Nơi địa đầu tổ quốc đi lên từ rừng (Kỳ 3): Hướng đến chuẩn hóa quốc tế nghề rừng

BVR&MT – Không chỉ tình trạng phá rừng trái phép đã giảm, những năm gần đây chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã giúp bà con dựa vào rừng để bảo vệ rừng, tạo nguồn thu, đời sống kinh tế, văn hóa ngày càng được nâng lên…

“Rừng là thương hiệu, là trụ đỡ phát triển kinh tế – xã hội”

Để phát huy thế mạnh của ngành lâm nghiệp, tỉnh Hà Giang đã có Đề án định hướng phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án nêu trên nhằm thực hiện được 12 chỉ số của ngành lâm nghiệp đến năm 2020, như làm tăng giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái rừng về cả kinh tế, xã hội và môi trường, phát huy vai trò “trụ đỡ” của lâm nghiệp trên vùng đất thượng nguồn phía Bắc, thúc đẩy xã hội hóa nghề rừng, nâng cao năng lực quản trị và kinh doanh ngành lâm nghiệp, đưa thực trạng lâm nghiệp tiếp cận với tiềm năng to lớn của nó và trở thành một nguồn lực lớn ở tỉnh Hà Giang.

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang điều tra tình trạng phá rừng.

Là một trong những người góp công lớn vào Đề án phát triển lâm nghiệp của tỉnh Hà Giang, ông Phạm Văn Điển, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết: “Hiện nay, toàn ngành lâm nghiệp của tỉnh Hà Giang đã bám sát vào 12 chỉ số và các kế hoạch cụ thể về lâm nghiệp để phối hợp triển khai các nhiệm vụ. Đồng thời, quá trình xã hội hóa nghề rừng và phát triển lâm nghiệp đã được khởi động”.

Ngoài 12 chỉ số và kế hoạch cụ thể về lâm nghiệp, đã có 05 Dự án về Lâm nghiệp được phê duyệt trong năm 2016, với tổng kinh phí 1.500 tỷ đồng và đang tiếp tục khai thông thêm 05 Dự án, trong đó có 03 Dự án quốc tế.

Rừng Hà Giang có nhiều loại gỗ không chỉ quý về bảo tồn và kinh tế mà còn được xem như là mỏ vàng lộ thiên.

Bước đầu đã thực hiện được một số đột phá, như đưa giống tốt vào sản xuất, thúc đẩy kinh doanh rừng trồng, huy động nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, tình trạng mất rừng vẫn chưa được ngăn chặn đúng mức; chưa giải quyết tốt nhiệm vụ tái cơ cấu nguồn nhân lực trong lĩnh vực lâm nghiệp, dẫn đến lực lực bảo vệ rừng có chuyên môn còn thiếu và yếu về năng lực.

Ông Điển cho biết thêm, Hà Giang đã quy hoạch 566.000 ha đất lâm nghiệp, tỉnh có 368.000 ha rừng tự nhiên và 77.000 ha rừng trồng. Rừng tự nhiên là tài nguyên thiên nhiên quý giá, với Hà Giang rừng tự nhiên là thương hiệu, trong rừng có nhiều loại gỗ không chỉ quý về bảo tồn và kinh tế mà còn được xem như là mỏ vàng lộ thiên. Rừng có tầm quan trọng cả về góc độ môi trường, giá trị kinh tế, tạo cảnh quan nổi tiếng. Hiện nay, Hà Giang dựa vào rừng, coi rừng là trụ đỡ cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh.

Hướng đến chuẩn hóa quốc tế nghề rừng

Qua một năm thực hiện Đề án, bước đầu đã đạt được những thành tựu như sự chuyển biến tích cực của 12 chỉ số. Chẳng hạn, tỷ lệ sống của rừng trồng đã tăng, từ dưới 70% trong năm 2013, 2014, đạt trên 85% vào năm 2016. Tỷ lệ cây giống có chất lượng tốt đưa vào sản xuất năm 2016 là 36,3% (từ 2015 trở về trước là dưới 5%). Diện tích rừng được giao cũng tăng hơn 42.000 ha. Có 1,1 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ, là điều kiện quan trọng để phát triển liên kết sản xuất trong lâm nghiệp.

