BVR&MT – Xã Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) có 26.064ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 63,1%. Đây là lợi thế cho việc trồng một số loại cây dược liệu (thảo quả, tam thất…) dưới tán rừng để nâng cao thu nhập cho người dân. Từ việc trồng thảo quả, nhiều hộ dân xã Hua Bum đã có thu nhập ổn định.
Theo giới thiệu của cán bộ UBND xã Hua Bum, chúng tôi về Chang Chảo Pá – bản trồng nhiều thảo quả nhất xã, với trên 50ha. Càng vào sâu trong rừng, chúng tôi thấy ở những khu đất ẩm, lạnh, dưới tán rừng, thảo quả quả to và sai hơn. Những cây đã cho thu hoạch cao gần 2m, tán rộng. Dưới gốc, thảo quả mọc thành chùm, đỏ mọng. Thảo quả là loại cây dễ trồng, sinh trưởng ở độ ẩm cao, sau 5 năm trồng sẽ cho thu hoạch. Việc chăm sóc khá đơn giản, ít chi phí, mỗi năm chỉ cần phát cỏ xung quanh gốc 1 – 2 lần, thời gian thu hoạch vào tháng 10 – 11. Ngoài tăng thêm thu nhập, trồng thảo quả còn góp phần chống cháy rừng trong mùa khô, bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất, sử dụng đất lâm nghiệp bền vững.
Ông Phùng Chừ Giá – Trưởng bản Chang Chảo Pá cho biết: Bản được giao quản lý bảo vệ 2.591ha rừng. Thay vì lớp thực bì để không dưới tán rừng, mùa khô mỗi năm phải phát dọn đề phòng cháy rừng thì từ những năm 2000, bà con bắt tay trồng cây thảo quả. Bảo vệ thảo quả cũng chính là bảo vệ diện tích rừng nên bà con có ý thức giữ rừng hơn, các thành viên trong tổ phòng cháy chữa cháy của bản thường xuyên, kiểm tra nhắc nhở người dân bảo vệ và chăm sóc rừng. Vì vậy, nhiều năm qua bản không để xảy ra cháy rừng.
Dẫn chúng tôi đi xem những cây thảo quả trồng dưới tán rừng từ nhiều năm nay, ông Phùng Xò Hừ, bản Chang Chảo Pá cho biết: Năm 1996, tôi lập gia đình ra ở riêng, được bố mẹ chia cho một ít đất nương để trồng lúa, ngô, sắn, hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, nhưng không mấy dư giả. Năm 2000, nhận thấy cây thảo quả ưa bóng mát, thích nghi với độ ẩm cao, dễ trồng, chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, bản có khí hậu, đất đai rất phù hợp với cây thảo quả nên tôi mua 50 gốc cây giống và 2kg quả về ươm trồng thử nghiệm. Thấy cây thảo quả phát triển tốt, năm 2005, tôi tiếp tục trồng thêm 200 gốc nữa. Bây giờ, gia đình tôi đã có 3ha cây thảo quả cho thu hoạch. Vụ năm 2020, gia đình thu được hơn 2 tạ quả khô với giá bán dao động từ 110 – 130 nghìn đồng/kg, các thương lái ở xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ) ra mua, thu về hơn 20 triệu đồng.
Nhờ trồng cây thảo quả mà gia đình ông Hừ cũng như hộ các ông: Phùng Hừ Giá, Phùng Ché Lòng ở bản Chang Chảo Pá; Lò A Lơi, Lò A Lải ở bản Pa Cheo… mỗi năm thu về 10 – 25 triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống.
Theo kinh nghiệm chăm sóc lâu năm, ông Phùng Xò Hừ chia sẻ thêm: “Để cây thảo quả sinh trưởng và phát triển tốt, sau mỗi vụ thu hoạch phải phát cỏ, dọn sạch xung quanh gốc, chặt bỏ những gốc cây già, trồng thay thế những cây bị chết như vậy diện tích thảo quả mới không bị giảm”.
Ông Pờ Ha Lòng – Phó Chủ tịch UBND xã Hua Bum cho biết: Hiện, xã có 78ha cây thảo quả, tập trung ở các bản: Chang Chảo Pá, Pa Cheo, Pa Mu. Những bản này có điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và diện tích rừng bao phủ lớn, phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây thảo quả. Vụ năm nay, toàn xã ước sản lượng đạt hơn 150 tạ quả khô, với giá bán bình quân từ 110 – 130 nghìn đồng/kg, mang nguồn thu khoảng 1,5 tỷ đồng cho bà con. Từ số tiền đó, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, xây dựng nhà khang trang, đầu tư chăn nuôi, trang bị máy móc phục vụ sản xuất của gia đình…
Tuy nhiên, những năm gần đây giá thảo quả thấp, không ổn định. Nguyên nhân là mua, bán thảo quả phụ thuộc vào tư thương và chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc nên đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng thảo quả. Nếu như những năm trước giá bán 300 nghìn đồng/kg thảo quả khô thì vài năm trở lại đây giá thu mua đang ở mức hơn 100 nghìn đồng/kg. Trước thực trạng đó, mong muốn chung của các hộ trồng thảo quả là chính quyền địa phương có cơ chế chính sách bao tiêu đầu ra cho sản phẩm thảo quả để bà con yên tâm gắn bó với loại cây dược liệu này.
Khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, chính quyền địa phương xã Hua Bum tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; kêu gọi và tạo thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp vào tìm hiểu, đầu tư chế biến thảo quả, từng bước hỗ trợ đầu ra cho người trồng thảo quả trên địa bàn xã nhằm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con.