Luật sư và bạn đọc: Thu hồi “sổ đỏ” đã cấp và hậu quả pháp lý

BVR&MT – Thông tin từ một số báo điện tử: Theo đơn tố cáo từ người dân thì ngôi nhà 2 tầng của ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Chu Phan nằm tại thôn Nại Châu, xã Chu Phan, huyện Mê Linh (Hà Nội) có nguồn gốc đất nông nghiệp. Mảnh đất này có diện tích 306 m2 bị tố cáo là “được HTX cấp chui” từ năm 1996 nhưng ngày 15/12/2003 đã được cấp Giấy CNQSD đất.

Ngày 12/4/2016, UBND huyện Mê Linh ra văn bản số 131/KL-UBND do ông Trần Thanh Hoài, Phó Chủ tịch ký, kết luận nội dung tố cáo. Theo kết luận này: Nguồn gốc thửa đất của hộ ông Nguyễn Văn Tịch (bố ông Nguyễn Văn Hải) khu cầu Bê Tông là do HTX Nại Châu giao trái thẩm quyền năm 1996. Thửa đất số 466, tờ bản đồ số 05 diện tích 240 m2,  trong bản đồ địa chính đo đạc năm 1986 xã Chu Phan là được kẻ vẽ thêm mà hộ ông Hải được cấp Giấy CNQSD đất số X481657, số vào sổ 02477QSDĐ/2162/QĐ-UB ngày 15/12/2003. Việc kẻ vẽ thêm thửa đất 466 tờ bản đồ số 5 bản đồ 299 đo đạc năm 1986 để làm cơ sở năm 2003 cấp Giấy CNQSD đất cho hộ ông Nguyễn Văn Hải là không đúng quy định… Ngày 30/8/2003, ông Nguyễn Văn Hải làm đơn xin đăng ký quyền sử dụng thửa đất khu cầu Bê Tông với nguồn gốc sử dụng đất là cấp năm 1978 là sai về nguồn gốc..”.

Căn cứ Kết luận số 131/KL-UBND, ngày 15/4/2016, UBND huyện Mê Linh ban hành Thông báo số 153/TB-UBND về việc thu hồi để hủy bỏ GCN cấp năm 2003 cho gia đình ông Hải. Tuy nhiên, người tố cáo vẫn thắc mắc: “sổ đỏ” đã bị thu hồi, bị hủy, sao ngôi nhà xây 2 tầng của gia đình ông Hải đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại?

Xung quanh tình huống trên, bạn đọc đặt ra một số câu hỏi, đề nghị Công ty Luật TGS Lawfirm giải đáp:

Ngôi nhà 2 tầng của ông Nguyễn Văn Hải xây dựng năm 2008, sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (2003).

Câu hỏi 1: UBND huyện Mê Linh thu hồi Giấy CNQSD đất đã cấp cho gia đình ông Nguyễn Văn Hải có đúng quy định của pháp luật không?

Ý kiến của Luật gia Hãng Luật TGS LawFirm trả lời: Theo UBND huyện Mê Linh: “Việc xét duyệt hộ ông Nguyễn Văn Hải có nguồn gốc là năm 1978 được giao là sai. Do vậy việc cấp Giấy CNQSD đất là sai…” (Kết luận số 131/KL-UBND)

Tại khoản 2 Điều 106, Luật Đất đai 2013 quy định thu hồi Giấy CNQSD đất trong trường hợp cấp “không đúng nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai” (lưu ý cụm từ: “theo quy định của pháp luật đất đai”). Ở đây, cần hiểu cụm từ “theo quy định của pháp luật đất đai” có nghĩa là việc có thu hồi hay không thu hồi GCN đã cấp cho hộ ông Hải phải căn cứ vào quy định của pháp luật đất đai thời kỳ 1993-2003, chứ không phải căn cứ vào quy định của Luật Đất đai mới (2013)… mãi 20 năm sau mới ra đời! Pháp luật đất đai thời kỳ 1993-2003 không quy định trường hợp “cấp Giấy CNQSD đất không đúng nguồn gốc sử dụng đất” dẫn đến hậu quả pháp lý là người sử dụng đất bị thu hồi Giấy CNQSD đất, thì không có cơ sở để thu hồi GCN đã cấp cho gia đình này vào thời điểm Luật Đất đai 1993 đang còn hiệu lực.

