Nam Mẫu – Bắc Kạn: Thách thức với “bài toán” phát triển bền vững

BVR&MT – Mặc dù sở hữu những điều kiện tự nhiên, xã hội tiềm năng cùng bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc song công cuộc phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc địa phương xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn vẫn tương đối khó khăn.

Pác Ngòi ngày nắng lên

Miền cổ tích bên hồ Ba Bể

Nam Mẫu là xã duy nhất quản lý hồ Ba Bể và là một phần của Vườn quốc gia Ba Bể, là khu vực du lịch trọng điểm của tỉnh Bắc Kạn. Ngoài ba dòng suối đổ vào hồ Ba Bể, xã Nam Mẫu còn có sông Năng chảy qua địa bàn phía Bắc, trên dòng sông có thác Đầu Đẳng, cũng là một địa điểm du lịch. Xã Nam Mẫu có diện tích 64,44 km², dân số khoảng 2.340 người, mật độ dân số đạt 45,3 người/km².

Trụ sở UBND xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn tuy xuống cấp nhưng chưa thể xây dựng do thiếu quỹ đất…

Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, hàng loạt các chương trình, dự án đã được triển khai tại Nam Mẫu như: Chương trình 30a, dự án 3PAD, chương trình 135… góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Hiện tại, Nam Mẫu đã đạt 7/19 tiêu chí Nông thôn mới trong đó có những tiêu chí quan trọng về An ninh trật tự, Điện, Y tế… Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể đời sống kinh tế – xã hội nơi đây còn tương đối khó khăn. Đây cũng là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương và cộng đồng các dân tộc Nam Mẫu.

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết, tính tới năm 2017 toàn xã có 9 thôn bản với 2340 nhân khẩu, tỉ lệ hộ nghèo là 47,5 %. Cá biệt, 2 bản Đán Mẩy và Nà Phại của đồng bào dân tộc H’Mông có tỉ lệ hộ nghèo lên đến gần 100%.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu phát biểu nhân chuyến công tác của Đoàn Nhà báo Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường tại địa phương.

Do nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể nên quỹ đất canh tác của xã Nam Mẫu cực kỳ eo hẹp. Không những thế, diện tích này lại nằm hoàn toàn trong vùng trũng, thời điểm canh tác thường phụ thuộc vào mực nước lên xuống của hồ (theo chu kỳ từ tháng 5 đến tháng 7, mực nước hồ dâng là thời điểm không thể canh tác).

Nông nghiệp của Nam Mẫu chủ yếu phục vụ nhu cầu cộng đồng bản địa và khách du lịch.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến lĩnh vực trồng trọt của địa phương bị hạn chế, bà con chỉ có thể canh tác lúa nước, ngô và một số giống cây ngắn ngày. Về chăn nuôi, Nam Mẫu chủ yếu tập trung phát triển đàn lợn và trâu. Mặc dù vậy, do đa phần các hộ chăn nuôi theo xu hướng cá thể nên việc đầu tư cũng chỉ dừng lại ở mức tự cung tự cấp, phục vụ chủ yếu nhu cầu của người dân bản địa và khách du lịch.

Cây Ngô là một trong số cây lương thực chủ đạo tại Nam Mẫu.

Đối với lĩnh vực Lâm nghiệp, Nam Mẫu là một trong những địa phương có vị thế đặc biệt quan trọng bởi nằm hoàn toàn trong vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, nơi được bảo tồn nghiêm ngặt về tính đa dạng sinh thái và hạn chế tối đa sự tác động của con người. Điều này đòi hỏi mỗi người dân Nam Mẫu phải coi công cuộc bảo vệ rừng chính là phương châm, là lẽ thiết yếu trong đời sống và tiềm thức của chính mình.

Thực tiễn cho thấy, cộng đồng các dân tộc địa phương Nam Mẫu từ lâu đã nêu cao tinh thần bảo vệ rừng thông qua các quy ước, hương ước thôn bản. Tuy nhiên lợi ích từ bảo vệ và phát triển rừng chính là thách thức vô hình tác động tới nhận thức của người dân. “Số tiền 200 ngàn đồng/ha/năm từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vẫn chưa thực sự khuyến khích được bà con trong công tác bảo vệ rừng”, bà Hằng chia sẻ.

Một góc rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Ba Bể nằm trên địa phận xã Nam Mẫu.

