“Làn sóng đô thị hóa” gây sức ép lớn đến môi trường

BVR&MT – Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các đô thị nước ta vẫn đang tiếp tục gia tăng cả về số lượng và quy mô, song chất lượng môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo thống kê, đến tháng 12/2016, cả nước có 795 đô thị, với tỷ lệ đô thị hoá đạt 35,2%. Trong đó có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và 626 đô thị loại V.

Hiện nay, đô thị nước ta có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng và chênh lệch nhiều giữa các khu vực khác nhau về đặc điểm địa lý. Vấn đề di cư từ nông thôn ra thành thị đang là sức ép lớn gây ra tình trạng quá tải trong sử dụng hạ tầng.

Báo cáo môi trường quốc gia năm 2016 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cũng cho thấy, phần lớn các đô thị đều thiếu hệ thống thu gom và các trạm xử lý nước thải tập trung; tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp.

Ngoài ra, đô thị thị Việt Nam cũng đang nổi lên một số vấn đề môi trường nổi cộm như: Ô nhiễm bụi tại các khu vực đô thị vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao; ô nhiễm môi trường nước tại các sông hồ, kênh rạch nội thành, nội thị vẫn diễn biến phức tạp; vấn đề úng ngập tại các đô thị có xu hướng mở rộng và gia tăng.

Sự suy giảm mực nước dưới đất tại các đô thị đang trở nên phổ biến; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được xử lý đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn thấp. Trong khi, vấn đề quy hoạch phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.