Nét đẹp “xin” chữ đầu năm

MT&ĐS – Theo phong tục xưa của người Việt, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân sang, người người lại nô nức cùng nhau đi “xin” chữ. Các ông đồ được dịp thể hiện những nét chữ mềm mại, uyên thâm, chuyển tải những thông điệp tốt đẹp trên thiệp vàng, giấy đỏ.

Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân sang, người người lại nô nức cùng nhau đi “xin” chữ

Trong không khí vui tươi ấm áp của những ngày xuân, tại các khu di tích tôn vinh các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá đang bừng sáng giấy điệp, nhũ vàng với dòng người nườm nượp đến “xin” chữ đầu năm.

Ông Nguyễn Trọng Sơn, một trong những thầy đồ “tặng” chữ tại Văn Miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cho biết: ngay trong ngày mồng một Tết đã có khoảng 300 người đến “xin” chữ. Từ ngày mồng hai Tết lượng người đến “xin” chữ còn lớn hơn nhiều. Thiệp hồng, giấy đỏ chất lượng cao, mẫu mã đẹp được thiết kế theo kiểu “cuốn thư” mang nét Tết xưa được Ban quản lý khu di tích chuẩn bị chu đáo. Các bàn viết chữ được bố trí ở nơi trang nhã, không bị ảnh hưởng bởi mưa nắng.

Điểm đến yêu thích của khách du xuân xin chữ đầu năm ở tỉnh Hải Dương là: Côn Sơn – Kiếp Bạc, Đền thờ Nguyễn Trãi, Đền thờ Chu Văn An (thị xã Chí Linh); Đền thờ Mạc Đĩnh Chi (huyện Nam Sách); Văn Miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng); làng Tiến sĩ Mộ Trạch (huyện Bình Giang)… Quan sát dòng người du xuân, xin chữ chúng tôi thấy thật vui khi các thế hệ, nhất là lớp trẻ, các cháu học sinh vẫn giữ được mạch nguồn truyền thống, luôn hướng về cội nguồn lịch sử của quê hương, đất nước, về truyền thống văn hóa của cha ông.

Tục lệ “xin” chữ đầu năm từng có thời: “Nhưng mỗi năm, mỗi vắng/ Người thuê viết nay đâu/ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu”… Nhưng những năm gần đây tình hình đã có nhiều thay đổi, tại nhiều khu di tích luôn đông đúc người đến “xin” chữ. Các thầy đồ xuất hiện khá đông, vậy mà đôi khi “mỏi tay” viết cũng không “cho” kịp.

Lứa tuổi trẻ và các cháu học sinh thường “xin” chữ Trí, chữ Tuệ, mong có kiến thức rộng, hiểu biết nhiều; chữ Học, nhắc nhở chuyên cần học tập; chữ Thành, cầu mọi việc đều tốt đẹp. Lứa tuổi trung niên thường “xin” chữ Phát, mong muốn thành đạt, giàu có; chữ Vinh, để được công thành danh toại; chữ Quý, thể hiện sang trọng hiển vinh; chữ Hiếu; sống thảo hiền, quan tâm tới bề trên. Người già thường “xin” chữ Phúc, mong muốn có “tài, lộc, thọ, khang, minh” – năm thứ hạnh phúc nhất trên đời; chữ Lộc, để có cuộc sống ấm áp, đầy đủ bớt phải lo toan; chữ Đức, sống có đức độ để phúc lộc lại cho con, cháu, chắt; chữ Minh, để được minh mẫn, sáng suốt…

Dạo qua các khu di tích trên địa bàn Hải Dương, chúng tôi cảm nhận chữ nôm, chữ quốc ngữ được viết bằng mực tàu đen nhánh, bằng kim nhũ vàng, bạc óng trên giấy lụa cánh sen, trên giấy phẩm hồng điều hoặc trên giấy gió được các thầy đồ “gửi hồn” qua thư pháp bằng nét viết uyên thâm, khiến những người xin chữ cảm thấy vui vẻ, may mắn trong những ngày Xuân. Ngoài ra, việc xin chữ còn giúp cho người xin chữ thấu hiểu thêm về một nét đẹp văn hoá dân tộc đã lắng đọng trong lời thơ của cụ Vũ Đình Liên “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”…