Mặt khác, thực hiện chỉ thị 08 năm 2012 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về “Ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường”, trong thời gian qua chính quyền và nhân dân xã Nam Mẫu đã phối hợp một cách hiệu quả cùng Ban Quản lý VQG Ba Bể trong công tác giao khoán bảo vệ rừng, hạn chế cưa máy, cưa xăng, xử lý nghiêm các đầu nậu khai thác gỗ, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản…

Du lịch cần phải là ngành “mũi nhọn”

Tuy có hạn chế về nông nghiệp và một số lĩnh vực khác song Nam Mẫu lại sở hữu điều kiện thiên nhiên phong phú, đa dạng với khí hậu mát mẻ cùng kỳ quan hồ Ba Bể nổi tiếng. Đây chính là “bàn đạp” không thể tốt hơn để phát triển du lịch sinh thái, loại hình du lịch phù hợp với văn hóa các dân tộc địa phương bởi nó không lấy lợi ích kinh tế làm trọng mà có sự cân bằng hơn giữa bảo tồn và phát huy văn hóa tộc người và phát triển du lịch.

Du khách trải nghiệm tại bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu.

Manh nha phát triển từ những năm 2005, cho đến nay loại hình du lịch sinh thái tại Nam Mẫu đã có hơn chục năm đi vào hoạt động và đạt được những kết quả khả quan. Điển hình như tại bản Pác Ngòi năm 2017 đã có 22 hộ làm kinh doanh dịch vụ nhà sàn Homestay (trong tổng số 43 hộ làm KDDV nhà sàn Homestay của toàn xã) phục vụ nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế, hệ thống xe đạp thể thao phục vụ nhu cầu tham quan, vãn cảnh… Cùng với đó là chất lượng dịch vụ và phong cách làm du lịch của bà con cũng ngày một chuyên nghiệp và tạo được nhiều thiện cảm từ phía du khách.

Tuy nhiên, để “giữ chân” du khách được lâu hơn cũng như tạo ấn tượng để họ quay trở lại vẫn còn là niềm trăn trở đối với ngành du lịch địa phương. Những bất cập có thể nhận thấy trước mắt đến từ một số nguyên nhân như: cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, sản phẩm của người bản địa còn nghèo nàn chưa đa dạng các loại hình trải nghiệm,…

Về cơ sở hạ tầng, xã Nam Mẫu có duy nhất một con đường độc đạo nối từ Trụ sở Ban Quản lý VQG Ba Bể chạy dọc theo hồ Ba Bể, cũng là con đường giao thông huyết mạch kết nối với bên ngoài. Mặc dù vậy, những năm gần đây chất lượng tuyến đường này đã xuống cấp trầm trọng, mặt đường ngổn ngang những ổ gà, ổ voi gây khó khăn, thậm chí nguy hiểm cho các phương tiện qua lại đặc biệt trong mùa mưa bão.

Ông Ngôn Văn Toàn, một trong những hộ gia đình làm homestay có tiếng tại bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu.

Ông Ngôn Văn Toàn, một trong những hộ làm homestay có tiếng tại bản Pác Ngòi cho rằng: Để du lịch địa phương thực sự phát triển bền vững phương trong thời gian tới cần phải đa dạng hóa các loại hình trải nghiệm như bơi lội, khám phá thiên nhiên… Nếu được như vậy, không chỉ riêng ông mà rất nhiều hộ sẽ khá lên từ làm du lịch.

Hiện nay du khách đến với Nam Mẫu ngoài tham quan, vãn cảnh thì nhu cầu trải nghiệm, giải trí cũng rất phong phú như bơi lội, khám phá hệ sinh thái rừng, thể thao mạo hiểm, hay tìm mua đồ thổ cẩm, đồ dùng truyền thống của các dân tộc… Thế nhưng những loại hình như vậy thực sự “nghèo nàn” so với vẻ trù phú của hồ Ba Bể (hồ tự nhiên lớn nhất Việt Nam), hay VQG Ba Bể (một trong những Di sản thiên nhiên của ASEAN).

Thiết nghĩ, để du lịch Nam Mẫu thực sự trở thành ngành “mũi nhọn” thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững, giúp nâng cao đời sống cho cộng đồng các dân tộc bản địa và bảo tồn hài hòa sự đa dạng sinh thái của khu vực cần có những giải pháp cụ thể, những dự án đầu tư bài bản, khoa học và nhiệt huyết đến từ các bộ ngành trung ương đến các cấp các ngành tổ chức xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới.

Đình Thiện – Hậu Thạch