MRC vẫn khẳng định vai trò khi Lào tiếp tục đơn phương xây đập thủy điện

Khi khu vực Mê Kông đang đối mặt với những thách thức lớn từ các hoạt động phát triển như đập thủy điện lớn Pak Beng của Lào, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) khẳng định MRC vẫn là cơ chế hợp tác đa bên tốt nhất nhằm đảm bảo phát triển bền vững cho lưu vực.
Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đã khẳng định quan điểm trên trong bài trình bày về Ủy hội tại Diễn đàn sông Mê Kông mở rộng diễn ra vào tuần trước (9-11/11/2016). Diễn đàn là dịp các chuyên gia về sông ngòi và các nhà hoạch định chính sách thảo luận nhằm tìm kiếm cách tiếp cận tốt nhất giúp đảm bảo phát triển bền vững cho con sông.
Ông Phạm Tuấn Phan trình bày trong phiên họp
Tại phiên họp về vai trò và các khuyến nghị của MRC, ông Phạm Tuấn Phan đã trình bày chi tiết các hoạt động của MRC trong vòng 20 năm, khẳng định những nỗ lực không ngừng của cơ quan này. Ngoài Hiệp định Mê Kông năm 1995, MRC hiện đã xây dựng chiến lược phát triển lưu vực với các hoạt động chính giai đoạn 2016-2020 và năm quy trình chủ chốt nhằm thúc đẩy các thực hành tốt nhất trong sử dụng nguồn nước Mê Kông, bao gồm quy trình tham vấn trước đối với các dự án phát triển lớn như thủy điện.
Ông Phạm Tuấn Phan khẳng định trong phiên họp rằng, “MRC có thể không hoàn hảo nhưng hiện đang đóng vai trò không thể thiếu”, là cơ chế hợp tác khu vực tốt nhất có khả năng đối mặt với các thách thức ngày càng gia tăng trong lưu vực. MRC hiện đang chịu trách nhiệm đánh giá tác động xuyên biên giới, giám sát và đánh giá các dự án cũng như các bản thiết kếđược chỉnh sửa, đồng thời gia hạn quá trình đánh giá dự án theo quy trình Thông báo, Tham vấn và Thỏa thuận trước (PNPCA).
Theo ông Phan, tuyên bố năm 1975, nơi quy định các quốc gia thuộc lưu vực sông phải đạt tới sự đồng thuận chung để một dự án được triển khai, đã không còn hiệu lực. Với bản chất linh hoạt hơn, Hiệp định năm 1995 đã được các quốc gia thành viên tuân thủ khá hiệu quả mặc dù không mạnh mẽ như tuyên bố trước đó. Ông Phan cũng phủ nhận quan điểm rằng MRC là một cơ quan điều hành. Trên thực tế, MRC là một tổ chức liên chính phủ, nhằm hướng tới việc tạo ra một “nền tảng cho ngoại giao nguồn nước”, điều phối các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, một số tổ chức phi chính phủ hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững sông Mê Kông lại nhận thấy nhiều bất cập trong quy trình PNPCA. Trong thông cáo mới đây về đập thủy điện Pak Beng, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế(IR) đã đặt ra nghi vấn đối với vai trò của MRC và quy trình này. IR đã dẫn ra các dự án trước đó của Lào gồm Xayaburi và Don Sahong cho thấy quy trình này vẫn còn những sai sót nghiêm trọng. Trong khi quy trình tham vấn trước là một nền tảng cơ bản để tiến tới đàm phán và đồng thuận về các dự án phát triển liên quan đến dòng sông, chính bản thân MRC cũng thừa nhận tới nay chưa đạt được sự đồng thuận nào ở cả cấp Ủy ban Liên hợp của Ủy hội cũng như cấp Hội đồng đối với cả hai dự án.
Theo IR, quy trình PNPCA còn những lỗ hổng lớn bao gồm việc thiếu nguồn thông tin đầy đủ để có thể đánh giá đúng và đủ các ảnh hưởng đối với các quốc gia láng giềng, thiếu yêu cầu cụ thể để việc tham vấn trở nên có ý nghĩa, ảnh hưởng đến tính minh bạch của toàn bộ quy trình. Trên thực tế, khi quy trình tham vấn trước mới bắt đầu khởi động thì các quyết định chính đã được đưa ra và hợp đồng dự án cũng đã được ký kết. Vì vậy, IR đặc biệt bày tỏ mối quan ngại đối với dự án Pak Beng và mong muốn các bên liên quan đưa ra quyết định đình chỉ con đập.
Đan Khuê/ Theo The Nation