Nuôi cá không cần cá – thử thách mới của ngành thủy sản toàn cầu

BVR&MT – Khi thế giới dần tiến tới ngưỡng dân số 9 tỷ người, nuôi trồng thủy hải sản được coi là một giải pháp hiệu quả nhằm đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm ngày một gia tăng. Thế nhưng, khi cá là nguồn thức ăn nuôi sống con người thì dường như cá lại không còn đủ để làm thức ăn cho… cá nữa. Mặc dù ngày càng nhiều trang trại nuôi tôm cá mọc lên, câu ngạn ngữ cổ “plenty of fish in the sea” (“Biển vẫn còn đầy cá”, ám chỉ rằng cuộc sống luôn còn nhiều lựa chọn khác) có vẻ không còn chính xác.

Ảnh: Wendy Seale/Mongabay

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), ngành công nghiệp nuôi trồng thủy hải sản đang phát triển nhanh hơn dân số với tốc độ tăng trưởng khoảng 8% mỗi năm. Khoảng 20% lượng cá trên thế giới trở thành thức ăn cho ngành thủy hải sản. Các loài cá làm thức ăn cho loài khác như cá trổng (cá cơm nước mặn) và loài moi lân bị khai thác để cung cấp dầu và protein cần thiết cho việc nuôi trồng thủy sản.

Kevin Fitzsimmons, chuyên gia thủy sản tại Đại học Arizona (Hoa Kỳ) khẳng định, kể cả khi ngành thủy sản đạt tới sản lượng ổn định, có nghĩa ta có thể khai thác cùng một sản lượng cá từ biển mà không ảnh hưởng tới sản lượng cá trong năm tiếp theo, không ai biết được là cá heo, cá voi hay chim biển có bị thiếu nguồn thức ăn hàng ngày hay không.

Từ đó, Thử thách F3 (Fish-Free-Feed – nuôi cá không cần cá) được tạo ra nhằm phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản không sử dụng cá hoặc dầu cá. Giải thưởng trị giá 200.000 USD đã được huy động từ cộng đồng, Công viên Thủy sinh Vịnh Monterey, Công viên Thủy sinh New England, Đại học Arizona và Ngân hàng Thế giới, với tám đội tiên phong tham gia từ các nơi trên thế giới. Đội đầu tiên bán được 100.000 tấn cá nuôi không sử dụng cá hoặc nhiều nhất khi kết thúc cuộc thi vào ngày 15 tháng 9 năm 2017 sẽ là đội chiến thắng.

Fitzsimmons, chủ tịch hội đồng cuộc thi cho biết, mặc dù rất nhiều nghiên cứu đang được thực hiện, vấn đề là làm sao tác động đến ngành công nghiệp và kêu gọi sử dụng các loại nguyên liệu như protein đơn bào, chiết xuất tảo hay côn trùng làm thức ăn cho cá thay cho các loài cá con. Bên cạnh mục tiêu xây dựng những công thức thực phẩm mới, ông mong đợi cuộc thi có thể kết nối các nhà sản xuất nguyên liệu thay thế với các doanh nghiệp thực phẩm và các nhà tài trợ tiềm năng.

Một trong những công ty nhỏ đang tìm cách tăng sản lượng là TomAlgae, một cơ sở tại Bỉ, sản xuất tảo vi sinh làm mồi cho ấu trùng tôm. Bằng cách nuôi tảo cát trong điều kiện được kiểm soát sát sao, họ có thể ước tính được lượng dinh dưỡng và phòng tránh ô nhiễm từ mầm bệnh làm giảm giá trị dinh dưỡng của nguồn thực phẩm này.

