Nuôi động vật hoang dã có thực sự vì bảo tồn?

BVR&MTGây nuôi động vật hoang dã vẫn đang được quảng bá là cách để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời giúp cung cấp lương thực và tăng nguồn thu nhập cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, một số nhà khoa học bảo tồn cho rằng cách làm này không mang lại ích lợi gì cho các loài động vật hoang dã đang bị săn bắt.

Hơn một thập kỷ trước, với hy vọng làm giảm việc săn bắn giết hại động vật hoang dã cho mục đích buôn bán thịt rừng, các nhà nghiên cứu ở Tây Phi đã tìm cách thiết lập nguồn cung protein thay thế bằng việc nhân nuôi một số loài hoang dã phổ biến và có giá trị như Nhím đuôi chổi. Phương thức này cho đến nay vẫn được các chuyên gia tư vấn về an ninh lương thực duy trì và cổ súy nhằm tăng nguồn thu nhập cho khu vực nông thôn và cung cấp protein cho thế giới vốn thiếu thốn chất đạm.

Các chuyên gia y tế công cộng cũng nghiêng về quan điểm ủng hộ gây nuôi vì cho rằng nếu được quản lý tốt thì có thể góp phần ngăn chặn các bệnh lây nhiễm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Ngay cả Sea World, công ty giải trí nổi tiếng của Mỹ cũng bắt tay vào hành động và thúc đẩy phương pháp nuôi nhốt thông qua tổ chức phi lợi nhuận của mình mang tên Rising Tide và coi đây là biện pháp giúp làm giảm sự tàn phá các loài cá sống dưới rạn san hô trước hoạt động buôn bán cá cảnh.

Về phần mình, hai nhà nghiên cứu thương mại động vật hoang dã Dan Challender và Douglas C. MacMillan khẳng định các quy định và nỗ lực thực thi riêng lẻ không thể chấm dứt cuộc khủng hoảng săn bắt trái phép hiện tại, do đó họ mạnh dạn đề xuất: “Trong trung hạn, chúng ta nên đẩy giá xuống” kết hợp với “cơ chế bao tiêu bền vững” bằng các quy định thương mại, chăn nuôi và nuôi động vật hoang dã, đồng thời sử dụng đòn bẩy kinh tế như thuế để hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn. Về dài hạn, cần giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã thông qua các chương trình tiếp thị xã hội. Hai tác giả viện dẫn thành công trong việc gây nuôi cá sấu ở châu Phi vào khoảng giữa thế kỷ 20 đã giúp giảm áp lực săn bắt trái phép đối với các quần thể hoang dã ra sao và nhấn mạnh điều này thậm chí còn đạt được ở các quốc gia có nền quản trị yếu kém.

Trái với quan điểm nghiêng về phía ủng hộ của các nhà kinh tế, y tế và thương mại, các nhà bảo tồn lại tranh cãi rất nhiều về việc gây nuôi động vật hoang dã có thực sự vì mục tiêu ngăn chặn buôn bán thịt rừng và thú nuôi lạ.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 4/2016 trên Tạp chí Global Ecology and Conservation đã đặt câu hỏi: “Trong hoàn cảnh nào, việc nuôi nhốt động vật hoang dã mang lại lợi ích cho bảo tồn loài?”. Tác giả Laura Tensen, nhà di truyền học bảo tồn tại Đại học Johannesburg đã đi tìm câu trả lời bằng cách thực hiện một đánh giá sâu rộng về dự án nuôi động vật hoang dã trên toàn thế giới và câu trả lời của bà là thực chất thì “hiếm khi”. Bà dẫn chứng sự thay đổi trong những năm 1930 từ động vật săn bắt ngoài tự nhiên đến động vật gây nuôi trong trang trại – vốn được coi là câu chuyện thành công cho sự phục hồi của nhiều loài động vật có vú ở Bắc Mỹ – thực chất là nhằm phục vụ ngành kinh doanh lông thú xa xỉ thay vì thiên hướng mục đích bảo tồn.

