Ngăn chặn nguy cơ Việt Nam thành bãi rác công nghiệp của...

Ngăn chặn nguy cơ Việt Nam thành bãi rác công nghiệp của thế giới

BVR&MT – Hàng ngàn container phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam và tồn đọng tại các cảng biển. 

Các container phế liệu nằm rải rác trong cảng Cát Lái. (Ảnh:Hoàng Hải/TTXVN)

Không chỉ gây ách tắc cảng biển, các container này đang khiến Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải công nghiệp của thế giới.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ liên quan tiếp thu ý kiến để ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu được đánh giá là nghiêm trọng, nhất là số phế liệu nhập về đang tồn đọng tại các cảng.

Vì sao lại có tình trạng như vậy và việc này sẽ dẫn đến những nguy cơ gì? đâu là giải pháp trong thời gian tới?

Để có thêm câu trả lời, phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện cùng giáo sư-tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

– Câu chuyện ùn ứ hàng ngàn container phế liệu ở cảng Cát Lái, Hải Phòng đang là mối quan tâm lớn của dư luận, xã hội. Vậy tại sao lại có tình trạng như vậy và việc này sẽ dẫn đến những nguy cơ gì cho Việt Nam, thưa ông? 

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng: Việc tồn đọng hàng ngàn container phế liệu tại cảng Cát Lái và cảng Hải Phòng hiện nay là vấn đề hết sức bức xúc và nghiêm trọng về môi trường.

Tình trạng này không những cản trở, ảnh hưởng đến giao thông vận tải của cảng mà việc ứ đọng các chất ô nhiễm như vậy có thể là nguy cơ biến nước ta thành bãi rác của các nước phát triển, lâu dài gây ra ô nhiễm môi trường.

Đây là sự yếu kém trong công tác quản lý bởi vì sự việc này đã kéo dài nhiều năm nay, các cơ quan thông tin đài báo đã lên tiếng báo động nhiều lần rồi, nhưng chưa được giải quyết hiệu quả.

Bên cạnh đó là việc thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trong việc nhập khẩu các phế liệu không đúng quy định, khi kiểm tra không được thông quan hàng hóa thì trốn tránh bỏ hàng tại cảng.

– Theo Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, việc nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu rất nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường. Vậy chúng ta lý giải thế nào về việc hàng ngàn container đang nằm tại các cảng?

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng: Theo tôi, Thông tư 41 có một số vấn đề quy định không có tính khả thi. Đó là phế liệu trong quá trình sản xuất công nghiệp và sinh hoạt thải ra bao giờ cũng đi kèm với những chất thải ô nhiễm. Không thể có phế liệu giống như nguyên liệu thực sự được.

Ngay trong Phụ lục 1 của Thông tư 41/2015/BTNMT cho danh mục phế liệu được phép nhập khẩu cũng quy định những loại phế liệu rất thuần chất.

Thí dụ, như phế liệu nhựa thì phải là phế liệu nhựa và mảnh vụn từ polymer etylen, phế liệu nhựa và mảnh vụn từ polymer stylen, phế liệu nhựa và mảnh vụn từ polymer vinyl clorua… thực tế thì không thể có chuyện chất thải lại phân loại ra được thuần chất chi tiết như vậy.

Cũng tương tự như vậy, phế thải sắt thép cũng quy định phân ra phế liệu và mảnh vụn gang, phế liệu mảnh vụn thép không rỉ, phế liệu và mảnh vụn đồng, nicken, nhôm, kẽm, thiếc…

Trên thực tế những phế liệu này ở nước mà Việt Nam nhập khẩu nếu thực sự đã được phân loại thuần chất theo đúng quy định của Việt Nam như vậy thì chắc chắn là họ dùng để tái chế, tái sử dụng trong nước, không bán cho nước ta.

Chính vì vậy, việc nhập khẩu phế liệu của chúng ta đã bị lợi dụng đổ thải. Nhiều cơ sở sản xuất mua những loại phế liệu này không phải là mua mà là nhận hàng từ các quốc gia đổ thải, không những không mất tiền mua mà có khi còn được họ trả tiền.

– Quay trở lại câu chuyện hàng ngàn container đang ùn ứ tại các cảng, theo ông, các ngành chức năng cần giải quyết vấn đề này như thế nào? 

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng: Trước hết cần phải kiểm điểm xem vì sao lại xảy ra hiện tượng tồn đọng này, ai là chủ sở hữu các container tồn đọng đó, container nào không có chủ sở hữu, vì sao?

