Lai Châu: Hiệu quả trong công tác phối hợp bảo vệ rừng

BVR&MT – Vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của nước ta. Từ năm 2014 đến nay, các địa phương thuộc khu vực giáp ranh giữa các huyện Sa Pa (Lào Cai) với huyện Tân Uyên, Tam Đường (Lai Châu) đã thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và quản lý lâm sản thuộc khu vực vùng lõi, vùng đệm Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Tân Uyên tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tới Nhân dân xã Trung Đồng.

Khu vực giáp ranh của Vườn quốc gia Hoàng Liên giữa 2 tỉnh: Lào Cai, Lai Châu có chiều dài khoảng 15km chạy dọc theo sườn Tây của dãy núi Hoàng Liên Sơn với độ dốc lớn, địa hình hiểm trở và chia cắt phức tạp. Đây cũng là khu vực sinh sống của đồng bào các dân tộc có đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ hạn chế, tình trạng khai thác lâm sản trái phép còn xảy ra. Bên cạnh đó, tại tỉnh ta, đối với diện tích rừng đặc dụng thuộc vùng lõi, vùng đệm của Vườn quốc gia Hoàng Liên lại chỉ thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng mà không hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Số lượng các chốt gác hạn chế; phương tiện phục vụ công tác chưa đầy đủ… ảnh hưởng đến kết quả công tác bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát lân sản và người ra vào rừng khu vực giáp ranh.

Chính vì vậy, các địa phương tích cực tham mưu cho UBND cấp huyện, Vườn quốc gia kiện toàn 3 Ban Chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng huyện Sa Pa, Tam Đường, Tân Uyên và Ban Chỉ đạo của Vườn quốc gia. Xây dựng phương án PCCCR; tham mưu cho UBND huyện và Ban Chỉ đạo ban hành nhiều công điện, văn bản, kế hoạch… chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCCR rừng. Tham mưu cho UBND huyện Sa Pa thành lập 2 chốt gác mới; điều tra, đánh giá hiện trạng trồng cây thảo quả, thành lập tổ liên ngành kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh; thành lập tổ công tác rà soát quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Tham mưu cho UBND huyện, các xã, thị trấn xây dựng quỹ dự phòng trong công tác PCCCR mùa khô hanh 2016 – 2017 để làm công tác hậu cần khi có cháy rừng xảy ra và chi trả kịp thời tiền công chữa cháy. Kiểm lâm địa bàn, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện tham mưu cho UBND các xã, thị trấn kiện toàn 18 Ban Chỉ đạo, ban hành phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR; củng cố 71 tổ xung kích bảo vệ rừng ở các thôn, bản với 2.161 thành viên.

Ông Phạm Ngọc Đoàn – Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên, Lai Châu cho biết: Thực hiện quy chế phối hợp, Ban đã cùng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Hoàng Liên, Hạt Kiểm lâm huyện Sa Pa, Tân Uyên thống nhất nội dung tuyên truyền, đối tượng tuyên truyền đối với công tác bảo vệ rừng thuộc vùng lõi, vùng đệm Vườn quốc gia Hoàng Liên thuộc địa phận huyện Tân Uyên, trong đó đơn vị tập trung tuyên truyền tại các xã, thị trấn giáp ranh như: Phúc Khoa, Trung Đồng, Hố Mít và thị trấn Tân Uyên. Xây dựng phương án PCCCR mùa khô; phối hợp với UBND các xã, thị trấn làm mới, sửa chữa đường băng trắng cản lửa. Kiện toàn đội xung kích PCCCR của đơn vị, phân công 2 tổ xung kích thường trực PCCCR trực tiếp phụ trách các xã, thị trấn, theo dõi, báo cáo kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Xây dựng mới 4 chốt gác cửa rừng, nâng số chốt gác kiên cố, hoạt động có hiệu quả trên địa bàn toàn huyện lên 10 chốt.

Một trong những giải pháp bảo vệ rừng được các đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện đó là tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục. Thông qua phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương, địa phương xây dựng các tin, bài, phóng sự về quản lý, bảo vệ, PCCCR, cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Cán bộ Ban Quản lý, cán bộ kiểm lâm địa bàn ở các khu vực giáp ranh phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ, phát triển rừng với nhiều nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, thu hút nhiều người dân tham gia.

Theo anh Nguyễn Tiến Tài – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đường, Lai Châu ngoài chủ động trong công tác tham mưu, tuyên truyền, các đơn vị còn tăng cường công tác trao đổi thông tin tình hình bảo vệ, PCCCR, tuần tra kiểm soát lâm sản khu vực giáp ranh, khu vực đèo Ô Quý Hồ, thị trấn Sa Pa, giáp xã Sơn Bình, Bản Bo, huyện Tam Đường, 4 xã vùng lõi của Vườn quốc gia. Phối hợp giải quyết nghiêm các vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn cũng như vùng giáp ranh. Nhờ thông tin được trao đổi thường xuyên đã giúp các đơn vị kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tình hình khai thác gỗ pơ mu, thông tre, vân sam, các loài thực vật đặc hữu trong Vườn quốc gia, vận chuyển lâm, thổ sản trái pháp luật. Qua tuần tra bảo vệ rừng khu vực đỉnh đèo giáp ranh giữa huyện Sa Pa với huyện Tam Đường đã ngăn chặn 44 lượt người khai thác củi và cây máu chó; phát hiện 5 vụ khai thác củi, bàn giao hồ sơ và tang vật cho Trạm Kiểm lâm Núi Xẻ của Vườn quốc gia Hoàng Liên xử lý thao thẩm quyền; xử phạt hành chính 6 vụ/6 đối tượng, tịch thu 15 dao, 2 búa chặt.

Tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp, thời gian tới, các đơn vị tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, tuyên truyền, quản lý chặt chẽ lâm sản. Đặc biệt, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức, nội dung tuyên truyền, ngắn gọn, dễ hiểu giúp Nhân dân sinh sống khu vực rừng giáp ranh nâng cao nhận thức về vai trò của rừng, từ đó chung tay, góp sức cùng với cơ quan chức năng, địa phương nhân lên màu xanh cho rừng.

Trong năm 2016, các địa bàn đã tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại 211 lượt thôn, bản với 11.745 lượt người tham gia; tổ chức ký cam kết bảo vệ, PCCCR 65 hộ và 4 trường học với 73 lớp/1.575 học sinh tham gia; tổ chức 3 hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho thành viên Ban Chỉ đạo cấp xã, thành viên bảo vệ rừng ở các thôn, bản với 200 người tham gia; tổ chức 1 hội nghị tập huấn quy chế quản lý cơ sở chế biến lâm sản cho 20 cơ sở. Phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 138 vụ vi phạm lâm luật; thu giữ 18,159m3 gỗ các loại; 40,8kg động vật và sản phẩm động vật hoang dã, 2 xe ôtô, 10kg phong lan, 16 xe máy, 6 cưa xăng.