Những người chụp ảnh dạo bên cầu

BVR&MT – Họ giữ lại những hình ảnh đẹp bên những cây cầu của phố biển. Nhưng rồi người ta dần lãng quên họ, lãng quên một phần ký ức đẹp được ghi lại trong những tấm hình chụp bên cầu ở thành phố này. Họ bây giờ vẫn ra cầu, vẫn giương máy nhưng chỉ để làm vui.

Những hỉ nộ bên cầu

Bao năm rồi, bên những cây cầu mới và cũ ở TP. Đà Nẵng tuyệt đẹp này, họ vẫn ở đó. Những người chụp ảnh dạo vẫn cần mẫn cặm cụi hằng đêm, cùng chiếc máy ảnh, vài bộ đồ nghề in ảnh, chiếc xe cũ kỹ và đôi mắt nhạy nghề. Họ đợi khách, và thỏa niềm mong ước bấm máy của mình được giữ lại mấy mươi năm qua.

Nhóm bạn trẻ ùa tới, người đàn ông tóc hai màu buồn đứng phía đầu cầu Rồng buông lời chào nhưng rồi chỉ nhận được cái xua tay lắc đầu của các bạn trẻ. Đôi mắt vừa ánh lên chút hy vọng lại chùng xuống vì sự chối từ kia. Người đàn ông lại lặng lẽ quay trở về chiếc ghế, bên bộ đồ nghề in ảnh lấy ngay được đầu tư gần 20 triệu đồng cùng chiếc máy ảnh trên tay. 27 năm theo nghề chụp ảnh dạo này, biết bao buồn vui và những tình cảnh cuộc đời ông Phan Châu Vĩnh đã gặp. Giờ, ở cái tuổi ngũ tuần ông vẫn ôm máy tối tối ra đứng bên cầu với niềm mong nhớ của mình. “Khi đó muốn chụp ảnh là phải trải qua cuộc kiểm tra lý thuyết và chụp thực tế. Máy ảnh phần lớn phải chỉnh bằng tay, thông số đều được các thợ chụp tự ghi nhớ trong đầu. Có những lần chụp không như ý, các thợ chụp lại phải xin lỗi khách và chụp lại. Người dễ thì đồng ý, có người lại chửi vài câu rồi bỏ đi. Nhiều lúc khách đông, thợ lắp không vào phim, chụp hơn chục tấm mà phim không nhảy. Hồi ấy, chụp ảnh được lắm!”. Nhưng rồi, nhiều năm trở lại đây khi điện thoại di động dần được trang bị các chức năng chụp ảnh hiện đại thì những người chụp hình có thâm niên như ông Vĩnh cũng mất dần chỗ đứng.

Phía bên kia cầu, ông Tuấn (55 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn), thường được các đồng nghiệp gọi là “Tuấn Tượng Đài” vì ngày trẻ thường đứng đợi khách ở quanh khu vực Tượng Đài 2-9 cũng đã theo nghề đã hơn 22 năm, nghề của ông cũng đi qua lắm thăng trầm. Hay như ông Đặng Văn Cương (64 tuổi, quận Hải Châu) là một thợ chụp ảnh dạo thường đón khách ở cầu quay sông Hàn. Cũng như những người thợ chụp ảnh khác nơi đây, bộ đồ nghề bao gồm: máy ảnh, máy in ảnh và chiếc xe máy có treo biển quảng cáo đã cùng ông đi qua bao ngày dài tuổi trẻ. Giờ đây, khuôn mặt ông đã in hằn dấu vết thời gian, hằn lên những tháng năm lam lũ với nghề, với gánh nặng mưu sinh.

Thế nhưng khi nói về công việc của mình, đôi mắt những người chụp ảnh dạo vẫn ánh lên nét vui và tự hào: “Mấy mươi năm về trước, ai theo được nghề thợ ảnh là “oai” lắm! Mỗi ngày chúng tôi đều chụp được hơn 200 kiểu ảnh, thu nhập mấy triệu đồng một ngày là chuyện rất bình thường. Nhưng giờ chỉ dám mong có một, hai người khách ghé chụp để đỡ buồn tay là vui lắm rồi”. Bây giờ, mỗi tối ở các khu vui chơi, đường hoa, người đi nườm nượp. Nhưng khổ nỗi, họ đều có máy ảnh hoặc smartphone nên ít người nào có nhu cầu nhờ thợ chụp hình. “Giờ chỉ trông chờ khách quen hoặc khách đoàn chứ những người đi riêng lẻ ít ai chụp lắm, có mời cũng vậy hà. Hiện nay khách tham quan chủ yếu là tự chụp ảnh bằng điện thoại di động, bởi vậy từ khi cái điện thoại di động phát triển thì thợ chụp ảnh chúng tôi cũng dần thất nghiệp. Vì tôi đã chọn nghề và xem nó như cái nghiệp, dù hiện tại thu nhập từ nghề chụp ảnh rất bấp bênh nhưng tôi không có ý định bỏ nghề vì cả cuộc đời tôi đã gắn liền với chiếc máy ảnh, tôi không biết làm gì ngoài chụp ảnh nữa!”, ông Cương bộc bạch.

