Những mảnh đời ở xóm Điếu Ngư đã thỏa nguyện được lên bờ

BVR&MT- Họ “chung thủy” gắn bó cả đời với nghề, rồi lại truyền nghề cho con, cháu. Họ mơ ước được lên bờ sinh sống, để thoát khỏi kiếp lênh đênh đời người trên sông nước. Nhưng ước mơ ấy đã sắp thành hiện thực, khi chính quyền địa phương đã quyết định cấp đất, cấp tiền xây nhà để chấm dứt cuộc sống bập bênh chìm nổi theo con nước vơi đầy dưới lòng hồ này.

Những mảnh đời ở xóm Điếu Ngư

Trên lòng hồ Thủy điện Sêsan nằm giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, có 27 hộ dân đến đây sinh sống. Những người theo nghề này gắn bó cả cuộc đời mình trên những chiếc thuyền, trôi nổi khắp các con sông, đập nước, xem con thuyền là nhà, sông nước là quê hương.

Họ đã từng sống, từng lênh đênh trên những con thuyền được coi là mái nhà của họ mấy chục năm qua. Nghe chuyện về cuộc đời của họ cứ thấy chông chênh buồn. Họ lênh đênh một đời như thế, con cái cũng không học hành gì được. Không nghề nghiệp, không mảnh đất cắm dùi, chỉ trôi nổi với chiếc thuyền chài lênh đênh trên sông nước. Đó là tình cảnh của hàng chục nhân khẩu xóm lòng hồ nơi thủy điện với cái tên rất đẹp là xóm Điếu Ngư này.

Những “ngôi nhà” trên con nước ở xóm Điếu Ngư.

Nằm sát bờ là chiếc thuyền, và cũng là mái ấm của 5 con người trong gia đình chị Vũ Thị Huyền, năm nay đã 39 tuổi. “Gia đình tôi là hộ nghèo trong xóm, từ đời cha ông chúng tôi đã gắn bó với con thuyền, dòng sông và những lòng hồ mênh mang như thế này. Bây giờ đời con tôi cũng vậy! Và biết đâu đấy đến đời cháu tôi cũng vậy chăng!”, chị Huyền tâm sự mà nghe buồn não nề. Chiếc thuyền của chị Huyền, chỗ cư trú tạm bợ này của cả gia đình 3 thế hệ nhà chị chỉ vỏn vẹn có chưa đầy 8m2. Trong không gian nhỏ hẹp ấy, đồ dùng sinh hoạt, quần áo, thức ăn đã gần như chiếm trọn. Chiếc ghe cũng già nua oằn mình lên dưới sức nặng của người bước lên nhưng vẫn cố gắng trụ với sông nước. Đứa con gái của chị huyền đang cặm cụi lau dọn để lấy chỗ tiếp khách.

Phía xa xa, trong những con thuyền lặng lẽ, thi thoảng xen vào giữa tiếng sóng nước là tiếng trẻ con khóc hiu hắt cả dòng sông. Tất cả những người dân hợp thành một xóm nổi lênh đênh trên lòng hồ này sống đều nhờ vào nguồn tôm, cá, ốc, hến mà con nước đục ngầu bùn của dòng sông mang lại. Trong số đó, 24 hộ dân với hơn 60 nhân khẩu sống hòa hợp với nhau, cùng dựa vào thiên nhiên để tồn tại. Họ đến từ các vùng miền khác nhau: Cà Mau, An Giang, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Hải Dương… Chiếm số đông ở làng Điếu ngư vẫn là dân các tỉnh miền Tây, dân miền sông nước. Có đến 14 hộ trong làng đến từ An Giang, Long An, Cà Mau… Và mỗi người một quê, nhưng cùng chung phận mưu sinh xứ người. Ở xóm Điếu Ngư này, có những những gia đình gồm 2 – 3 thế hệ cùng sinh sống trên một chiếc ghe nhỏ như gia đình chị Huyền, anh Tánh, anh Thỏa… Cuộc sống của họ luôn bấp bênh theo con nước với đầy.

