Ngành thủy sản phải chuyển mình để tăng trưởng bền vững

BVR&MT – Dù thành công rực rỡ trong năm 2017 nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn đứng trước nhiều thách thức để tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Trong đó, nếu không kiểm soát được khâu con giống thì rất dễ rơi vào tình thế “cái sảy nảy cái ung”.

Ảnh minh họa.

Bất chấp các rào cản về thuế chống bán phá giá, những thông tin tiêu cực của truyền thông Tây Ban Nha về cách thức nuôi thả cá tra tại Việt Nam hay các dấu hiệu khó khăn về nguồn cung, nguyên liệu, dịch bệnh, kiểm soát tạp chất, kháng sinh, thời tiết bất thuận… thống kê từ Bộ NN&PTNT vẫn cho thấy xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2017 vừa qua đã đạt 8,3 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2016 trước đó.

Giải thích cho sự tăng trưởng trên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho rằng, sở dĩ xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu tăng mạnh là nhờ toàn ngành đã cố gắng phối hợp tăng cường kiểm soát kháng sinh ngay từ vùng nuôi. Thuận lợi về thuế quan với ưu đãi từ quy chế GSP so với đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” là Thái Lan cũng giúp thủy sản Việt Nam tiến xa hơn vào EU.

Ngoài ra, nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan cũng không tăng nhanh như dự báo dẫn đến giá cả toàn cầu nhích lên theo xu hướng có lợi cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, dù đối mặt với rào cản chống bán phá giá tại Mỹ nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn cố gắng giữ lấy thị trường này. Và đó là cũng là một trong những cơ sở để người mua ở các thị trường khác trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN có thêm niềm tin, tăng mạnh nhập khẩu hàng thủy sản từ Việt Nam.

Từ 2018: Cạnh tranh chất lượng thay vì “ăn may”

Theo mục tiêu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu thủy sản năm 2018 có thể đạt kim ngạch 8,5 tỷ USD. Còn theo dự báo của VASEP, sự tăng trưởng của một số phân khúc cao cấp – có giá trị gia tăng cao và nhu cầu đang lên từ hàng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc sẽ là tương lai của thủy sản Việt Nam từ năm 2018. Nếu FTA Việt Nam-EU đi vào hiệu lực ngay trong năm nay thì đó còn là một thuận lợi lớn hơn nữa cho xuất khẩu thủy sản.

Dẫu vậy, ông Trương Đình Hòe cũng cho hay có hàng loạt thách thức mới mà ngành thủy sản đang và sắp phải đối mặt. Trong đó, sức “chịu chi” – đầu tư cho ngành thủy sản – của nhiều “người chơi mới” như Indonesia hay Thái Lan chính là một trong những áp lực khá lớn.

Do đó, có thể nói xu hướng cạnh tranh nhờ giá trị gia tăng của hàng hóa sẽ là con đường của những năm tiếp theo cho ngành thủy sản toàn cầu. Thật vậy, yếu tố “ăn may” đang ít dần khi sự phát triển của logistics và cuộc cách mạng 4.0 đã giúp người mua có thể giám sát thông tin, chất lượng, kỹ năng của nhà sản xuất, tay nghề công nhân tốt hơn, còn doanh nghiệp sản xuất thủy sản cũng chủ động hơn về nguồn tài chính và nguyên liệu đầu vào.

Ngoài ra, các yếu tố đầu cơ và sự bất cân xứng thông tin cũng dần bị “san phẳng” nên chỉ còn giá trị gia tăng trong sản phẩm mới có thể tạo ra sức cạnh tranh. “Chính giá trị gia tăng đang làm nên sức mạnh cho tôm thẻ chân trắng Việt Nam xuất khẩu, với số mặt hàng có giá trị gia tăng hiện đã chiếm khoảng 50%. Trong khi tỉ lệ này ở đối thủ Ấn Độ còn rất thấp”, ông Hòe khẳng định.