Những lấp lánh sông Hàn

Tối tối, những người thợ chụp ảnh dạo vẫn đứng bên cầu cùng chiếc xe máy có treo biển quảng cáo: “Chụp ảnh đẹp lấy ngay sau một phút” với dáng vẻ trầm mặc, u buồn. Chị Nguyệt (54 tuổi, quê Quảng Nam), người phụ nữ tuổi xế trung niên có lẽ là người phụ nữ duy nhất chụp ảnh dạo bên cầu vẫn thường hay đứng đầu cầu Rồng nói mà mắt không thôi nhìn vào chiếc máy ảnh hiệu Nikon trên tay. Chị bảo ngày trước để sắm được nó chẳng dễ dàng gì, thêm vào bộ máy in ảnh giá hơn chục triệu đồng nữa. Ấy vậy mà không ngờ có một ngày chúng lại trở thành những cổ máy lỗi thời, chẳng còn bao nhiêu giá trị trên đời. “Bây giờ người ta chẳng còn thiết tha gì với những bức ảnh chụp lấy ngay đâu, thi thoảng có đôi người chụp cũng vì họ thương cảm, tội nghiệp mình. Nhiều lúc thấy tủi thân lắm! Nhưng đam mê rồi, ăn vào máu rồi, một ngày không xách máy lên cầu là không đành! Nhiều bữa đau ốm ngồi không ở nhà, nhìn bộ đồ nghề nằm xó cũng không cam!”, chị Nguyệt thủ thỉ.

Chị Nguyệt cần mẫn bên cầu Rồng đợi khách.

Trong miên man chuyện của mình, những người như ông Vĩnh, ông Tuấn, ông Cương, chị Nguyệt luôn nhớ tới “hồi ấy”. Cái hồi mà nghề này ăn nên làm ra, cái hồi mà niềm đam mê của những người chụp ảnh và của nhiều người khác được thỏa mãn, cái hồi máy chụp ảnh còn là cả một gia tài, cái hồi mà mỗi tay máy đều là một nghệ sỹ, cái hồi ấy luôn trong niềm mê hoặc của những người như họ.

Nhiều thợ chụp hình lớn tuổi cho biết mặc dù thu nhập không bao nhiêu nhưng họ vẫn trụ lại với nghề vì lòng yêu nghề. Tuy nhiên, cũng có nhiều thợ chụp hình bỏ nghề vì sức ép cơm áo gạo tiền và những vui buồn không phải ai cũng biết. Ông Vĩnh kể, hai mươi năm trước ông chụp hình cho một đôi vợ chồng mưới cưới vào Đà Nẵng du lịch, và dịp tết vừa rồi, cũng đôi vợ chồng ấy nhưng dẫn theo hai đứa con gần 20 tuổi quay lại chốn cũ. Họ đã vô cùng ngạc nhiên khi cảnh sắc đổi thay, nhưng người chụp hình tận tụy năm nào vẫn tận tụy đứng đợi khách. Họ hỏi thăm ông, tâm sự những buồn vui đã qua trong đời, và nhờ ông ghi lại những khoảnh khắc của ngày xưa, nhưng thêm vào đó là hai đứa con giờ đã khôn lớn. Đó có lẽ là một trong số những niềm vui ít ỏi của những người chụp ảnh dạo bên cầu như ông Vĩnh. Đó cũng là điều khiến ông và cả những bạn nghề còn lại chút niềm vui khi ôm máy bên cầu.

Bây giờ, những người trẻ chẳng ai chụp ảnh dạo, họ mở studio với dàn trang bị hiện đại, kết hợp với cả kỹ thuật đỉnh cao của công nghệ nên những người chụp ảnh dạo như ông Vĩnh, ông Tuấn, ông Cương chỉ biết đứng “riêng một góc trời”. Cứ ngày ngày cần mẫn kiên nhẫn, chấp nhận thu nhập không cao, chấp nhận phải chịu nhiều nắng gió để mưu sinh, nhưng trên hết là thỏa niềm đam mê của mình. Chiếc máy ảnh là sinh mạng của họ, là bát cơm của gia đình họ, dù có thể giờ đây bát cơm đó không còn đầy như trước nhưng những con người ấy vẫn hy vọng vào vận may của mình. Chỉ cần họ còn sức khỏe, họ vẫn sẽ đều đặn chạy xe lên cầu, và đợi khách.

Minh Ngọc