Trong lúc cuộc tranh luận giữa hai phe chưa có hồi kết thì tại kỳ họp CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) diễn ra ở  Johannesburg, Nam Phi vào tháng 9/2016 với sự tham dự của 182 quốc gia thành viên, Swaziland đã đưa ra đề xuất hợp pháp hóa thương mại sừng tê giác bao gồm cả sừng tê được lưu trữ trong kho và sừng khai thác trực tiếp từ những cá thể đang sống. Đề xuất này lập tức bị các quốc gia bác bỏ bởi lo ngại hành động này sẽ tiếp tay mạnh hơn cho nhu cầu tiêu thụ sừng tê và đe dọa các quần thể tê giác trong tự nhiên.

Trên thực tế thì nuôi động vật hoang dã không phải là một đề xuất mới và ý tưởng nuôi động vật hoang dã cũng không phải là một “công cụ” bảo tồn đặc biệt. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là tính cấp thiết của việc thúc đẩy gây nuôi thương mại các loài động vật hoang dã ở khắp mọi nơi và phạm vi đặc biệt của các loài được gây nuôi này. Một nghiên cứu thí điểm ở Việt Nam vào năm 2015 đã xác định được 185 loài hoang dã đang được gây nuôi bao gồm Nhím, Cáo bay, Khỉ ăn cua, Cầy vòi hương, Mèo hoang dã và nhiều loài gặm nhấm, bò sát khác.

Cá thể Cầy vòi hương tại một trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã ở Bali, Indonesia (Ảnh: Paula Brostein/ Getty).

Không chỉ băn khoăn về việc gây nuôi động vật hoang dã với phạm vi, số lượng như thế nào là phù hợp, nhiều nhà bảo tồn còn rất ái ngại với bài toán chi phí. Xét về khía cạnh kinh tế, xu hướng nuôi nhốt có khi còn tốn kém hơn cả việc mua chúng từ tự nhiên vì sẽ phải chi trả rất nhiều các khoản phí liên quan đến xây dựng chuồng trại, mua thức ăn và chăm sóc. Giá thành các sản phẩm từ động vật hoang dã nuôi nhốt vì vậy cũng thường đắt hơn. Không riêng châu Phi – nơi săn bắt thú rừng chủ yếu phục vụ nhu cầu dinh dưỡng cơ bản – mà ngay cả những người tiêu dùng tương đối giàu có và tri thức ở các nước phát triển cũng thường miễn cưỡng trả tiền cho giá trị của sự bền vững. Đơn cử như tại Philippin, người dân thường dùng một loại súng săn rất nhỏ để săn các loại cá cảnh có màu sắc sặc sỡ (đặc biệt họ thường săn con đực vì chúng rất đẹp nên khiến nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng), tuy nhiên không ai muốn trả 40 đô la cho một con cá được gây nuôi thay vì họ có thể mua với giá 12 đô la từ nguồn hoang dã.

Chưa hết, việc gây nuôi và chăm sóc các loài hoang dã cũng không hề đơn giản chút nào. Chúng rất khó nuôi dưỡng trong điều kiện nuôi nhốt và tỷ lệ sinh sản, sinh trưởng cũng không cao như các loài động vật thương mại vốn đã được thuần hóa. Các nhà nghiên cứu đã thử tiến hành nuôi 15% các loài cá nước mặn nhưng chỉ có 6% có sẵn ở cấp độ bán lẻ.

Một cá thể Khỉ ăn cua ở Thái Lan (Ảnh: Bruce Cowan/FLICKR).

Thêm điểm đáng chú ý là bản thân các trang trại gây nuôi động vật hoang dã cũng thường lấy nguồn cung từ chính tự nhiên. Các nghiên cứu chỉ ra có tới 90% các trang trại nuôi Chuột sậy ở Ghana, một nửa số trang trại nuôi Nhím ở Việt Nam và ba phần tư các trang trại Trăn cây ở Indonesia vẫn lấy động vật từ tự nhiên.