Tương tự, xuất khẩu cá tra vào EU năm 2017 vừa qua dù có giảm sút nhưng điều này mặt khác lại gián tiếp giúp thị trường sàng lọc “người mua” – “người bán” tốt hơn. Cuộc chơi của những năm tiếp theo vì vậy sẽ chỉ còn chỗ cho các “đại gia” có uy tín, có thể cạnh tranh bằng chất lượng, có tiềm lực tài chính và làm ăn bài bản với tầm nhìn dài hạn. “Sự sụt giảm trong xuất khẩu thủy sản vào EU thực ra là bước lùi cần thiết để cấu trúc lại thị trường cá tra cho Việt Nam”, người phát ngôn của VASEP nhận xét thêm.

Đến lúc có chiến lược đầu tư lớn cho con giống

Dẫu vậy, cạnh tranh bằng chất lượng là một bài toán lớn, chỉ riêng ngành thủy sản với các doanh nghiệp và người nuôi khó mà tự giải với nhau. Chuyện “chạy đua” tìm kiếm các chứng chỉ quốc tế về an toàn, vệ sinh, chất lượng cho thủy sản; tối ưu hóa khâu bảo quản, vận chuyển; chặn đứng hiện tượng sử dụng kháng sinh, tạp chất bừa bãi hay xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc chỉn chu đến tận các vùng nuôi xem ra vẫn mới chỉ là xử lý “phần ngọn”. Và hơn nữa mới là những giải pháp mang tính ngắn hạn.

Vậy về lâu dài, liệu có cách nào để thủy sản Việt Nam hoàn toàn tự tin trước các rào cản kỹ thuật của những thị trường lớn?

Theo ông Trương Đình Hòe, đây là bài toán quản lý chất lượng thông qua quản lý chuỗi giá trị. Mà một trong những mắt xích quan trọng là kiểm soát khâu lưu hành con giống bố mẹ, kiểm soát tình trạng tự nhập khẩu, nuôi trồng rồi nhân giống tự phát… Giải quyết được yếu tố con giống là giải quyết được rất nhiều vướng mắc trong chuỗi giá trị ngành thủy sản. Với con giống tốt, mật độ nuôi thả sẽ thưa hơn, ô nhiễm môi trường ít đi trong khi vẫn có sản lượng tốt; kiểm soát kháng sinh cũng dễ dàng hơn do khả năng đề kháng dịch bệnh của thủy sản tốt lên nhiều lần.

“Đã tới lúc phải tính toán chiến lược cho ngành sản xuất – ươm tạo giống. Với đặc thù cần nhiều chi phí về thời gian, chất xám và vốn nên giai đoạn hình thành đầu tiên của ngành sản xuất con giống đủ chuẩn rất cần có sự đầu tư thích đáng từ phía Nhà nước”, ông Hòe nhấn mạnh.

Trở lại với thị trường nội địa 90 triệu dân, doanh nghiệp thủy sản vẫn còn đó những âu lo thường trực khác về “cơm áo gạo tiền”.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Saigon Food cho hay dù đã khá thành công với năm 2017 và kỳ vọng lớn vào “sân nhà” trong năm 2018 nhưng lại khá quan ngại vì giá điện và tiền lương tối thiểu tăng sẽ khiến chi phí đầu vào đồng loạt tăng theo. “Dù có thể thương lượng với nhà nhập khẩu lâu năm về mức tăng giá nhưng doanh nghiệp vẫn lo khi chưa thể ước tính được giá thành sản xuất sẽ tăng bao nhiêu bởi còn phải chờ xem các đối tác và nhà cung cấp sẽ tăng giá bán thế nào”, bà Lâm chia sẻ.

Có bao nhiêu doanh nghiệp được “may mắn” như Saigon Food trong thương lượng giá cả với người mua nước ngoài? Chỉ biết rằng sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu hẳn sẽ chịu ảnh hưởng nhất định.