Ngành cà phê Việt Nam trước bối cảnh biến đổi khí hậu

BVR&MT – Với hàng triệu người trên thế giới, một tách cà phê là thứ không thể thiếu để bắt đầu một ngày mới. Loại hàng hóa này tưởng như vô tận nhưng biến đổi khí hậu và nhu cầu ngày càng tăng có thể sẽ tạo ra những biến động trong ngành sản xuất cà phê trên toàn cầu trong thập kỷ tới.

Ảnh bìa: Bloomberg

Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia trồng cà phê bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo đó, nếu nhiệt độ Trái Đất tăng 20C vào năm 2050 theo đúng kịch bản thì một diện tích đất lớn hiện đang trồng cà phê sẽ không thể canh tác loại cây này nữa.

Theo Trung tâm Bảo tồn quốc tế, các quốc gia Đông Nam Á hiện chiếm hơn 17% sản lượng cà phê toàn cầu, tăng từ 3% trong năm 1990.

Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê vối (Coffea canephora hay cà phê Robusta) lớn nhất thế giới. Loại cà phê này được sử dụng làm nguyên liệu chủ yếu để sản xuất cà phê hòa tan và các sản phẩm cà phê chất lượng thấp khác.

Theo số liệu từ Trung tâm Quốc tế Nông nghiệp Nhiệt đới (CIAT), ngành công nghiệp sản xuất cà phê của Việt Nam mang lại công ăn việc làm cho một lượng lớn dân số bao gồm 550.000 nông hộ sản xuất nhỏ (đang cung cấp 95% lượng cà phê của Việt Nam) và 500.000 người tham gia làm công thời vụ trong các khâu của ngành cà phê.

Tuy nhiên, theo ông Peter Laderach, chuyên gia biến đổi khí hậu cao cấp của CIAT, sản lượng cà phê vối ở Việt Nam đang có những biến động lớn. Tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên – khu vực trồng cà phê chính của Việt Nam – hồi đầu năm nay đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng cà phê của Việt Nam. Ông khẳng định các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ ngày càng phổ biến hơn trong thời gian tới.

“Mùa khô được dự đoán sẽ diễn ra lâu hơn, nhiệt độ mùa khô cũng gia tăng và các hiện tượng như El Nino sẽ trở nên thường xuyên hơn.” – Ông Laderach nói.

Nghiên cứu của CIAT cho thấy vào năm 2050, mùa khô ở miền nam Việt Nam, bao gồm các tỉnh Tây Nguyên, có thể kéo dài đến tháng Sáu, lâu hơn bình thường gần ba tháng. Trong khi đó, lượng mưa ở khu vực cao nguyên vào những tháng mùa khô có thể giảm khoảng 20mm, gây ra vấn đề lớn với khu vực mà 90% trữ lượng nước sử dụng liên quan đến ngành sản xuất cà phê.

Cảnh quan tiêu biểu ở Việt Nam ở khu vực Tây Nguyên – nơi thích hợp để trồng cà phê vối (Ảnh: Michael Tatarski)

Báo cáo mang tên “Cà phê trong thế kỷ 21” của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, công bố hồi tháng Tư, đã chỉ ra những tác động sâu sắc của những thay đổi về khí hậu tới ngành cà phê. Đến năm 2050 tổng diện tích phù hợp cho sự phát triển cá phê vối ở Việt Nam được dự đoán sẽ giảm từ 52.39702 km2 xuống khoảng còn một nửa là 28.87646 km2. Trong khi đó, việc tưới tiêu và sử dụng phân bón tràn lan ở Tây Nguyên có thể làm suy thoái, mất những chất dinh dưỡng cần thiết của đất.

Khi khí hậu thay đổi, các vùng khác của khu vực có thể phù hợp hơn cho việc canh tác cà phê. Tuy nhiên, nhiều trong số những khu vực đó lại đang có rừng. Theo báo cáo, tới năm 2050 khoảng 20% diện tích khu vực phù hợp để trồng cà phê vối ở Đông Nam Á trùng với diện tích các khu rừng đang được bảo vệ.

