật cả đối tượng phá rừng và chủ rừng vì thiếu trách nhiệm quản lý”.

Nguyên nhân chính của vụ việc phá rừng tập thể ở xã Quảng Trực đã được xác định, nếu các cấp chính quyền địa phương tỉnh Đắk Nông không sớm có biện pháp ngăn chặn xử lý hiệu quả, sớm quy hoạch và bố trí cấp đất sản xuất cho người dân theo quy định, thì không những nhiều diện tích rừng sẽ tiếp tục bị tàn phá, mà nghiêm trọng hơn là nhiều người dân sẽ rơi vào vòng lao lý vì vi phạm pháp luật.