Nghệ An: Ngời sáng màu áo xanh giúp dân vùng rốn lũ

BVR&MT – Những ngày qua dưới sự hứng chịu mưa lũ, màu áo xanh tình nguyện của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) cần mẫn giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, trường học và các công trình công cộng cho bà con gặp hoạn nạn ở khắp các xóm làng, miền quê của huyện miền núi Thanh Chương (Nghệ An) vào lúc này sẽ mãi là hình ảnh đẹp, là nguồn động viên rất lớn để người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Đoàn Thanh niên trực ở các điểm ngập nước để giúp học sinh qua vùng rốn lũ.

Thanh Chương là huyện chịu hậu quả nặng nề của đợt mưa lũ này. Nước lũ dâng cao, bùn lầy dày đặc từng lớp bám lấy toàn bộ nhà cửa, trường lớp, đồ dùng của người dân nơi đây.

Tại xã Thanh Xuân, nhiều người dân chỉ còn biết thở dài khi vừa bị lũ cuốn mất tài sản, lại phải đối diện với những ngổn ngang chồng chất sau lũ. Trước tình hình đó, hàng chục thanh niên tình nguyện với màu áo xanh truyền thống đã có mặt. Nhóm thì dọn dẹp đồ đạc, nhóm dọn bùn, đoàn lại đắp đất, khơi thông cống rãnh, đoàn giúp dân và học sinh vượt qua những đoạn đường, kênh rạch nguy hiểm. Những mái nhà xiêu vẹo, những ngôi trường dày đặc bùn lầy, bàn ghế nằm chỏng chơ hư hỏng đều được các “chiến sĩ” tình nguyện dọn dẹp sạch sẽ.

Đợt mưa lũ này, xã Thanh Xuân là địa bàn tiếp giáp với tỉnh Hà Tĩnh, nơi có địa hình phức tạp được coi là rốn lũ đã xảy ra lũ quét trong đêm, hiện có 7 xóm bị ngập lụt giao thông bị chia cắt hoàn toàn; 20 nhà bị ngập và sập do cây đổ; Chợ Đàng bị ngập sâu làm hư hại nhiều hàng hóa, có 2 cầu đang thi công là Nghè Hèo ở xóm Xuân Thảo và Thầy Đồng trước công trường Tiểu học Đặng Thai Mai bị cuốn toàn bộ phần đất mố cầu đe dọa an toàn công trình, các loại thiết bị máy móc đều ngập trong nước; 115 cống qua đường bị cuốn trôi và trên 3200m 3 đường giao thông bị sạt lở. Hàng trăm trang trại gia trại chồng nuôi bị ngập lụt làm chết 200 con lợn và hàng ngàn con gia cầm; mưa cũng làm ngập trên 250 ha cây rau màu vụ đông.

Đồng thời, lũ đã cuốn trôi và làm hư hỏng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, cùng nhiều tài sản của Nhà nước, hoa màu, gia súc của nhân dân.

Cơn lũ dữ  đến, người dân vùng lũ Thanh Chương đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Nhưng trong hoạn nạn, người dân nơi đây đang nhận được rất nhiều sự sẻ chia của các tổ chức, cá nhân, với tinh thần ” tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”. Hiện người dân ở đây đang tập trung khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống và sản xuất.

Ngay trong mưa lũ, Ban Thường vụ đoàn huyện Thanh Chương đã kịp thời chỉ đạo Ban Thường vụ đoàn các xã huy động, tập hợp nhanh chóng các đội hình thanh niên xung kích phòng chống thiên tai phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời giúp người dân trong mọi hoàn cảnh để đảm bảo an toàn.

Ban thường vụ đoàn xã Thanh Thủy giúp dân vượt qua điểm cầu tràn.

Trong điều kiện không mấy thuận lợi, song những tình nguyện viên trong chiếc áo màu xanh của tuổi trẻ cùng với nhân dân trên toàn huyện đã có những hoạt động tích cực, thiết thực ra quân khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo ông Nguyễn Khánh Thành- Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết từ sáng sớm địa phương đã cử nhiều đoàn công tác và điều động lực lượng giúp các hộ bị thiệt hại, yêu cầu các nhà trường cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Sau đó phối hợp với đoàn công tác của huyện chỉ đạo người dân khắc phục hậu quả ổn định cuộc sống.

Trong suốt mấy ngày qua rất nhiều cá nhân và tập thể ở khắp nơi đã chung tay kêu gọi sự hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ bà con vùng lũ. Cùng với lực lượng vũ trang, các đoàn viên, thanh niên tình nguyện của các đơn vị đã phát huy tinh thần sẻ chia, giúp đỡ với người dân của các xã ngập lụt của huyện Thanh Chương. Dù những thiệt hại vẫn còn đó nhưng tình người ấm áp sẽ giúp bà con nơi đây vượt qua mọi khó khăn.

Đóng biển cảnh báo vùng nguy hiểm.

Anh Nguyễn đình thế, UVBTV đoàn, Trưởng đài truyền thanh xã Thanh Thủy cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và để nhanh chóng giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, đoàn viên, thanh niên toàn xã lập tức bố trí lực lượng, triển khai kế hoạch giúp người dân khắc phục hậu quả, sẵn sàng lực lượng để có thể ứng phó với diễn biến bất thường của lũ lụt. Chủ động tham gia phòng chống lũ lụt và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra, huy động các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tại tất cả các địa phương, sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu, giúp dân di chuyển đồ đạc, vật dụng tới nơi an toàn.

Theo thống kê của Thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN của huyện đến 14 giờ ngày 10/10/ 2017 đã có 19 cột điện bị gãy đổ gây mất điện cục bộ, 309 ha ngô, 95 ha sắn bị ngập, 136 ha ao hồ nuôi thủy sản bị vỡ, ngập, trên 300 con lợn và 3500 con gia cầm bị chết.  Ngay sau mưa lũ UBND huyện đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp các địa phương bị thiệt hại nặng ở vùng Bích Hào, vùng TĐC để chỉ đạo việc khắc phục hậu quả.

Đình Nguyên