Đảm bảo sản lượng cà phê mà không phá hủy rừng

Theo những phân tích trên, tình hình ngành cà phê Việt Nam có vẻ nghiêm trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có thể cải thiện khả năng phục hồi của cây cà phê của Việt Nam bằng cách dựa vào rừng và cải thiện độ che phủ thay vì chặt rừng. Ông Trần Ban Hùng, đại diện Hiệp hội Thương mại Công bằng Châu Á – Thái Bình Dương của Việt Nam ( Fairtrade Asia and Pacific’s Associate for Vietnam), chia sẻ rằng Hiệp hội sử dụng các tiêu chuẩn của mình để hướng dẫn nông dân vừa trồng cà phê vừa bảo tồn rừng. Hiệp hội hiện đang làm việc với 15 hợp tác xã cà phê trong nước.

Bản đồ thể hiện diện tích cây cà phê thay đổi theo từng thời kỳ (Nguồn: Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế)

“Một trong những tiêu chuẩn của chúng tôi là mỗi hợp tác xã phải có biện pháp để giảm hiệu ứng nhà kính, vì vậy họ đang đào tạo các nhà sản xuất theo nhiều cách để giảm nạn phá rừng, chẳng hạn như sử dụng vỏ cà phê thay vì gỗ củi để sấy cà phê. Các hộ nông dân cũng đầu tư tiền để mua và trồng thêm cây che bóng cho vườn cà phê để giảm bớt việc sử dụng nước và nâng cao chất lượng cà phê.” – Ông Hùng Nói

Trong hệ thống Fairtrade, cà phê được bán với giá cao, từ đó sẽ có tiền đầu tư lại cho hợp tác xã và các cộng đồng địa phương.

Khái niệm về cung cấp bóng mát cho cây trồng có vẻ đơn giản nhưng lại có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các vùng trồng cà phê của Việt Nam thích ứng với tình trạng nhiệt độ trái đất đang ngày càng tăng, đồng thời ngăn chặn nông dân chặt phá rừng để lấy đất trồng mới cây cà phê. Cây bóng mát không giống như rừng tự nhiên, nhưng cũng có thể giúp tăng độ che phủ của cây.

Ông Hùng giải thích, một lợi ích khác của việc trồng cây bóng mát là có thể giúp nhà sản xuất làm ra nhiều tiền hơn. Ông chia sẻ: “Nông dân quen với suy nghĩ trồng nhiều cây cà phê càng tốt vì nó sẽ mang lại nhiều thu nhập, nhưng thông qua đào tạo họ đã nhận ra rằng trồng cây bóng mát sẽ giúp họ cải thiện chất lượng của sản phẩm. Một số nông dân bắt đầu trông các cây che bóng cây như sầu riêng, loại cây này cũng giúp họ có được thu nhập bổ sung.”

Việt Nam có lịch sử chuyển đổi rừng thành cây công nghiệp, đặc biệt là cao su và sắn, và không thể đảm bảo rằng tình trạng tương tự sẽ không xảy ra với cây cà phê. Tuy nhiên, ông Hùng hy vọng hệ thống Fairtrade có thể trở thành mô hình kiểu mẫu cho các nhà sản xuất khác.

“Tôi không nghĩ rằng việc chuyển đổi những cánh rừng thành các rẫy cà phê là phù hợp. Đối với các tiêu chuẩn Fairtrade, một trong những yếu tố cần tuân thủ là không phá rừng để trồng các sản phẩm nông nghiệp, vì vậy việc chuyển đổi rừng sẽ đi ngược lại các tiêu chuẩn của chúng tôi, đồng thời cũng góp phần gia tăng biến đổi khí hậu. Tôi không nghĩ rằng đó là một cách tốt để tạo ra một sản phẩm bền vững. ”

Ông Laderach rất ủng hộ phương pháp mà Fairtrade đang sử dụng: “”Chúng tôi ủng hộ các phương pháp sản xuất bền vững hơn với bóng râm hoặc xen canh. Nếu bạn bước vào một khu rừng sẽ thấy mát mẻ hơn và bóng râm giúp bù đắp cho việc nhiệt độ tăng lên.”

Ông Laderach cũng lạc quan khẳng định Việt Nam sẽ tìm ra con đường đúng: “Tôi cho rằng nếu mọi người có nhu cầu tạo ra một hệ thống mới, bền vững hơn, nghiêm túc hơn thì hệ thống này có thể được thực hiện”.

Bích Ngọc (Theo Mongabay.com)