Mức nguy cấp của các loài có thể đang bị đánh giá sai

BVR&MT – Một nghiên cứu mới đây đã đưa ra kết luận gây sốc đối với giới bảo tồn, rằng cơ sở dữ liệu các loài nguy cấp đáng tin cậy nhất thế giới đang xem nhẹ nguy cơ tuyệt chủng đối với nhiều loài động vật trên khắp trái đất. Thiếu các công nghệ hiện đại như vệ tinh hay chụp ảnh trên không, Sách Đỏ các loài bị đe dọa của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phân loại sai những thách thức đối với hàng trăm loài động vật. Vì vậy, các nhóm bảo tồn có thể sẽ bỏ sót nhiều loài đang có nguy cơ biến mất.
Loài chim Coronet chỉ xuất hiện tại Nam Mỹ, đang được Sách Đỏ IUCN xếp hạng “ít được quan tâm”
Sách đỏ IUCN được thiết lập vào năm 1964, phân cấp đánh giá các loài từ “Ít quan tâm” đến “Tuyệt chủng” với nhiều cấp từ thấp đến cao. Cơ sở dữ liệu này được hình thành dựa trên nghiên cứu của các nhà khoa học và các nhà bảo tồn, cùng dữ liệu từ hàng chục nghìn tình nguyện viên và các nhà tự nhiên học. Sau đó, cán bộ IUCN sẽ đưa những quan sát đánh giá trên vào một thuật toán, trong đó cân nhắc tới các yếu tố như mất sinh kế và xu hướng quần thể, sau đó xếp hạng các loài theo cấp đánh giá trong sách Đỏ.
Mặc dù đạt chuẩn quốc tế, các tiêu chuẩn đánh giá loài của IUCN được cho là đều đã lỗi thời. Tổ chức này vẫn tiếp tục tìm kiếm dữ liệu về sinh cảnh dựa trên những tấm bản đồ cũ được vẽ bởi các chuyên gia mà chưa kết hợp sử dụng vệ tinh và ảnh chụp không gian để có thể phát hiện nạn phá rừng cũng như dân cư xâm lấn. Vì vậy, đánh giá của Sách Đỏ IUCN đang bỏ sót những đặc điểm địa lý khó nhận diện như phá rừng rải rác và thay đổi độ cao khiến các loài chỉ có thể sống trong một khu vực nhất định.
Nhóm tác giả đã nghiên cứu 586 loài chim tại 6 khu vực có nhiều loài chim sinh sống trên khắp thế giới như phía Tây Andes-Columbia, Đông Nam Á và Brazil, hiện đang được liệt kê trong Sách đỏ IUCN. Trong đó, 108 loài đang được Sách Đỏ phân loại có nguy cơ tuyệt chủng. Dựa trên dữ liệu viễn thám về độ che phủ rừng và độ cao, nhóm nghiên cứu đã tính toán diện tích sinh cảnh tối thiểu còn lại đối với mỗi loài chim, sau đó chạy lại thuật toán đánh giá rủi ro của IUCN bằng dữ liệu phân tích mới. Kết quả, 210 loài chim được xếp hạng rủi ro cao hơn – hầu hết ở mức “bị đe dọa” hoặc thậm chí tệ hơn.
Chẳng hạn, loài chim Cotinga cánh xám hiện đang được xếp hạng “sẽ nguy cấp” với diện tích sinh cảnh khoảng 3300 km2 tại những dãy núi phía bắc Rio de Janeiro, Brazil. Loài chim này chỉ được tìm thấy ở độ cao khoảng 1200-1800m. Nhóm nghiên cứu đã nhận thấy rằng chỉ khoảng 100 m2 đáp ứng yêu cầu về môi trường sống của loài chim này. Điều đó khiến mức độ nguy cấp của loài chim này nâng lên “cực kì nguy cấp.”
Mặc dù nghiên cứu mới chỉ phân tích riêng về loài chim, trưởng nhóm nghiên cứu Stuart Pimm cho rằng các loài lưỡng cư và động vật có vú cũng sẽ có kết quả phân tích tương tự. Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả khuyến khích cáo IUCN áp dụng các phương pháp xây dựng bản đồ và công nghệ viễn thám, từ đó có thể thu thập đầy đủ hơn các dữ liệu về sinh cảnh và đa dạng sinh học, mở rộng Sách Đỏ thay vì chỉ coi đây là căn cứ độc nhất đánh giá rủi ro tuyệt chủng.
Kim Ngân/ Theo Tạp chí Science