Căn cứ khoản 4 điều 156, Luật Ban hành văn bản  quy phạm (LBHVBQPPL) 2015, thì chỉ áp dụng văn bản quy phạm pháp luật mới (Luật Đất đai 2013) trong trường hợp văn bản mới “không quy định trách nhiệm pháp lý” đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản mới có hiệu lực. Nhưng, văn bản quy phạm pháp luật mới (Luật Đất đai 2013) lại “có quy định trách nhiệm pháp lý“: thu hồi Giấy CNQSD đất đã cấp khi phát hiện cấp không đúng nguồn gốc sử dụng đất. Trong khi đó, VBQPPL cũ (Luật Đất đai 1993) “không quy định trách nhiệm pháp lý” đối với trường hợp này. Vì vậy, huyện Mê Linh áp dụng VBQPPL mới (Luật Đất đai 2013) có quy định trách nhiệm pháp lý để thu hồi GCN của gia đình ông Hải (hiệu lực hồi tố bất lợi cho đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật), là trái với nguyên tắc mang tính nhân văn quy định tại LBHVBQPPL.

Ngoài ra, pháp luật đất đai thời kỳ 1993-2003 cũng không quy định thu hồi GCN đã cấp khi phát hiện những hành vi khác, như: vi phạm của cán bộ địa chính “kẻ vẽ lại bản đồ”; hay những sai sót của ông Hải, của Hội đồng đăng ký đất đai và UBND xã Chu Phan quá trình xem xét, cấp Giấy CNQSD đất.

Câu hỏi 2: Tại sao thu hồi Giấy CNQSD đất mà không cưỡng chế “đập” ngôi nhà 2 tầng của ông Nguyễn Văn Hải?

Ý kiến của Luật gia Hãng Luật TGS LawFirm trả lời: Không có quy định nào cho phép “đương nhiên” cưỡng chế phá dỡ nhà ở của người dân khi Giấy CNQSD đất của họ bị thu hồi. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013, thì  việc thu hồi GCN xảy ra cả trong trường hợp để “cấp đổi GCN đã cấp”.

Do đất đang sử dụng có nguồn gốc là đất nông nghiệp nhưng năm 2003 gia đình ông Nguyễn Văn Hải đã được cấp GCNQSD đất ở nông thôn (năm 2008 xây dựng nhà ở khi đã có “sổ đỏ”) nên việc xây dựng nhà của gia đình này là hợp pháp.

Thu hồi Giấy CNQSD đất là một việc hệ trọng, nếu làm không đúng có thể gây tổn thất lớn về vật chất và tinh thần đối với người sử dụng đất. Vì vậy các cơ quan có thẩm quyền quyết định việc này cần phải vô cùng thận trọng để tránh khiếu kiện.

Được biết, không chỉ hộ ông Nguyễn Văn Hải bị thu hồi Giấy CNQSD đất có những dấu hiệu trái pháp luật cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc, ở huyện Mê Linh còn xảy ra rất nhiều trường hợp khác tương tự. Huyện ủy, UBND huyện Mê Linh sẽ giải quyết tình trạng này như thế nào? Các cơ quan có thẩm quyền TP Hà Nội và Trung ương đã biết việc này chưa?

Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn

Chuyên viên cao cấp Công ty Luật TGS Lawfirm

Địa chỉ: Số 9 Ngách 6A – Ngõ 6 – Phạm Văn Đồng, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Số di động: 0918 368 772

Email: contact@newvisionlaw.com.vn