William van der Riet, đồng sáng lập công ty cho biết, TomAlgae mong muốn thay thế loại tảo tươi được dùng trong các trang trại ươm trứng tôm cá. Dưới điều kiện tiêu chuẩn, khoảng 100 gram tảo vi sinh khô đông lạnh có thể làm mồi cho một triệu ấu trùng tôm và sản xuất ra khoảng 15 tấn thịt tôm. Thử thách F3 giúp TomAlgae tham gia cùng các công ty sản xuất mồi không cá khác xây dựng chuỗi sản xuất mồi bền vững toàn diện cho ngành nuôi trồng thủy hải sản, bắt đầu từ giai đoạn ươm trứng.

Ở quy mô rộng hơn, công ty TerraVia tại California đang thu hoạch tảo để sản xuất docosahexaenoic acid (DHA), một trong những acid béo cần thiết thuộc họ omega-3 (EFA) có trong dầu cá. Gần 400.000 tấn dầu cá được dùng làm mồi cho cá hồi nước ngọt và nước mặn, khiến nuôi trồng thủy hải sản trở thành ngành công nghiệp lớn duy nhất tiêu thụ các loại omega-3 chuỗi dài như dầu cá. Tảo chính là nguồn gốc của EFA được tích lũy sinh học bên trong các loài cá.

Ruốc cá (Ảnh: Wendy Seale/Mongabay)

Trước khi tập trung chiết xuất dầu để sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo lên men, TerraVia sử dụng hệ thống phản ứng sinh học tại Brazil để sản xuất DHA. Với các máy móc có khả năng sản xuất mười nghìn tấn DHA từ tảo, Phó Giám đốc Walter Rakitsky ước tính mỗi tấn có thể cứu sống 40 tấn cá đánh bắt tự nhiên.

Với nguồn nguyên liệu bền vững, trong thử thách F3, TerraVia cùng công ty sản xuất mồi cá Star Milling và đơn vị bán lẻ cá thân thiện với môi trường TwoXSea lập thành một đội. Bài dự thi đầu vào của họ là sản phẩm mồi cho cá hồi cầu vồng. Sản phẩm này được nhà nghiên cứu vật lý học Rick Barrows (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) phát triển cho TwoXSea, sản xuất bởi Star Milling, và có bao gồm DHA từ tảo của TerraVia cùng các nguyên liệu khác như dầu hạt lanh và quả hồ trăn.

Cuộc tìm kiếm thức ăn thân thiện cho cá không hề mới mẻ đối với TwoXSea. Bill Foss, một trong những sáng lập viên của TwoXSea đã từng mở một nhà hàng chuyên phục vụ hải sản bền vững nhằm mục đích giáo dục người tiêu dùng. Ông cho rằng, mỗi người tiêu dùng cũng cần đưa ra những quyết định đúng đắn và cùng chịu trách nhiệm với những người nuôi trồng thủy hải sản. Giải pháp hiển nhiên là ngừng nhập hải sản từ các nơi khác và bắt đầu nuôi cá hồi nước ngọt với chế độ ăn dựa trên thực vật. Đây được coi là quá trình “có thể tái tạo” thay vì quá trình “bền vững”.

Tập đoàn Ridley, đơn vị đi đầu trong lĩnh vực sản xuất mồi nông nghiệp tại Úc, hướng tới phát triển mồi cho tôm sú, một loại hải sản được dự báo sẽ tăng gấp 5 lần sản lượng trong những năm tới. Bài dự thi đầu vào của Ridley là một sản phẩm mới có tên Novacq, đại diện cho nỗ lực trong dài hạn nhằm phát triển các sản phẩm mồi bền vững hơn, có thể tăng khả năng sinh trưởng, kháng bệnh cho hải sản, và giảm thiểu chất thải.

Nhiều cơ hội như Thách thức F3 đang dần mở rộng. Tháng trước, các ứng cử viên trong Thử thách F3 đã gặp mặt giao lưu cùng các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Không chỉ dừng lại ở mục đích chọn ra người thắng thua, cuộc thi còn mở ra một diễn đàn cho những người cùng chung ý tưởng cho một tương lai nuôi trồng thủy sản bền vững.

Hà Linh/Theo Mongabay