Hơn một trăm con người trú ngụ trên lòng hồ thủy điện này, nhưng không gian vô cùng tĩnh lặng, thi thoảng chỉ nghe những tiếng rì rầm, bất chợt lao xao trên mặt sông càng làm cho khung cảnh xóm lòng hồ thêm đìu hiu, buồn bã… Và điểm chung của họ là nghèo khó, không nghề nghiệp, không việc làm, bám theo lòng hồ thủy điện để tìm “lộc” tôm, cá. Tài sản của họ, ngoài căn nhà tạm là chiếc thuyền, mấy tấm lưới, gần như không còn gì khác. Cuộc sống của người dân trên xóm lưng chừng hồ này ngày càng khó khăn. Tôm, cá trong hồ cạn kiệt nhưng người đánh cá đến đây ngày càng đông. Hầu như năm nào cũng có người đến cất chòi, gia nhập làng chài. Mỗi đêm, nếu may mắn thì kiếm được hơn 100.000 đồng. Số tiền ấy vừa đủ nuôi gia đình 5 miệng ăn. Đó là những người có kinh nghiệm, chứ nhiều người mới đến thì rất nhiều đêm vác lưới về không.

Anh Nguyễn Hữu Thản chồng chị Huyền cũng là một dân vạn chài kiếm sống lâu năm trên lòng hồ thủy điện này cho biết như thế. Thấy tôi cứ nhìn vào một cậu bé chừng 12 tuổi đang một tay chèo thuyền, một tay thả lưới rất thiện nghệ, chị Huyền chép miệng: “Nó là thằng Tuân, con trai ông Út Thành đó. Mùa lũ năm trước cha nó đi thả lưới dưới lòng hồ bị nước cuốn giờ chưa tìm thấy xác đó!”. Nghe chị nói, tôi lần mò sang “nhà” của cậu bé. Trên ngôi “nhà” ấy, một ông lão già cả có lẽ đã ở cái tuổi ngoài bảy mươi, mắt lòa đang ngồi gõ gõ vào mạn thuyền. Nghe tiếng người, ông ngẩng lên ngó chừng rồi nói: “Ai đó! Ai hỏi chi tui hả?” rồi ông cụ lập cập mở dây lòi tói kéo thuyền sát vào bờ mời người khách lạ lên thuyền.
Anh Thành con trai ông là con trưởng của dòng họ, cũng đã nối nghiệp ba đời tổ tiên làm nghề chài lưới trên sông, anh lấy vợ cũng trên dòng sông và con thuyền. Khi thằng Tuân, đứa cháu nội của ông mới được hơn 10 tuổi, anh Thành thường xuyên đưa con đi thả vó tôm, kéo lưới cá. Nhưng trong một lần trời bất chợt nổi cơn lũ lớn, bất ngờ thuyền của cha con anh bị lật, con anh bị dòng nước dữ cuốn đi xa, anh lao theo đẩy được con bám vào một gố cây bên bờ thì anh đuối sức buông mình trôi theo dòng sông về hướng hạ lưu. Từ đấy đến nay đã hơn hai năm nhưng người ta vẫn chưa tìm thấy anh. Đôi mắt lòa của ông lão chấp chới buồn bã nhìn xa xăm: “Đúng là sống được nhờ sông mà chết cũng vì sông!”, ông lão đau đớn thốt lên…

Nước sinh hoạt với những người dân ở đây cũng trở thành một thứ xa xỉ. Họ phải mua nước với giá 10.000 đồng một can loại 20 lit. Nước mua này chỉ dùng để ăn uống, còn sinh hoạt và tắm rửa thì hướng thẳng ra sông. Họ dùng nước múc từ dòng sông đục ngầu, lắng phèn cặn rồi mới dùng được. Việc tắm giặt cũng múc nước sông lên dùng, ngay cả việc vệ sinh cá nhân cũng dựa vào dòng sông. Khi vào mùa mưa lũ, nhưng giữ chiếc thuyền chỉ có một dây thừng được buộc vào gốc cây trên bờ, có “nhà” thì chỉ buộc vào một chiếc cọc nhỏ. Chị Hải thở dài: “Hôm nào mưa thì suốt đêm chỉ lo hứng dột và che chắn “nhà”, chứ cũng chẳng còn thời gian mà lo thuyền tuột dây trôi ra xa, vả lại ai cũng biết bơi hết rồi, đâu còn sợ sóng nước là chi! Chỉ tội cho lũ trẻ…”. Nhưng, nhìn những dụng cụ bảo hiểm ấy cũng không ai dám chắc là nó thực sự hữu hiệu sự an toàn đối với chiếc bè có đến 5, 6 người mỗi khi gặp trời mưa to gió lớn như thế này…

