Nuôi bồ câu kết hợp gà rừng giúp nông dân “hái ra tiền”

BVR&MT – Nuôi bồ câu kết hợp gà rừng là mô hình chăn nuôi còn khá mới mẻ ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, giúp nông dân “hái ra tiền”.

Trong quá trình nuôi bồ câu Pháp, một trại giống ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi bồ câu kết hợp với gà rừng. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ việc tận dụng tối đa nguồn thức ăn thừa trong chăn nuôi cũng như diện tích chuồng trại.

Anh Nguyễn Minh Tâm là người đầu tiên nuôi kết hợp gà rừng với bồ câu ở Bình Thuận

Hơn 10 năm trước, vào thời điểm du lịch Bình Thuận đang trên đà phát triển, anh Nguyễn Minh Tâm, ở xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết nhận thấy nhu cầu ẩm thực của du khách rất phong phú. Ngoài các loại hải sản thì thịt bồ câu dinh dưỡng cao cũng được nhiều người ưa chuộng, thế là anh Tâm bắt đầu nuôi thí điểm bồ câu Pháp trong vườn nhà mình.

40 cặp giống bồ câu Pháp đầu tiên được anh Tâm mua từ huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh về. Sau ít tháng, bồ câu lớn nhanh, đẻ nhiều, nên anh liên tục tăng số lượng và phát triển với quy mô lên đến 2.000 cặp. Năm ngoái, anh Tâm thử nghiệm nuôi thêm gà rừng trong cùng trại bồ câu, bởi bồ câu rất phá mồi, thức ăn vương vãi ra ngoài nhiều.

Gà rừng lượm lặt thức ăn vương vãi của bồ câu giúp tiết kiệm chi phí

Anh Nguyễn Minh Tâm, chủ trại giống ABC nhận thấy gà rừng lại giải quyết được điều này: Con gà rừng ăn thức ăn bên dưới. Nó đi tìm thức ăn, bồ câu làm rơi vãi ra thì nó sẽ tận dụng thức ăn dư thừa này. Và con gà rừng có độ kháng bệnh rất cao và giá trị kinh tế rất cao. Do đó, tôi chọn con gà rừng kết hợp nuôi chung với bồ câu.

Từ giống gà rừng thuần chủng, trại giống ABC cho lai thế hệ F1, F2. Con giống vẫn giữ được đặc tính nhanh nhẹn, ăn ít và kháng bệnh cao. Gà rừng mỗi lần đẻ khoảng chục trứng, nhờ tăng cường thêm ấp điện, nên gà con nở ra có tỷ lệ sống sót cao. Đến nay tổng số gà rừng của trại ABC đã nhân lên được 500 con. Nuôi gà rừng không phải tốn thêm thức ăn, vì tận dụng thức ăn thừa của bồ câu, nhưng anh Tâm lại có thêm thu nhập từ gà rừng 20 triệu đồng mỗi tháng.

Hiện nay, mô hình bồ câu kết hợp gà rừng đang được nhân rộng ở Phan Thiết với khoảng chục hộ nuôi. Anh Trương Minh Tuấn chủ trại bồ câu 117 phường Phú Tài, là một trong số các hộ chăn nuôi bồ câu Pháp ở thành phố Phan Thiết tiếp cận nhanh mô hình này từ trại giống ABC. Anh Tuấn đang nuôi 250 cặp bồ câu, cho thu nhập hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Nay anh kết hợp thêm gà rừng, bởi thấy rõ hiệu quả của mô hình.

Anh Trương Minh Tuấn cho biết một nguồn thức ăn cho bồ câu nhưng lại cho ra 2 nguồn thương phẩm.

Anh Tuấn chia sẻ: Gà rừng không có xung đột gì với bồ câu. Gà rừng ăn ở dưới, ngủ ở trên và cũng đẻ ở trên, xử lý được nguồn thức ăn phung phí. Không thêm chi phí mà lại có thêm một đầu thương phẩm, một đầu thu nhập nữa.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ thịt gà rừng và bồ câu ở Bình Thuận rất lớn. Ngoài các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu, quán cháo dinh dưỡng, thì sản phẩm này đang được các dịch vụ tiệc cưới ở đây ưa chuộng. Trước nhu cầu này, Trại giống ABC đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân phát triển mô hình theo hướng vừa cung cấp giống vừa bao tiêu sản phẩm thịt. Vì thế, các hộ chăn nuôi không lo lắng về đầu ra.

Gà rừng kháng bệnh tốt, thịt ngon thơm, đang được nhiều thực khách ưa chuộng.

Ông Trần Minh Quân, Chủ tịch Hội nông dân xã Thiện Nghiệp nhận thấy mô hình nuôi gà rừng lai kết hợp bồ câu của Trại giống ABC rất triển vọng trên địa bàn xã cũng như các khu vực lân cận.

Ông Quân co biết sẽ khuyến khích, hỗ trợ anh Tâm phát triển mô hình này mạnh dạn hơn nữa. Đồng thời, Hội nông dân sẽ giúp cho các hộ khác có nhu cầu phát triển mô hình này để phát triển kinh tế gia đình, cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường của các khu du lịch ở khu vực Hàm Tiến – Mũi Né trong thời gian tới.

Nuôi bồ câu kết hợp gà rừng là mô hình chăn nuôi còn khá mới mẻ ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Hiệu quả mang lại từ việc kết hợp này quá rõ. Địa bàn du lịch với nguồn tiêu thụ lớn, do vậy tới đây mô hình có nhiều triển vọng để phát triển mạnh, qua đó giúp nhiều nông dân địa phương tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.