Mất rừng ở cao nguyên Đông Nam Á tác động tiêu cực tới khí hậu

Các nhà nghiên cứu sử dụng hình ảnh vệ tinh đã phát hiện thấy nạn phá rừng ở vùng cao nguyên Đông Nam Á – một hệ sinh thái quan trọng trên thế giới – xảy ra với mức độ lớn hơn nhiều so với năm 2000. Những phát hiện này gióng lên hồi chuông báo động cho môi trường ở Đông Nam Á trong tương lai, đồng thời dấy lên lo ngại về các giả định quan trọng được đưa ra trong các dự báo về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Zhenzhong Zeng, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Princeton và là tác giả chính của bài báo “Mở rộng đất trồng trọt và mất rừng ở Đông Nam Á trong thế kỷ XXI” đăng tải ngày 2 tháng 7 trên tạp chí Nature Geoscience, cho biết nhóm nghiên cứu đã sử dụng phức hợp dữ liệu và thuật toán để đi đến kết luận trên. Đông Nam Á đã mất 29,3 triệu ha rừng (tương đương khoảng hai lần diện tích bang New York) trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2014. Zeng nhấn mạnh hầu hết rừng bị chặt phá để phát triển cây trồng, và diện tích rừng bị phá này hơn 57 phần trăm so với ước tính nạn phá rừng hiện tại của Uỷ ban Quốc tế về biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa: ScienceDaily

Rừng hấp thụ carbon trong khí quyển, đốt rừng sẽ phát sinh thêm carbon vào khí quyển, vì thế mất rừng có thể gây ra tác động khủng khiếp. Một ước tính chính xác về độ che phủ rừng sẽ đóng vai trò rất quan trọng cho việc đánh giá biến đổi khí hậu. Zeng cũng cho biết việc chuyển đổi các khu vực miền núi từ rừng vốn có sang đất trồng trọt có thể gây ra tác động môi trường lan rộng: từ việc giữ đất đến chất lượng nước trong khu vực.

Theo Eric Wood, giáo sư môn công nghệ môi trường – dân dụng và cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu, thì điều rắc rối mà kết quả nghiên cứu cho thấy là nông dân đang tạo ra các biên giới nông nghiệp mới tại vùng rừng cao nguyên của lục địa Đông Nam Á.

“Những khu rừng này là một nguồn quan trọng để cô lập carbon, cũng như là nguồn nước quan trọng cho các vùng đất thấp lân cận”, ông nói.

Nhật Anh/ScienceDaily

CHIA SẺ