Nhiều dư địa cho nông nghiệp công nghệ cao

BVR&MT – Tính đến tháng 6/2018, cả nước đã có 35 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh thành lập, trong đó Thủ tướng Chính phủ thành lập 3 khu: Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu.

Nhiều giống lúa mới được sản xuất từ áp dụng nông nghiệp CNC. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Cùng tìm vốn cho doanh nghiệp

Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) được đánh giá là hướng đi mang lại hiệu quả vượt bậc cho nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, bài toán về vốn luôn khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp còn e ngại khi đầu tư vào nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thực tế hiện nay năng suất lao động nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với đòi hỏi của một nước mới nổi với thu nhập trung bình; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nông nghiệp trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn.

“Một số địa phương chạy đua trong việc xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC nhưng nguồn lực có hạn, trông chờ chủ yếu vào ngân sách Trung ương. Nhiều địa phương chưa chủ động trong công tác quy hoạch, bố trí đất sạch, xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh trên cơ sở khai thác lợi thế, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển các khu đã quy hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, theo Bộ NN&PTNT, ngoài tập trung phát triển nguồn nhân lực, đầu tư công cho phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp…, nhiều giải pháp liên quan sẽ tập trung vào vấn đề gỡ khó cho doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, liên quan tới nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển thị trường khoa học công nghệ tại Việt Nam, giải pháp là tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, thực thi các chính sách ưu đãi cho nhập khẩu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới; hỗ trợ thành lập các công ty bao gồm cả hai khu vực nhà nước và tư nhân về định giá công nghệ, xuất nhập khẩu công nghệ…

Vốn với doanh nghiệp phát triển CNC từ trước tới nay vẫn là vấn đề nan giải. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, định hướng đặt ra còn là mở rộng các loại tài sản để các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC được thế chấp vay vốn; điều chỉnh cơ chế định giá để sát với giá thực tế đối với các tài sản hình thành trên đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và các tài sản là sáng chế khoa học công nghệ đã được công nhận.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế riêng cho Quỹ bảo lãnh tín dụng đối với các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC, đặc biệt là cơ chế phối hợp của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong công tác thẩm định các dự án đầu tư để quỹ hoạt động hiệu quả, minh bạch, giúp doanh nghiệp tiếp cận cơ hội vay vốn tín dụng một cách thuận lợi nhất.

Ánh dụng nông nghiệp CNC hiện giảm khoảng 35% chi phí – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Giảm tối đa các chi phí

Hiện nay, nông sản Việt đã xuất khẩu đi 180 quốc gia trên thế giới với 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, mở ra thêm cơ hội cho nông, lâm, thủy sản Việt tiếp cận thị trường.

Tuy vậy, xét về tổng thể, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là một hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Thực tế, thời gian qua, các CNC, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp.

Cụ thể như, ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Ví dụ điển hình, sản xuất rau hoa trong nhà màng, nhà kính như đối với cây rau: Doanh thu đạt từ 2,5 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 1,6 đến 4,9 tỷ đồng/ha; đối với cây hoa: Doanh thu đạt từ 0,5 tỷ đồng đến 9,9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 0,3 đến 5,4 tỷ đồng/ha.

Với nuôi tôm thẻ chân trắng, việc ứng dụng công nghệ đã nâng cao năng suất chất lượng tôm, năng suất đạt 40 tấn/ha, gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35% so với quy trình cũ; sản xuất bò sữa, năng suất sữa đạt trên 30 lít/bò/ngày, chất lượng tốt…

Đong đếm tổng thể về mặt con số, tính đến hết tháng 6, cả nước đã có 35 khu nông nghiệp ứng dụng CNC do Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh thành lập. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ thành lập 3 khu: Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu. Đến nay, có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực gồm: 12 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt; 19 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực thủy sản và 9 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực chăn nuôi.