David Wilkie, Giám đốc phụ trách vấn đề bảo tồn và cộng đồng của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) khẳng định chúng ta đã và đang lãng phí rất nhiều khi cố gắng gây nuôi động vật hoang dã như một cách làm giảm nhu cầu tiêu thụ nguồn thực phẩm thiếu bền vững và theo ông, việc chăn nuôi gia cầm, gia súc thực tế hơn gây nuôi động vật hoang dã bởi đó mới là nguồn protein giúp các cộng đồng từ bỏ thịt rừng.

Juan Lubroth, Bác sĩ thú y trưởng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cũng lặp lại lời kêu gọi “tăng cường bền vững” trong chăn nuôi gia súc với phát biểu: “Chúng tôi đã đi một chặng đường dài từ những gì đã thúc đẩy cách đây 10 hoặc 20 năm trước trong sự hiểu biết rõ về những động lực và khó khăn của việc gây nuôi động vật hoang dã”.

Giữa nhiều quan điểm trái chiều và khác biệt, làm thế nào để xác định được các trường hợp nuôi động vật hoang dã có thực sự vì bảo tồn? Nhà di truyền học Laura Tensen đã nêu ra năm tiêu chí thiết yếu để tạm trả lời cho câu hỏi trên:

i) Phải cung cấp được sự thay thế thích hợp để người mua từ bỏ các sản phẩm động vật hoang dã.

ii) Phải đáp ứng được đáng kể nguồn cung cho thị trường và không tăng nhu cầu bằng cách làm cho sản phẩm trở nên phổ biến hơn hoặc hợp pháp.

iii) Phải có chi phí hiệu quả hơn để tránh bị bán ở thị trường chợ đen – điều này cũng có nghĩa động vật hoang dã được gây nuôi phải phát triển mạnh trong môi trường nhân tạo, có tỷ lệ sinh sản cao và cần lượng thức ăn tương đối ít để tạo ra protein.

iv) Nông dân không thể dựa vào nguồn cung từ săn bắt từ tự nhiên để tiến hành gây nuôi động vật hoang dã.

v) Động vật hoang dã được gây nuôi không phục vụ hoạt động rửa tiền bất hợp pháp.

Trước các tiêu chí mà Tensen đưa ra, Peter Daszak, Chủ tịch EcoHealth Allian, tổ chức chuyên thực hiện các chương trình nghiên cứu và tiếp cận về sức khỏe, bảo tồn và phát triển quốc tế cũng thừa nhận: “Bất cứ ai làm việc trong lĩnh vực này đều biết rằng có những tranh cãi và ý kiến chống lại việc khuyến khích phát triển các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã. Tôi đã cố gắng đánh giá khách quan thực tế nuôi nhốt và hoàn toàn đồng ý với cô ấy (Tensen) rằng trong phần lớn các trường hợp gây nuôi, động vật không được bảo tồn tốt. Thật không may nhưng đúng là như vậy”.

Được biết, thông qua trang web EcoHealthy Pets, tổ chức của Daszak chủ trương gây nuôi động vật hoang dã để buôn bán thú cưng cũng như phục vụ nghiên cứu bảo tồn và bảo vệ cộng đồng.

Daszak cho hay ông sẽ rà soát hoạt động gây nuôi động vật hoang dã của EcoHealthy Allian ở Trung Quốc để xem nó có phù hợp với các tiêu chí mà Tensen đưa ra không, đồng thời đề xuất ngành thú cưng và thực phẩm nên tập trung vào “phạm vi hạn chế” các loài vật nuôi đáp ứng tiêu chí về tính bền vững như EcoHealthy Pets đang áp dụng.

Thách thức mà chúng ta phải đối mặt là thuyết phục mọi người vốn đã quen với việc khai thác toàn bộ các loài trên hành tinh xuống con số chỉ còn vài trăm. Nhưng nếu không làm vậy thì mối nguy hiểm khác còn đáng sợ hơn là chúng ta sẽ kết thúc trên một hành tinh mà hoàn toàn không có bóng dáng động vật hoang dã.

Đỗ Hiếu (Theo e360.yale.edu)

CHIA SẺ