Rừng trồng ở Hà Giang hướng đến chuẩn hóa quốc tế.

Thêm nữa, tỷ lệ che phủ của rừng ước đạt 55,10%, tăng 0,26% so với năm 2015. Thu hút đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng tăng cao, đạt 209 tỷ đồng, trong đó có 48,4 tỷ đồng (chiếm 23,2%) là do nhân dân và doanh nghiệp đầu tư, thể hiện quá trình xã hội hóa nghề rừng đã bước đầu được khởi động.

Đáng chú ý là hệ thống cơ sở dữ liệu ngành lâm nghiệp đã bắt đầu được đưa vào vận hành, phục vụ cho việc quản lý và theo dõi đến từng lô rừng (hơn 400.000 lô rừng) và từng chủ rừng (gần 54.000 chủ rừng nhóm I và 23 chủ rừng nhóm II). Đây là những kết quả rất quan trọng, tạo tiền đề tốt cho việc nâng cao vị thế và đóng góp của lâm nghiệp trong tương lai.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết thêm: “Trong thời gian tới sẽ trồng cây Óc chó (Hồ đào) ở huyện vùng cao Đồng Văn, còn cả tỉnh đã trồng thảo quả khoảng 10.000 ha ở dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng,… Đó là cách lợi dụng nguyên lý sinh học để tạo ra liên kết và hiệu quả về kinh tế và cải thiện cách ứng xử của người dân với rừng, tiến tới chung sống hạnh phúc với rừng”.

Đồng bảo ở Hà Giang canh tác quanh những khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt

“Lộ trình phát triển lâm nghiệp được dựa vào xuất phát điểm của rừng và đất lâm nghiệp. Cụ thể là, nơi chưa có rừng cần thiết lập rừng cây che phủ, thời gian khoảng 2-5 năm, tuỳ từng nơi. Sau đó đưa các giống loài cây có giá trị kinh tế cao trú ẩn dưới tán rừng, không loại trừ việc vài năm đầu canh tác nông nghiệp để người dân có lúa, ngô, sau đó từng bước nhường chỗ cho cây có giá trị kinh tế cao. Dần dần để dân nhận thức là đúng. Như ở Xín Mần, chúng tôi đã làm tốt mô hình thảo quả (Tống quá sủ + Thảo quả), trồng cỏ vào rừng (rừng cung cấp cỏ để phát triển chăn nuôi). Đã hướng dẫn cho người gian giảm thiểu tác động của canh tác Thảo quả dưới tán rừng. Cấp chứng chỉ rừng bền vững, gần 1.200 ha”.

Cấp chứng chỉ cho nhóm hộ gia đình để họ ràng buộc với nhau. Cấp chứng chỉ thì gỗ mới được hợp pháp, hoà đồng với thế giới và theo chuẩn thế giới. 1m3 gỗ có chứng chỉ thì được thêm 50.000 đồng, qua đó kích thích người dân nâng năng suất rừng. Khi đưa ra ngoài bán sẽ tăng giá thêm 15-20%. Điều này tạo ra lực hút cho người dân, họ sẽ nghĩ cách làm tốt để được hưởng số tiền này. Vậy là lợi đơn lợi kép. Về lâu dài sẽ hình thành nhận thức chung. Trước đây người dân thường phát đốt thực bì (gọi là đao canh hỏa chủng), từ nay không đốt, không làm vụng trộm nữa, mà sẽ hình thành văn hoá canh tác đối với người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến chuẩn hoá quốc tế – ông Phạm Văn Điển cho biết thêm.

Văn Hoàng – Chiến Hữu