Ô nhiễm tiếng ồn có thể gây tổn hại thính lực của con người

BVR&MT – Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại khu vực đô thị có mối liên hệ chặt chẽ với sự suy giảm thính lực của con người. Thực tế này được phản ánh qua kết quả khảo sát tại 50 thành phố lớn trên thế giới công bố ngày 3/3, nhân Ngày Nghe Thế giới (World Hearing Day).

Quảng Châu, một trong những thành phố ồn ào nhất thế giới. (Nguồn: chinatravelca)

Theo kết quả khảo sát nói trên, mức độ suy giảm thính lực nghiêm trọng nhất được ghi nhận ở những đối tượng là cư dân sinh sống tại những thành phố ồn ào nhất thế giới như Quảng Châu (Trung Quốc), New Delhi (Ấn Độ) và Cairo (Ai Cập), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Trong khi đó, cư dân sinh sống tại Zurich (Thụy Sĩ), Vienna (Áo), Oslo (Nauy) và Munich (Đức) – những thành phố ít ô nhiễm tiếng ồn nhất thế giới có sự suy giảm thính lực ở mức thấp nhất.

Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đại học Y Mimi và Charite ở Berlin (Đức) kết luận tình trạng “lão hóa” thính lực của cư dân ở những thành phố ô nhiễm tiếng ồn nhất thế giới nhanh hơn 10 năm so với những cư dân sống ở những thành phố ít ô nhiễm tiếng ồn nhất.

Để có được kết quả khảo sát trên, các nhà nghiên cứu thu thập thông tin xếp hạng những thành phố ô nhiễm tiếng ồn và yên tĩnh nhất thế giới. Tiếp đến, các nhà khoa học kiểm tra thính lực của 200.000 người đến từ những đô thị nói trên bằng một bài kiểm tra được tiến hành thông qua điện thoại di động.

Thông qua nghiên cứu này, các nhà khoa học mong muốn nâng cao nhận thức về việc bảo vệ thính lực trước tác động của môi trường sống.

Cũng trong ngày 3/3, Ngày Nghe Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo cho biết tình trạng suy giảm thính lực hàng năm gây tổn thất cho thế giới khoảng từ 750 tỷ USD đến 790 tỷ USD, trong đó chi phí y tế thăm khám cho người bệnh lên tới 107 tỷ USD, còn lại là tổn thất kinh tế do nguồn lực lao động chịu ảnh hưởng của việc suy giảm thính lực.

Tạp chí y học The Lancet của Pháp mới đây coi hiện tượng mất thính lực là một “dịch bệnh thầm lặng” và hàng triệu người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận sự điều trị thích hợp.