Ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng ở Tây Ninh

BVR&MT – Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tây Ninh xảy ra 20 vụ cháy gây thiệt hại hơn 9,873 ha rừng và đất lâm nghiệp; hơn 30 vụ xâm hại rừng. Tuy các vụ việc chỉ mới xảy ra ở quy mô nhỏ, chưa gây thiệt hại lớn, song với tình trạng ý thức bảo vệ rừng của người dân còn nhiều hạn chế, thời tiết nắng nóng kéo dài, những nguy cơ tiềm ẩn về cháy rừng quy mô lớn vẫn luôn hiện diện.

Diễn tập phương án phòng cháy, chữa cháy tại rừng phòng hộ huyện Tân Biên.

Trong số 20 vụ cháy xảy ra từ đầu năm đến nay, chỉ có một vụ cháy rừng tự nhiên gây thiệt hại một héc-ta; 19 vụ cháy còn lại là các trường hợp cháy cây chồi bụi, trảng cỏ và diện tích bao chiếm. Các cơ quan chức năng đã lập biên bản 34 vụ xâm hại rừng. Trong các nguyên nhân gây nên vụ cháy, xâm hại rừng nêu trên thì ý thức chưa cao của người dân trong công tác bảo vệ rừng vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Tại tiểu khu 43, ấp Con Trăn, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu, xuất hiện những trường hợp phá rừng có chủ đích để canh tác nông nghiệp. Trong khi đó ở vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (huyện Tân Biên), Ban quản lý khu rừng này cũng ghi nhận bảy trường hợp chặt phá cây rừng, săn bắn động vật hoang dã. Còn tại khu rừng văn hóa – lịch sử Chàng Riệc, một số người dân địa phương vào rừng chặt cây le và săn bắn động vật. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, nhiều vụ cháy, xâm hại rừng đều do ý thức kém của người dân trong quá trình hoạt động trong rừng, thậm chí, nhiều vụ cháy còn do chủ đích để lấy đất sản xuất nông nghiệp. Những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, các đơn vị quản lý đều phải bố trí nhân viên bảo vệ rừng túc trực suốt 24 giờ để bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được tốt nhất. Tại các trạm trực, phương tiện, dụng cụ chữa cháy cũng luôn đặt trong trạng thái sẵn sàng. Riêng tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng, cơ quan chức năng đã đầu tư xây dựng hai tháp canh lửa, mỗi tháp cao 32 m để bảo đảm công tác PCCCR và xâm hại rừng được thực hiện tốt nhất.

Ðể răn đe và ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng, mới đây, Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính với nhiều đối tượng xâm hại rừng. Ðơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Văn Sĩ, ngụ xã Suối Ngô, huyện Tân Châu đã bị xử phạt số tiền hơn 20 triệu đồng vì đã có hành vi xâm hại rừng gây thiệt hại 900 m2 rừng phòng hộ. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Sĩ còn thực hiện việc lấn chiếm 800 m2 đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ.

Trong quý I-2018, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xảy ra 34 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp đơn vị chủ rừng và các đơn vị có liên quan điều tra, xác minh, xử lý 32 vụ, tịch thu hơn 12 m3 gỗ các loại, hơn 50 ster củi (tương đương 35 m3), 2 xe gắn máy, 4 cây rựa, xử phạt hành chính và nộp ngân sách hơn 55 triệu đồng. Trong giai đoạn mùa khô năm nay, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy phòng cháy chữa cháy và chặt phá rừng các huyện, thành phố đã tiến hành chín lượt kiểm tra với đủ thành phần các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cũng đã thị sát công tác này tại một số khu vực rừng có nguy cơ cháy và bị xâm hại cao.

Qua mỗi đợt kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh đều có những chỉ đạo các Ban Quản lý rừng thực hiện tốt những nội dung cấp bách như thường xuyên kiểm tra, sửa chữa các thiết bị, phương tiện, dụng cụ PCCCR, bảo đảm hoạt động tốt khi có cháy rừng xảy ra. Chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, bố trí lực lượng, phương tiện PCCCR tại những nơi có nguy cơ cháy cao, kịp thời ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Ðồng thời, duy trì tổ chức trực cảnh giới trong suốt thời gian cao điểm mùa khô, để kịp thời phát hiện, huy động lực lượng chữa cháy. Liên tục tổ chức tuyên truyền về công tác PCCCR và chặt phá rừng bằng loa phóng thanh lưu động tại các khu dân cư gần rừng. Các cơ quan chức năng phải bổ sung sơ đồ các điểm lấy nước, đồng thời thông tin, hướng dẫn cho các lực lượng chức năng và người dân biết lấy nước khi có cháy rừng xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến lưu ý các đơn vị cần tập trung tối đa công tác bảo vệ rừng với từng nhiệm vụ cụ thể. Ban Quản lý các khu rừng phải bám sát kế hoạch, phương án PCCCR đã được phê duyệt; tổ chức việc thu dọn, khoanh vùng và tiến hành đốt chủ động những chỗ dễ cháy để ngăn việc có thể gây cháy; phải hết sức cảnh giác, coi trọng công tác phòng và chống cháy; phối hợp thật tốt với chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng đứng chân trên địa bàn để có đủ thông tin, lực lượng, tiềm lực ngăn chặn được các vụ cháy rừng. Các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân để mọi người cùng có trách nhiệm trong công tác PCCCR và chặt phá rừng, đồng thời phối hợp tốt với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn trong việc tuyên truyền người dân biên giới cùng chung tay bảo vệ, hạn chế việc phá rừng, cháy rừng. Ngoài ra, các Ban quản lý rừng tìm hiểu và gặp gỡ người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng. Có biện pháp kiên quyết và triệt để đối với các đối tượng có hành vi đốt, phá rừng để răn đe các đối tượng khác.

“Trong giai đoạn cao điểm của nắng nóng, các đơn vị phải bảo đảm quân số túc trực liên tục 24 giờ, các cán bộ, nhân viên không xin nghỉ phép dịp này để công tác phòng, chống cháy rừng được thực hiện một cách tốt nhất”.

TRẦN VĂN CHIẾN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

“Các vụ cháy và xâm hại rừng mới xảy ra ở mức độ nhẹ, quy mô nhỏ, song không vì thế mà các đơn vị lơ là nhiệm vụ và trách nhiệm. Mỗi thiệt hại nếu xảy ra đều sẽ để lại những hệ lụy không tốt cho môi trường, nên trong giai đoạn này, các công tác bảo đảm phòng, chống cháy rừng và xâm hại rừng đều phải được thực hiện khẩn trương và bảo đảm nhất”.

PHẠM CHÍ TRUNG

Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Tây Ninh