Thỏa lòng cho ước mơ lên bờ

Xóm lòng hồ này chỉ đông vui, nhộn nhịp khi chiều xuống thế này, bởi khi ấy lũ trẻ đi học về, người lớn sau một ngày rong thuyền ngược xuôi kiếm sống cũng trở về neo bến để đón lũ nhỏ lên “nhà”, thả mấy con vịt trên thuyền cho xuống bãi sông kiếm ăn, rồi nhóm lửa trên thuyền nấu bữa cơm chiều… Phụ nữ, trẻ em lo tắm giặt, nấu nướng, đàn ông túm tụm lại trên một con thuyền chuyền tay nhau ly rượu rẻ tiền để xua tan đi bao mệt nhọc của một ngày mưu sinh vất vả.

Những ngư dân lòng hồ bắt đầu đi thả lưới.

Chiều muộn, khi mặt trời đã xế bóng, bên chân con nước bập bềnh võ oàm oạp vào bờ, mấy đứa nhỏ áo trắng khăn quàng đỏ rời trường học ở trung tâm xã ra bến sông. Tôi hỏi: “Nhà các cháu ở bên kia sông hả…?”. Mấy đứa nhỏ nhìn tôi ngơ ngác, cười hồn nhiên: “Đâu có, nhà tụi con ở đó…” rồi chúng chỉ về phía mấy chục con thuyền đang im lìm cắm sào trên lòng sông. Từ trên cồn bãi, cách mép sông cả trăm mét, nhìn xuống khúc sông đã thấy những làn khói bay ra từ những con thuyền lan tỏa trên mặt sông buồn yên ả, bất giác làm tôi liên tưởng đến một xóm nhỏ nào đó khi chiều xuống.

Thấu hiểu được nỗi khó khăn của các hộ dân nơi đây, tháng 2/2018 vừa qua, chính quyền địa phương đã thông báo cấp đất, hỗ trợ tiền để các hộ dân được lên bờ ổn định cuộc sống. “Có nhà ở trên bờ, tôi sẽ không phải chèo thuyền để chở con đến trường, các con cũng không gặp nguy hiểm mỗi khi trời mưa bão. Không phải co ro vào những đêm lạnh khi ngủ trên lòng hồ nữa. Việc có nhà, có đất trên bờ làm tất cả bà con đều rất vui sướng, bởi đó là mơ ước của bà con từ nhiều năm nay. Khi xây xong nhà, tôi sẽ chuyển hết đồ lên bờ, còn nhà lồng bè thì để lại rồi thỉnh thoảng ra canh cá lồng”, vợ chồng anh Thản hồ hởi khoe về kế hoạch của mình trong những ngày tới sau khi đã chuyển lên bờ.

Chính quyền xã Ia Tơi cũng cho chúng tôi nhập khẩu. Dù còn nhiều khó khăn nhưng con tôi và các đứa trẻ ở đây đều được đến trường. Đời bố mẹ chúng khổ quá nhiều rồi nên phải tha hương, chỉ mong con cháu sau này ổn định nơi miền đất mới!”, chị Huyền thổ lộ tâm sự.

Hy vọng những mảnh đời này sẽ thoát kiếp thương hồ từ đây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Chế Hồng Quyền – Chủ tịch UBND xã Ia Tơi: “Mỗi hộ dân làng chài sẽ được cấp 400m2 đất ở, được phép khai khẩn một diện tích cho phép để trồng cấy tăng gia, và đặc biệt sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng chi phí dựng nhà. Trước đó, UBND huyện Ia H’Drai cũng đã cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum hỗ trợ giống cá, thức ăn cho bà con nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Sê San”, cho biết.

Ai cũng biết, một khi mà cuộc sống ổn định thì lớp con, cháu của họ và xa hơn nữa sẽ thôi kiếp lênh đênh trên sông nước. Ước mơ về một mảnh đất cắm dùi, một mái nhà vững chãi trong nắng mưa, những đứa trẻ yên tâm học hành và khôn lớn giờ đã thành hiện thực. Chiều trên xóm Điếu Ngư, những đôi mắt rạng ngời tương lai cứ hấp háy lên những niềm vui khôn tả. Hy vọng những mảnh đời này sẽ thoát kiếp thương hồ từ đây.

Minh Ngọc – Tiêu Dao