BVR&MT – Ngày nay nếu ai đến thăm huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) sẽ bắt gặp những những đồi chè bạt ngàn, những nông trại bò sữa rộng mênh mông. Cạnh đó là những sắc màu tươi thắm của hoa trái bốn mùa trên cao nguyên, tuy nhiên những năm trước, nơi đây chỉ là những nương ngô nương sắn, xen kẽ là những khoảng ruộng lúa nước cằn cỗi cho thu nhập thấp…
Bước đột phá làm nên những chuyển biến tích cực
Có thể nói chỉ trong một khoảng thời gian không dài, Mộc Châu đã có những biến đổi thần kỳ… Ôn lại chuyện cũ, Phó chủ tịch huyện Mộc Châu Long Trung Tâm cho biết: Trước đây việc phát triển kinh tế của Mộc Châu chỉ dựa vào nông nghiệp, chủ yếu chỉ là độc canh cây lúa, cây ngô. Bởi vậy khi xây dựng phương án phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, huyện đã xác định Mộc Châu là vùng miền núi, bà con dân tộc chủ yếu làm nông nghiệp, nên khâu trọng tâm vẫn phải gắn với nông nghiệp, nông dân. Tuy nhiên phải chọn khâu đột phá là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, lấy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hạt nhân phát triển kinh tế trên địa bàn.
Làm việc với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện đích thân đưa chúng tôi đi thăm những mô hình thành công trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Đó là những đồi chè bạt ngàn trên cao nguyên Mộc Châu. Từ chỗ cây chè chỉ trồng rải rác ở một số xã, giờ đây cây chè trở thành cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, với diện tích trên 1.893 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 24.350 tấn, có 14 doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất chè, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn người, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu… Chúng tôi cũng đến thăm những trang trại bò sữa, là vật nuôi chủ lực trong phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Mộc Châu. Toàn huyện có đàn bò sữa lên tới 21.515 con, với nhiều trung tâm nuôi bò, trong đó Công ty Bò Sữa Mộc Châu là lớn nhất, có dây chuyền sản xuất sữa hiện đại, sản phẩm làm ra được tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới…
Đặc biệt, trong những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Mộc Châu đã chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Năm 2017, đã chuyển đổi được 1.859 ha, với một số cây chủ yếu như 374 ha mận hậu; 286 ha nhãn, 268 ha xoài… trong đó đặc biệt có 300 ha chanh leo; với trên 500 hộ nông dân tham gia trồng, đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang nước ngoài.
Cần có những giải pháp đồng bộ hơn
Để tạo ra giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện đặc biệt chú trọng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, liên kết chế biến và tiêu thụ hàng hóa. Đến nay, toàn huyện có 34 hợp tác xã nông nghiệp và 38 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết hàng ngàn việc làm cho người dân, hiện thu nhập bình quân của huyện đạt gần 18 triệu/người/ năm. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Đồng thời với việc phát triển kinh tế, huyện cũng đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế. Nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện cũng được phục dựng. Môi trường, cảnh quan nông thôn được cải thiện. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao. Diện mạo của huyện ngày càng khởi sắc, Mộc Châu đang dần hình thành một cảnh quan đô thị hiện đại, khang trang và sạch đẹp…
Tuy nhiên, Huyện Mộc Châu cũng có những khó khăn, như việc huy động nguồn lực còn gặp nhiều hạn chế. Vấn đề vệ sinh môi trường còn bất cập. Các hình thức liên kết trong sản xuất chưa chặt chẽ, tiêu thụ sản phẩm còn chậm… Thời gian tới, Mộc Châu cần có những giải pháp khoa học, đồng bộ hơn nữa, đẩy mạnh sản xuất, phát triển du lịch gắn với tái cơ cấu nông nghiệp cùng những giải pháp phù hợp khác, góp phần xây dựng Mộc Châu ngày càng giàu đẹp.