BVR&MT – Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có và khí hậu tương đối mát mẻ, song Tây Bắc chưa có nhiều bứt phát trong phát triển nông nghiệp do gặp một số khó khăn về hạ tầng, địa hình cùng phương thức canh tác lạc hậu khiến đất đai bị bạc màu, thoái hóa. Đây cũng là lý do cho sự hình thành và áp dụng thí điểm một số mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững tại Tây Bắc, cụ thể là ba tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.
Lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật
Phần lớn bà con nông dân các tỉnh Tây Bắc hiện vẫn áp dụng phương thức canh tác truyền thống như: phá rừng, đốt nương làm rẫy, trồng độc canh…, thậm chí gần đây bà con còn lạm dụng cả thuốc bảo vệ thực vật để thu dọn tàn dư trên đồng ruộng. Khi cây lớn hơn, bà con tiếp tục sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật để diệt mầm bệnh, thậm chí khi cây chưa bị bệnh hoặc chưa cần sử dụng thuốc nhưng bà con vẫn phun theo phong trào hoặc tâm lý đám đông. Phương thức canh tác này không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn gây ô nhiễm đất, nước, không khí. Đặc biệt, việc dùng thuốc phun cho cỏ khô cháy rồi đốt khiến đất bị mất đi các lớp che phủ trên bề mặt, do đó đất rất dễ bị bào mòn, thoái hóa. Năng suất cây trồng cũng vì thế mà giảm dần qua các năm. Hệ quả là chỉ sau 2-3 vụ, bà con đã phải phát những mảnh nương mới để canh tác lúa, ngô, sắn, chuối… Dần dần, những mảnh nương cứ theo nhau nối dài lên tận đỉnh núi cao chót vót. Rừng thưa dần, lũ về nhiều hơn, sạt lở mạnh hơn, nắng nóng, thiên tai cũng cực đoan hơn.
Không chỉ ưa dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, bà con vùng núi còn khá lạm dụng phân bón hóa học để bón cho cây trồng. Trong một vài năm gần đây, do được hỗ trợ theo chương trình phân bón trả chậm nên ngày càng nhiều bà con ở Lai Châu sử dụng phân hóa học để bón lót và bón thúc cho cây với hy vọng có thể gia tăng năng suất nông sản. Tuy nhiên, việc dùng phân bón không đúng liều lượng, thời lượng cũng khiến môi trường đất bị cằn cỗi, ô nhiễm, đồng thời gây lãng phí đầu tư và làm suy giảm chất lượng nông sản.
Điều đáng nói là khu vực Tây Bắc đa phần là địa hình dốc nên một khi rừng bị phá, đất bị thoái hóa thì không chỉ năng suất cây trồng bị ảnh hưởng mà sinh thái cả vùng cũng yếu đi, các hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu chắc chắn gia tăng mạnh hơn. Bằng chứng là nhiều năm gần đây, tần suất và cường độ các trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… đều tăng lên; các hiện tượng nắng nóng kéo dài, sương muối, rét đậm rét hại… cũng phổ biến hơn. Một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất là nông nghiệp bởi đây là ngành kinh tế chủ đạo của hầu hết các địa phương Tây Bắc. Do đó, việc áp dụng, triển khai những mô hình canh tác nông nghiệp bền vững giúp ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu tại khu vực này là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của các địa phương.
Tín hiệu vui từ những mô hình nông nghiệp bền vững
Dựa trên một số nghiên cứu thực tiễn của các đơn vị chuyên ngành như: Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm miền núi phía Bắc, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Tây Bắc, Đại học Tây Bắc…, Hội Nông dân tỉnh Sơn La, Lai Châu và Quỹ Phụ nữ Phát triển huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên phối hợp với Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á (ADDA) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) áp dụng thí điểm một số mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững như: mô hình trồng xen trên đất dốc; mô hình canh tác lúa theo phương thức cải tiến (SRI); mô hình ủ phân vi sinh; mô hình trồng nấm sạch. Những mô hình này hiện đang được giới thiệu và áp dụng tại 25 xã thuộc 8 huyện của ba tỉnh dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án biến đổi khí hậu và các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam (CEMI). Trong đó, mô hình trồng xen trên đất dốc, mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI) là những mô hình chính, mô hình trồng nấm và mô hình ủ phân là mô hình phụ trợ, tất cả đều rất phù hợp với điều kiện tự nhiên và phương thức canh tác của bà con Tây Bắc.
