Dòng nước lũ từ thủy điện Hạ Sesan 2 đã nhấn chìm ngôi làng Srekor tại tỉnh Stung Treng, Campuchia. Ngôi làng giờ chỉ còn tồn tại trong ký ức.
Theo người dân địa phương, nước dâng lên đã nhấn chìm tất cả, bao gồm nhà cửa, vườn tược, đền thờ, bãi cá, những mảnh vườn ven sông và mồ mả lâu đời của cộng đồng. Nước dâng cũng làm ngập diện tích đất nông nghiệp khoảng 2km2 phía sau ngồi làng, nơi mà những người từ chối di dời trồng cấy.
Thủy điện Hạ Sesan 2 được khánh thành vào tháng 9 năm 2017. Theo người dân địa phương, mực nước ở làng Srekor đã dâng 6-7 mét từ khi thủy điện bắt đầu tích nước vào tháng 11/2017.
Trước đó, khoảng 5.000 người trong khu vực hồ chứa đã được tái định cư nơi khác, bao gồm đồng bào dân tộc thiểu số như Bu Nông, Lào, và người Khme.
Tuy nhiên, khoảng 63 gia đình đã di chuyển đến một khu rừng cộng đồng nằm cách đó một cây số với hy vọng có thể ở lại cùng đất đai và mồ mả tổ tiên của họ. Đại diện của các hộ gia đình này đã tìm cách đàm phán với chính phủ Campuchia và phía đầu tư dự án – Tập đoàn Quốc tế Hydrolancang Trung Quốc và Tập đoàn Hoàng gia Campuchia để đòi bồi thường thiệt hại về nhà cửa, tài sản, đất vườn và đất nông nghiệp cùng chi phí di dời đến nơi ở mới mà theo họ là ít màu mỡ hơn so với ở làng cũ
Mặc dù vậy, dưới áp lực ngày một gia tăng, thêm 10 hộ gia đình ở Srekor sau đó đã đồng ý di dời đến khu tái định cư mới trong khoảng tháng 12 năm 2017 đến tháng 1 năm 2018. Tại khu tái định cư mới, người dân đã nhiều lần báo cáo về các vấn đề tại đây như chất lượng nước sinh hoạt kém và gánh nặng tài chính khi phải mua nước sạch sử dụng.
Thủy điện Hạ Sesan 2 nằm dưới phần hợp lưu ngã ba sông Sesan và Srepok và khoảng 25 km trước khi sông Sesan hòa vào sông Mekong. Đập Hạ Sesan 2 được hợp tác đầu tư phát triển bởi các công ty Trung Quốc, Campuchia, và Việt Nam.
Theo các thông số được công bố thì đập có chiều cao khoảng 75m, chiều dài 8km và diện tích hồ chứa vào khoảng 33.560ha. Đập có công suất phát điện 400 MW. Hơn 5.000 người, đa số là người dân tộc thiểu số đã phải di dời để làm dự án. Vào thời điểm hiện nay, hàng trăm gia đình từ đến từ 5 ngôi làng đã đến sống ở khu tái định cư.
Dương Thiện (Theo Earthright)