Một năm sau sự cố môi trường, biển miền Trung đã an toàn

BVR&MT – Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển, kết quả quan trắc, giám sát cho thấy, môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã an toàn đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và khu vực bãi tắm, thể thao dưới nước.

Sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, đến nay hoạt động đánh hải sản ở các tỉnh miền Trung đã được khôi phục và phát triển mạnh trở lại. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Theo đại diện Tổng cục Môi trường, trong 1 năm sự cố môi trường biển do Công ty THHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học triển khai thực hiện nhiều biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩ​nh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.

​Theo đó, từ tháng 9/2016, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế duy trì thực hiện các chương trình quan trắc, giám sát định kỳ chất lượng môi trường biển tại 19 bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh.

Đến tháng 5/2017, nhằm đánh giá hiện trạng môi trường biển sau 1 năm xảy ra sự cố, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thực hiện chương trình quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường biển tại 4 tỉnh nêu trên. Chương trình được triển khai từ ngày 4 – 9/5/2017 trên các tuyến khảo sát đã thực hiện năm 2016, tập trung vào các khu vực có vùng xoáy cục bộ có khả năng phân tán các chất ở trong nước kém hơn và khả năng tích luỹ độc tố trong trầm tích cao hơn (Sơn Dương, phía đông của Nhật Lệ, Sơn Chà). Các chương trình quan trắc này thực hiện đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật quan trắc biển, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường.

Kết quả quan trắc của Bộ TN&MT cho thấy, hầu hết các thông số quan trắc đo tại 19 bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

Tại một số thời điểm, do ảnh hưởng của mưa lũ, các vị trí quan trắc đều nằm gần khu vực cửa sông nên dòng chảy đã cuốn theo hàm lượng Fe từ khu vực nội địa ra vùng ven biển, khiến hàm lượng Fe trong nước biển tăng cao. Tuy nhiên, thông số tổng Phenol và Fe đều nằm trong giới hạn cho phép và thấp hơn rất nhiều so với kết quả quan trắc năm 2016. Đối với môi trường trầm tích biển, toàn bộ các mẫu trầm tích biển trong chương trình quan trắc đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, tại một số khu vực có hoạt động công nghiệp ven biển, hoạt động cảng biển và giao thông trên biển (vùng biển Vũng Áng – Hà Tĩnh, ven biển của Nhật Lệ – Quảng Bình) có thông số Tổng dầu mỡ khoáng có giá trị vượt quy chuẩn. Kết quả này khá tương đồng với những đánh giá về chất lượng nước biển ven bờ của nước ta trong những năm gần đây.

Như vậy, sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển, kết quả quan trắc, giám sát cho thấy, môi trường biển 4 tỉnh miền trung (bao gồm nước biển và trầm tích biển) đã an toàn đối với vùng nuôi trồng thuỷ sản, bảo tồn thuỷ sinh và khu vực bãi tắm, thể thao dưới nước (đối chiếu với QCVN 10:MT-2015/BTNMT và QCVN 43:2012/BTNMT). Đặc biệt các thông số gây ô nhiễm trong thời gian xảy ra sự cố là tổng Phenol và Fe đều nằm trong giới hạn cho phép và thấp hơn rất nhiều so với kết quả quan trắc năm 2016.