Với mô hình trồng xen trên đất dốc, bà con được tập huấn viên tại bản hướng dẫn cách trồng xen các loại cây với nhau trên cùng một diện tích như: mô hình ngô xen đậu tương; ngô xen lạc, cỏ voi; ngô xen cây bơ, cỏ voi; ngô xen cây ăn quả… Việc trồng kết hợp nhiều loại cây đan xen theo đường băng/tiểu bậc thang kết hợp che phủ và làm đất tối thiểu không chỉ giúp đa dạng sản phẩm, ổn định năng suất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích mà còn góp phần bảo vệ độ phì nhiêu, màu mỡ của đất, giúp giảm tình trạng xói mòn, rửa trôi.
Tương tự, mô hình canh tác lúa cải tiến SRI cũng mang lại nhiều ích lợi như giúp tiết giảm giống, nước, phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời ổn định năng suất,. Tuy nhiên, mô hình này phù hợp với những chân ruộng thấp, nơi thuận tiện cho việc lấy/thoát nước.
Là một trong hai mô hình phụ trợ, mô hình trồng nấm, đặc biệt là nấm sò vừa giúp tận dụng phế thải nông nghiệp (chủ yếu là rơm, lõi ngô), vừa gia tăng hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con vùng núi, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Riêng tại bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, một số hộ sau khi được Dự án hướng dẫn trực tiếp đã tự nguyện áp dụng và giới thiệu cho nhiều hộ khác làm theo. Có hộ cho biết thu nhập từ nấm cao hơn cả ngô, lúa nên họ quyết tâm xây lán trữ rơm để có thể trồng nấm quanh năm. Tương tự, với mô hình ủ phân, bà con cũng được hướng dẫn cụ thể cách trộn, ủ các nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương (gồm: rơm, rạ, cây xanh, phân gia súc, bã rơm sau khi đã trồng nấm…) với một số nguyên liệu khác (như: vôi bột, phân đạm, phân lân và chế phẩm sinh học…) nhằm tạo thành phân bón hữu cơ vi sinh. Mô hình này vừa tận dụng được phế liệu bỏ đi, vừa tiết giảm chi phí đầu tư, góp phần bảo vệ đất và giảm ô nhiễm môi trường.
Mặc dù đem lại những lợi ích rất thiết thực và phù hợp với nguyện vọng, điều kiện của đa phần bà con vùng núi, song việc triển khai mô hình ban đầu gặp một số khó khăn do tâm lý e ngại của các thành viên tham gia. Việc các mô hình đòi hỏi người thực hiện phải có hiểu biết nhất định, phải kiên trì và các kỹ thuật thường tốn công lao động hơn khiến một số bà con đôi chút băn khoăn. Tuy nhiên, khi được các huấn viên tại bản hướng dẫn trực tiếp từng công đoạn của mỗi mô hình, từ lúc chuẩn bị giống cho tới khi làm đất, chăm bón, thu hoạch, đến nay, bà con đã thực sự tin tưởng và phấn khởi áp dụng vì nhìn thấy hiệu quả rõ rệt. Điều đáng mừng là các mô hình không chỉ chú trọng nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để các mô hình được nhân rộng ra nhiều điểm bản, xã, huyện, tỉnh, ngoài sự tin tưởng của bà con, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương cùng các tổ chức xã hội như Hội Nông dân, Quỹ Phụ nữ, Trung tâm Khuyến nông… Cụ thể: từ phía địa phương, có thể thúc đẩy việc ban hành và thực thi các chính sách lồng ghép biến đổi khí hậu trong các kế hoạch, quy hoạch, chương trình, đề án…, đặc biệt là các kế hoạch, quy hoạch, đề án phát triển ngành nông nghiệp. Về phía các tổ chức xã hội, có thể hỗ trợ kỹ thuật hoặc cây/con giống, tư liệu sản xuất… để bà con yên tâm sản xuất theo phương thức mới. Song song với đó, địa phương cũng cần tuyên truyền sâu rộng về ích lợi của các phương pháp canh tác bền vững đã được thí điểm trên địa bàn để nhiều bà con có thể tiếp cận và áp dụng. Hy vọng tín hiệu đáng mừng từ các mô hình mà Dự án Biến đổi khí hậu và các dân tộc miền núi phía Bắc giới thiệu sẽ là động lực thúc đẩy các địa phương quan tâm mạnh mẽ hơn nữa trong việc áp dụng, nhân rộng và chính sách hóa các mô hình canh tác bền vững, giúp bà con ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Nguyễn Ngọc Trản, Hội Chữ thập đỏ xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu