Mê Công cần thiết lập khung đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới đối với các dự án trong lưu vực

BVR&MT – Lưu vực sông Mê Công đang trở thành đại công trường xây dựng với hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đập thủy điện, đường bộ, đường sắt cao tốc và cảng biển. Các dự án này đều có mục tiêu cải thiện khả năng kết nối giữa các quốc gia, tuy nhiên đánh giá tác động môi trường các dự án thường bỏ qua nội dung đánh giá tác động xuyên biên giới, do đó dễ tạo ra xung đột và làm suy giảm mục tiêu cải thiện khả năng kết nối. Đây là lý do vì sao các nước Mê Công cần xây dựng một khung đánh giá chung để đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới đối với các dự án trong lưu vực. Chuyên gia Peter King, Cố vấn chính sách cao cấp cho Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu kiêm người đứng đầu Ban thư ký Mạng lưới thực thi và tuân thủ môi trường châu Á sẽ lý giải chi tiết hơn khuyến nghị này.

Mê Công chảy qua 4.900 km thuộc sáu quốc gia với phần thượng nguồn ở Trung Quốc là sông Lan Thương và vùng hạ nguồn gồm 65 triệu cư dân, phần đông sống nhờ vào nguồn cá trên sông và dòng nước để tưới tiêu nông nghiệp. Tuy nhiên, càng ngày con sông càng được khai thác để tận dụng nguồn thủy điện khổng lồ cũng như vận chuyển hàng hóa, chủ yếu từ Trung Quốc.

Các đập thủy điện ở đây không chỉ làm thay đổi dòng chảy, ngăn chặn sự di chuyển của cá, giảm luồng trầm tích, xóa bỏ các khu vườn ven sông, gia tăng mất mát đa dạng sinh học mà còn gây ô nhiễm nguồn nước và tạo ra xung đột giữa các quốc gia.

Song song với đó, Mê Công cũng ngày càng trở nên ồn ã với các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng vĩ mô (ước tính khoảng 63,5 tỷ USD vào năm 2022) theo Chương trình Kinh tế Tiểu vùng Mê Công. Hàng loạt các dự án nối tiếp nhau ra đời như: đường cao tốc, cầu, cảng và giao thông thủy, đường sắt cao tốc, phát triển du lịch và phát triển đô thị…

Không chỉ vậy, khu vực này còn đã và đang chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, hệ quả là nạn xâm nhập mặn ở đồng bằng và lũ lụt gia tăng, hạn hán dài hơn và sản xuất nông nghiệp suy giảm đáng kể. Biến đổi khí hậu ở nơi đây được dự báo sẽ gây thiệt hại tới 565 triệu USD mỗi năm, đặc biệt là đối với hệ sinh thái vùng hồ Tonle Sap thuộc Campuchia – một trong những vùng thủy sản năng suất nhất trên thế giới.

Chưa hết, tình trạng gia tăng buôn lậu, buôn bán người, buôn bán động vật hoang dã, ma túy, khai thác gỗ lậu, ô nhiễm không khí và ô nhiễm nước xuyên biên giới… cũng tạo ra những vấn đề xã hội phức tạp và rộng lớn hơn.

Trong số các thách thức mà lưu vực đang đối mặt thì thủy điện là mối lo đáng ngại nhất, đăc biệt là các thủy điện do Trung Quốc thiết kế và đầu tư. Hiện Bắc Kinh đã xây dựng ít nhất 6 đập trên sông Lan Thuơng và khoảng 14 đập sẽ tiếp tục được bổ sung trong thập kỷ tới. Đến năm 2030 dự kiến có 11 đập được xây trên dòng chính hạ lưu vực, bất chấp đề xuất của Ủy hội sông Mê Công (MRC) hoãn 10 năm không xây thêm đập trên dòng chính. Những đập này sẽ sản xuất ra 65.000 GWh điện hoặc 6-8% nhu cầu điện dự báo. Ngoài ra, còn 30 con đập khác đang được lên kế hoạch xây dựng tại các dòng nhánh với tổng công suất 44.000 GWh và tổng vốn khoảng 50 tỷ USD.

Hiện có ba con đập trên dòng chính gây nhiều tranh cãi đang được xây dựng là Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng – tất cả đều thuộc lãnh thổ Lào. Gần đây, Lào tiếp tục thông báo cho MRC về kế hoạch xây đập thứ 4 tại Pak Lay. Cả bốn con đập này đều gây tác động môi trường xuyên biên giới, trong đó các khu vực hạ nguồn có nguy cơ cao nhất, bao gồm đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và hồ Tonle Sap ở Campuchia.