Quá trình xử lý vấn đề này có sự trì trệ, tồn tại nhiều năm. Vấn đề là phải kiểm tra, kiểm điểm để xác định nguyên nhân từ đó kịp thời sửa chữa, cũng như tìm ra giải pháp một cách khả thi phù hợp với tình hình kinh tế cũng như vẫn bảo đảm bảo vệ môi trường.

Các phế liệu nhập khẩu đều có ít hoặc nhiều chất bẩn chứ không hoàn toàn là chất bẩn ô nhiễm. Như vậy chúng ta có thể chọn lọc ra để lấy nguyên liệu tốt phục vụ sản xuất, nhưng phải có biện pháp triệt để xử lý chất thải ô nhiễm chứa trong phế liệu đó.

Vì vậy, nếu xác định được chủ sở hữu thì giao cho các cơ sở sản xuất đó, chủ sở hữu phải nộp phạt và có trách nhiệm xử lý các container chất thải vi phạm đồng thời giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi kiểm tra chặt chẽ xử lý và sử dụng phế thải của các cơ sở sản xuất này đảm bảo xử lý chất thải một cách an toàn theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.

Đối với các container tồn đọng vô chủ sở hữu thì cơ quan quản lý nhà nước để xẩy ra tình trạng vô chủ như vậy phải có trách nhiệm xử lý sao cho an toàn môi trường.

– Ông có đánh giá thế nào về công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu thời gian qua, đặc biệt là cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới? 

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng: Việc phòng ngừa và kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu là hết sức quan trọng. Muốn bảo vệ môi trường được đồng thời vẫn đảm bảo cho cơ sở sản xuất có nguyên liệu tốt và rẻ thì việc kiểm soát nhập khẩu phế liệu là không thể thiếu.

Tuy nhiên việc kiểm soát ngoài biên giới Việt Nam là không khả thi và không được phép, vì vậy chúng ta chỉ có thể kiểm soát trên lãnh thổ Việt Nam.

Việc đầu tiên và quan trọng nhất là kiểm soát việc cấp phép nhập khẩu phế liệu.Việc cấp phép hiện nay đang quá dễ dàng và có nhiều sơ hở.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương cũng cấp phép là khó kiểm soát. Chỉ nên để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thì đúng hơn.

Tuy nhiên, cũng để tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất ở miền Nam không tốn thời gian và tiền bạc trong việc xin giấy phép thì có thể đưa ra cơ chế để Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng được cấp phép.

Như vậy chúng ta sẽ chỉ có 2 nơi được cấp phép nhập khẩu phế liệu, có thể giảm nguy cơ về việc nhập khẩu phế liệu ồ ạt như trong thời gian vừa qua.

Song song với đó, việc cấp phép nhập khẩu phế liệu cũng cần hết sức thận trọng bởi thời gian qua đã có hiện tượng cấp phép cho những cơ sở “ma”, cơ sở không có nhu cầu thực tế cũng như không phải là cơ sở sản xuất đồng thời việc ký quỹ nhập khẩu phế liệu cũng cần có sự thay đổi.

– Để tránh nguy cơ trở thành “bãi rác” thế giới, chúng ta cần có phải có những giải pháp, hành động cụ thể nào, thưa ông? 

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng: Đầu tiên chúng ta cần nghiêm túc xem xét và rút kinh nghiệm vì đã để tình trạng này xảy ra một thời gian dài.

Cần phải xem xét lại từ văn bản quy định đến cơ chế, thực thi, cái gì không hiệu quả cần thay đổi ngay thì mới hy vọng có thể giải quyết được những tồn tại hiện nay.

Văn bản pháp luật nếu không khả thi, không thực tế thì phải sửa. Đơn cử như vấn đề cấp phép phải thận trọng chứ không như thời gian qua vẫn có hiện tượng cấp phép cho những cơ sở “ma.”

Cần phải giảm đầu mối cấp phép như trên đã nói và siết chặt các quy định về nhập khẩu phế liệu, hạn chế dần việc nhập khẩu phế liệu. Bên cạnh đó, chỉ cho những cơ sở có nhu cầu thật sự được nhập khẩu và không cho phép ủy quyền nhập khẩu.

Đồng thời, việc ký quỹ phải thực hiện trước khi xin phép nhập khẩu chứ không thể để việc ký quỹ khi hàng đã nhập về cảng rồi. Nếu trong trường hợp hàng hóa vi phạm hay không phù hợp với quy định thì cần xử lý ngay bằng tiền ký quỹ đó, chứ không để tồn đọng kéo dài tại các cảng như hiện nay.

– Xin cảm ơn!