Ngày hội văn hóa hòa bình TP.HCM – Vì một xã hội không có bạo lực

BVR&MT – Sáng ngày 13/10, tại Dinh Độc Lập (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM) đã diễn ra ngày văn hóa hòa bình TP.HCM vì một xã hội không bạo lực.

Đến tham dự ngày hội có Bà Marianne Oelers – Trưởng văn phòng hợp tác UNICEF Việt Nam, Bà Tôn Nữ Thị Ninh  – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, ông Đặng Hoàng Giang – PGĐ Trung tâm Nghiên cứu Phát triển cộng đồng, Bà Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng ban văn hóa UNESCO Việt Nam… và hàng trăm khách tham quan.

Ngày hội văn hóa hòa bình vì một xã hội không bạo lực là hoạt động tuyên truyền cho mọi người hiểu được tình trạng bạo lực ở nước ta hiện nay. Trong thời gian qua xã hội đã chấn động với những vụ án trẻ nhỏ bị bạo hành dã man, chồng đánh vợ, học trò đánh thầy, thầy cô ngược đãi học trò… Chính vì thế ngày hội tuyên truyền vì một xã hội không có bạo lực để người dân thấy được tầm quan trọng. Ngoài ra, ý nghĩa của chương trình còn kêu gọi cộng đồng cùng chung sống hòa bình, tránh xảy ra chiến tranh, xây dựng tình cảm hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Ngày hội văn hóa hòa bình thu hút rất nhiều khách tham quan tại Dinh Độc Lập.
Ngày hội cũng có sự tham gia của các đại diện lãnh sự quán của các nước như Úc, Pháp, Indonesia…

Phát biểu tại ngày hội, Bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM cho biết “Đây là chương trình rất ý nghĩa do Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM tổ chức, nhằm kêu gọi mọi người cùng nhau chung sống hòa bình dưới một mái nhà, không có sự phân biệt giới tính, chủng tộc, màu da, chỉ có xã hội văn minh và lịch sự”.

Những gian hàng giúp trẻ nhỏ có thể hòa vào thiên nhiên tạm tránh xa công nghệ hiện đại.

Cũng trong ngày hội này, làng tre Phú An (Bình Dương) cũng được trưng bày và giới thiệu đến khách tham quan nhưng công dụng thực tế của tre Việt Nam. Ý nghĩa lớn hơn mà làng tre Phú An có mặt tại ngày hội chính là biểu tượng của sự hòa bình thịnh vượng, đoàn kết, giúp đỡ. Làng tre Phú An – Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM được sáng lập từ năm 1999, được giải thưởng Xích đạo của UNDP năm 2010 và là thành viên của khối Vườn thực vật nói tiếng Pháp từ năm 2016, với hoạt động nghiên cứu và đào tạo, giáo dục về bảo tồn phát triển tài nguyên tre để nâng cao vai trò và giá trị của cây tre Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu và sản phẩm thân thiện với môi trường, và phát triển chương trình “Con đường tre” cho du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên và chia sẻ kiến thức với cộng đồng vượt khó.

TS Diệp Thị Mỹ Hạnh là người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho khu bảo tồn làng tre Phú An

Tại ngày hội lần này có tổng cộng 8 gian hàng khác nhau theo từng chủ đề như Chung sống hòa thuận, Gia đình và trẻ thơ, Nhà trường và thanh thiếu nhi, Cộng đồng – Thông điệp, Hòa bình và môi trường, Đa dạng văn hóa trong một thế giới, Cảm xúc và tĩnh tâm, Truyền thông. Tại mỗi gian hàng sẽ có những chương trình biểu diễn khác nhau, giúp khách tham quan hiểu hơn về thông điệp hòa bình của ngày hội.

H.V