Luật sư và bạn đọc: Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ

BVR&MT – Độc giả hỏi: Bạn tôi được cho thuê một diện tích rừng phòng hộ gần nhà để trồng rừng, tuy nhiên anh này thỉnh thoảng lại chặt cây đem về dùng hoặc đem đi bán. Khi tôi nhắc thì anh ta nói đất đã được anh ấy thuê nên anh ấy có quyền sử dụng gỗ trong diện tích rừng được giao. Cho tôi hỏi có đúng luật quy định như vậy không?

Luật sư Công ty Luật TGS xin trả lời:

Theo quy định của nhà nước về quyền của hộ gia đình, cá nhân được nhà nước cho thuê đất trồng rừng như sau:

Điều 72. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng

….

  1. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
  2. a) Có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 59 và Điều 60 của Luật này;
  3. b) Được sở hữu cây trồng, vật nuôi và tài sản trên đất trồng rừng;
  4. c) Được khai thác lâm sản theo quy định tại Điều 47 và Điều 57 của Luật này;
  5. d) Được chuyển nhượng, tặng cho rừng sản xuất là rừng trồng; thế chấp, bảo lãnh bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng tại tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam; cá nhân được để thừa kế theo quy định của pháp luật;

đ) Góp vốn bằng giá trị rừng sản xuất là rừng trồng với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.”

Đối với hành vi khai thác lâm sản mà bạn nhắc đến ở đây, Luật quy định cụ thể như sau;

“Điều 47. Khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ

  1. Trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên được phép khai thác cây đã chết, cây sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định theo quy chế quản lý rừng, trừ các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cấm khai thác theo quy định của Chính phủ về Chế độ quản lý, bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

  1. Việc khai thác rừng phòng hộ là rừng trồng được quy định như sau:
  2. a) Được phép khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa khi rừng trồng có mật độ lớn hơn mật độ quy định theo quy chế quản lý rừng;
  3. b) Được phép khai thác cây trồng chính khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, theo đám rừng;
  4. c) Sau khi khai thác, chủ rừng phải thực hiện việc tái sinh hoặc trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp và tiếp tục quản lý, bảo vệ.”

Như vậy, với vai trò là cá nhân, hộ gia đình được nhà nước cho thuê rừng phòng hộ để trồng rừng, người bạn của bạn hoàn toàn có quyền khai thác lâm sản trong diện tích rừng được giao theo đúng quy định tại Điều 47 nói trên. Nếu việc khai thác của anh ấy vượt quá sản lượng cho phép hoặc thuộc vào thực vật quý hiếm, bị cấm khai thác thì hành vi trên thuộc vào trường hợp bị cấm của Pháp luật.

Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn

Giám Đốc – Hãng Luật TGS LawFirm

Địa chỉ: Số 9 Ngách 6A – Ngõ 6 – Phạm Văn Đồng, Q.Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Số di động: 0918 368 772

Email: contact@newvisionlaw.com.vn