Đáng tiếc là các nước Mê Công hiện không có bất kỳ yêu cầu chính thức nào về đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới mặc dù tất cả đều đã và đang áp dụng quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án phát triển tiềm ẩn tác động đáng kể.

ĐBSCL nhìn từ trên không (Ảnh: Gareth Bright)

Điều đáng nói là ĐTM ở các nước hạ lưu vực Mê Công thường có chất lượng kém và năng lực đánh giá, rà soát các báo cáo này từ phía chính phủ cũng còn nhiều hạn chế. Các nước Mê Công hiện đang dần đưa đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) vào các kế hoạch và chương trình (thường không dành cho cấp chính sách) nhưng ĐMC chỉ xem xét các tác động tích lũy trong khi ĐTM sẽ nhìn vào tác động của một dự án cụ thể.

Theo luật quốc tế, tất cả các nước có nghĩa vụ thực hiện ĐTM khi rủi ro từ dự án đề xuất có thể gây tác động bất lợi trong bối cảnh xuyên biên giới, đặc biệt là trên cùng một nguồn tài nguyên được chia sẻ. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) nhận thấy nguyên tắc này cần mở rộng đến quy trình thực hiện ĐTM với các nước láng giềng bị ảnh hưởng.

Năm 1987, một nhóm các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc đã bỏ công xây dựng các báo cáo ĐTM trong bối cảnh xuyên biên giới (TbEIA). Công ước đánh giá tác động môi trường trong bối cảnh xuyên biên giới (Công ước Espoo) được đàm phán từ năm 1988 đến 1990 và có hiệu lực vào ngày 10/9/1997. Hiện có 44 bên tham gia Công ước Espoo, bao gồm các thành viên của Liên minh châu Âu, Liên bang Nga và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không nước Mê Công nào là thành viên Công ước.

Theo Hiệp định Mê Công 1995, các nước thành viên cần phải tham vấn trước cho các hoạt động trên dòng chính. Điều này đã được tăng cường hơn nữa bởi Quy trình thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước (PNPCA) được thông qua vào năm 2003. Mục tiêu là thông báo trước cho các nước thành viên khác về bất kỳ hoạt động phát triển dòng chính nào có khả năng có tác động xuyên biên giới.

MRC cũng đã cố gắng thúc đẩy ý tưởng về một khuôn khổ TbEIA chính thức toàn diện hơn với dự thảo ban đầu được soạn thảo vào năm 2006. Năm 2009, Viện nghiên cứu Luật Môi trường đã đánh giá khuôn khổ đề xuất về ĐTM/ĐMC trong bối cảnh thực tiễn tốt nhất toàn cầu và cung cấp một khung dự thảo sửa đổi. MRC vẫn cam kết thực hiện khung công tác TbEIA nhưng không có tiến triển vì các nước liên quan không thể đạt được sự nhất trí.

Quay trở lại với trường hợp ĐTM dự án đập Pak Beng, cả Nghị định ĐTM và Chính sách về thủy điện bền vững 2015 của Lào đều công nhận nhu cầu đánh giá tác động xuyên biên giới và tích lũy. Báo cáo cuối cùng về các vấn đề này (tháng 5/2015) đã được một nhà tư vấn chuẩn bị cho Công ty điện lực Datang của Trung Quốc – đơn vị phát triển dự án, tuy nhiên, một đánh giá độc lập của Mạng lưới sông quốc tế (IR) phát hiện “Báo cáo TbEIA 2015 không đánh giá chính xác các tác động môi trường và xã hội tiềm tàng từ dự án Pak Beng tới các nước và cộng đồng ở hạ lưu” và đề xuất một ĐTM mới nên được thực hiện.

Bài học từ Pak Beng cho thấy ngay cả khi tác động xuyên biên giới được xem xét thì mức đánh giá cũng không đầy đủ và điều này càng khẳng định nhu cầu về một Nghị định TbEIA chính thức hơn hoặc sửa đổi tương đương với Nghị định của MRC là vô cùng cần thiết.

Lưu ý thêm là vấn đề này có thể được nâng lên ở cấp độ khu vực vì tất cả các nước hạ lưu Mê Công đều là thành viên ASEAN. Tuy nhiên, cần gấp rút triển khai vì những cân nhắc khác có thể đồng nghĩa với việc tất cả các đập trên dòng chính sẽ được hoàn thành trước khi một nghị định được thông qua. Dù sao, khi mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới thì một thỏa thuận TbEIA chính thức vẫn đáng để theo đuổi.

Nhật Anh (Theo The Thirdpole)

Tags: ,
CHIA SẺ