Logistics Việt Nam tự tin tiến vào kỷ nguyên mới

BVR&MT – Hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về logistics, Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Kho bãi chứa container tại Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Đặc biệt, sự đồng hành của Đảng, Nhà nước và quyết tâm của doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đưa ngành logistics Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 – 16%, với quy mô khoảng 40 – 42 tỷ USD/năm và là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất. Đáng lưu ý, Việt Nam hiện tại đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN.

Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Kim ngạch nhập khẩu đến năm 2030 dự kiến đạt 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm. Điều này khẳng định vai trò quan trọng đa chiều với sự tác động trực tiếp và gián tiếp của ngành dịch vụ logistics vào kim ngạch xuất nhập khẩu.

Khẳng định logistics mở đường cho thương mại, sản xuất, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi có thể tạo đà cho sự phát triển của lĩnh vực logistics; trong đó, ngành dịch vụ logistics Việt Nam sẽ là nhân tố chiến lược để có thể đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế nói chung, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Hơn nữa, sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ là động lực cho sự phát triển ngành dịch vụ logistic bởi dù giao dịch được thực hiện trên môi trường Internet nhưng dịch vụ logistics lại là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng và giao dịch.

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng – Trưởng ban Logistics cho thương mại điện tử – Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tự xây dựng và tự phát triển công nghệ thông tin để thích ứng và kết nối với doanh nghiệp nước ngoài. Điều này giúp doanh nghiệp thích ứng, chia sẻ dữ liệu nhanh hơn giữa các công ty cung cấp nền tảng cũng như doanh nghiệp logistics với nhau.

Ông Nguyễn Đắc Thắng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoà Phát Logistics chia sẻ: Hoà Phát Logistics đã chính thức công bố vận hành hệ thống các phần mềm quản lý vận tải. Đây cũng là một trong những chiến lược quan trọng nhằm thực hiện kế hoạch phát triển giai đoạn 2024-2026, hướng tới mục tiêu dài hạn đến năm 2030 của Hòa Phát Logistics, đồng thời thúc đẩy mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững.

Mới đây, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc – Việt Nam SuperPortTM và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển nền tảng tùy chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Á. Sáng kiến này giúp các SME tiếp cận giải pháp logistics toàn diện; trong đó, Việt Nam SuperPort đóng vai trò là trung tâm phân phối đa phương thức được hỗ trợ bởi nền tảng thương mại điện tử. Giai đoạn đầu của dự án sẽ được triển khai thí điểm cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xuất khẩu hàng hóa sang Singapore, sau đó sẽ nhân rộng sang các tỉnh, thành phố khác trên toàn quốc và tiến tới các thị trường khác của châu Á.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, với hạ tầng bưu chính và logistics phủ khắp trong nước và quốc tế của Vietnam Post kết hợp với giải pháp công nghệ mà Việt Nam SuperPort cung cấp dịch vụ toàn diện giúp các doanh nghiệp tiến ra thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, Việt Nam SuperPortTM, Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải (UTT) và Học viện Chuỗi cung ứng và Logistics Singapore (SCALA) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thành lập Phòng thí nghiệm logistics tiên tiến và triển khai các sáng kiến góp phần củng cố vị thế của Việt Nam là một trung tâm logistics quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu”của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện hiệu quả giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics, từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, những biến đổi về địa chính trị và các xu hướng kinh doanh mới cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng, thế mạnh về phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam hội đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển khu thương mại tự do quy mô lớn và hiện đại. Bộ Công Thương, với vai trò đầu mối quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Bởi vậy, Dự thảo Chiến lược đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt; trong đó, có giải pháp về xây dựng Khu thương mại tự do nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về logistics, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là những nội dung quan trọng, thiết thực với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics Việt Nam và nền kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.