Nhãn Đại Thành đã xuất khẩu sang Mỹ

BVR&MT – Nhãn Đại Thành là một trong những thức quả đặc sản của thủ đô Hà Nội. Từ chương trình Xây dựng Nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi mô hình nông nghiệp sang trồng nhãn chín muộn Đại Thành thuộc xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, sản phẩm đã được xuất bán sang các nước ngoài như Mỹ, Malaysia được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhãn muộn Đại Thành được mùa.

Đại Thành tích tụ ruộng đất trồng Nhãn

Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, Ông Nguyễn Huy Anh – Chủ tịch UBND xã Đại Thành cho biết: “Từ cuối năm 2013, thực hiện Chương trình 02-CTr/TƯ của Thành ủy TP. Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”. Với sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân xã Đại Thành trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã đã dồn điền đổi thửa thành công. Cuối năm 2016, huyện Quốc Oai đã cho xã Đại Thành chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất hai lúa sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Cho đến nay diện tích trồng cây ăn quả của địa phương là 160 ha, trong đó cây nhãn cho thu hoạch là 115 ha. Đời sống của người dân khá giả lên, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã thấp hơn 0.5%”.

Xem thêm:

Thuận Thành – Bắc Ninh: Mục tiêu về đích huyện nông thôn mới năm 2019

Phú Bình – Thái Nguyên: Phấn đấu 4 xã về đích nông thôn mới 2018

Sau khi thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa, nông dân xã Đại Thành đã có điều kiện phát triển thế mạnh của vùng về trồng cây ăn quả, đặc biệt là giống nhãn chín muộn nổi tiếng mang thương hiệu Đại Thành đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và mang lại thu nhập cao cho bà con trong xã.

Hiện toàn xã có 870 hộ tham gia trồng cây ăn quả mang thương hiệu Nhãn Đại Thành, trong đó có 120 ha trồng nhãn chín muộn đang cho thu hoạch. Đại Thành cũng là một trong số ít xã được phép chuyển đổi toàn bộ diện tích đất lúa sang trồng cây ăn quả, trong đó chủ lực là nhãn chín muộn.

Thu nhập cao từ nhãn chín muộn Đại Thành

Chia sẻ với phóng viên, ông Đinh Văn Phích, Chủ tịch Hội đồng quản trị – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đại Thành cho biết, Đại Thành nổi tiếng với nghề trồng cây ăn quả từ lâu, đặc biệt là cây nhãn, trong đó có dòng nhãn chín muộn với đặc trưng có quả to và nhiều nước, vị ngọt dịu và có mùi rất thơm từ nguồn gốc cây nhãn tổ đã có hơn 120 tuổi.

Mỗi cây nhãn có thể cho thu hoạch đến 300 kg quả.

Qua quá trình phát triển, người dân nhận ra cây nhãn chín muộn phù hợp với đất đai của vùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ 1990, các cụ đã chọn giống bằng cách chiết, ghép trồng mới từ cây nhãn tổ thay thế cho cây nhãn kém hiệu quả. Cho tới những năm 2010 toàn xã đã phát triển diện tích đất trồng nhãn chín muộn là 115 ha. Năm 2013 sản lượng đạt 1.200 tấn, năm 2016 đạt 2.000 tấn.

Năm 2018, năng suất nhãn toàn xã Đại Thành đạt 2.000 tấn, với thị trường tiêu thụ là hệ thống các siêu thị lớn như: Big C, Fivimart, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Vừa qua, Nhãn Đại Thành đã có những chuyến xe về mua đưa xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Được biết, năm 2016, nhãn chín muộn Đại Thành đã xuất khẩu sang Malaysia và nhận được phản hồi tích cực. Theo thống kê của UBND xã Đại Thành, năm 2016, toàn xã thu về hơn 40 tỷ đồng từ trồng nhãn chín muộn. Nhờ cây trồng này, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu và ổn định cuộc sống.

Bà Đinh Thị Minh, thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, cho biết, gia đình có hơn 100 gốc nhãn có tuổi đời hơn 20 năm đang cho thu hoạch. Năm được mùa nhất, gia đình thu hơn 30 tấn quả, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, năm nay Nhãn muộn được mùa vẫn còn số lượng lớn đang chờ thu hoạch.

Để nâng cao giá trị Nhãn muộn Đại Thành trên thị trường, năm 2018, UBND huyện Quốc Oai, UBND xã Đại Thành đang đầu tư đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đưa Đại Thành trở thành vùng trồng nhãn chín muộn có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội. Ông Phích mong muốn nâng cao chuỗi giá trị trồng trọt kết hợp chăn nuôi dưới tán cây Nhãn, đa dạng mô hình sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững. Được các cấp chính quyền tạo điều kiện về cơ chế chính sách để người dân kết hợp phát triển nông nghiệp mang tính bền vững.

Văn Trì