(Kỳ 2): “Múc tung rừng cây”, đồi núi lấy quặng?

Phú Thọ: Núp bóng san gạt đất đồi để khai thác quặng trái phép?

BVR&MT – Từ đầu năm đến nay, hàng chục rừng cây sơn, cây keo của các xã Tân Phương, Đào Xá, Sơn Thủy (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) đã bị một số người dân địa phương mua bán, trao đổi, rồi với danh nghĩa san gạt mặt bằng, hạ cốt nền để thuận tiện cho việc trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm… nhằm khai thác quặng cao lanh và đất đồi đem bán. Phải chăng nguồn tài nguyên của quốc gia đang bị “đánh cắp” một cách công khai?

Xem thêm:

(Kỳ 1): Hạ cấp taluy hay san gạt, múc quặng trái phép?

Một quả đồi ở xã Tân Phương bị múc nham nhở, không thấy bóng dáng cây lâm nghiệp nào.

Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin về tình trạng núp bóng san gạt, hạ cốt nền ở các xã Tân Phương, Đào Xá, Sơn Thủy. Một lần trong vai những người đi mua đồi để tìm vận may khai thác quặng, chúng tôi gặp một số người “có kinh nghiệm trong nghề” chỉ cho chi tiết “Việc mua đất như thế nào, thủ tục, xin phép ra làm sao, san gạt và giật cấp bao nhiêu tầng, bao nhiêu mét, đất đổ đi đâu, lấy quặng và cách vận chuyển quặng bằng thủ thuật gì để qua mặt lực lượng chức năng?…”.

Theo đó, để không mua phải “đồi cây thật” và thuận tiện khai thác, nên tìm những khu đất đồi gần đường quốc lộ, hoặc giao thông thuận tiện đi lại, hơi khuất một chút để khi khai thác không bị phát hiện, nếu bị phát hiện chỉ cần được báo trước thì gần đường quốc lộ xe tải, máy xúc sẽ nhanh chóng di chuyển đi nơi khác trước khi lực lượng chức năng đến.

Thêm nữa là khi mua đất xong phải làm thủ tục xin phép san gạt, hạ cốt nền, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc trồng cây dược liệu, cây lâm nghiệp… Sau đó đốn cây, hạ cốt nền mà thấy quặng thì múc lên, cho xe tải vào xúc lên gần đầy thùng rồi “ngụy trang” một lớp đất bên trên để che khuất phần quặng, xung quanh khu san gạt nên lấp ít đất đỏ xung quanh, để khi bị kiểm tra mới có cơ sở giải thích là đất san gạt xuống đó…

Đồi núi bị xẻ ngang dọc sau san gạt mặt bằng, hạ cốt nền.

Khi phóng viên “lạc” vào Khu 6, Khu 7 (xã Tân Phương) thì tại hai khu này đang có gần chục quả đồi bị múc tung, chỉ còn trơ lại sỏi đá, đất đỏ. Có những điểm bị múc sâu hàng chục mét, hoặc những quả đồi bị xẻ dọc, cắt ngang để làm đường vận chuyển. Người dân địa phương cho biết: “Ở xã này, nhiều nơi dưới lớp đất mỏng là quặng cao lanh, một loại “vàng trắng” được đào lên bán với giá khoảng 300.000đ/tấn, trong quá trình san gạt, hạ cốt nền rất nhiều quặng đã bị những người nơi khác chuyển đi nơi khác”.

Ông Trần Dần, Chủ tịch UBND xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy.

Chiều 9/5/2018, nhóm phóng viên có buổi làm việc với ông Trần Dần, Chủ tịch UBND xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy – ông cho biết: “Thời gian qua xã Tân Phương có 05 công ty được cấp phép khai thác khoáng sản, trong đó một công ty được cấp phép khai thác từ năm 1988, giấy phép không thời hạn, 02 công ty giấy phép đang còn hiệu lực, 02 công ty đã hết hạn giấy phép khai thác là Công ty TNHH YFA và Công ty CPKS Sông Đà”.

Nói về tình trạng khai thác quặng cao lanh trái phép, ông Dần khẳng định: “Không có! Năm 2017 hạn chế cấp phép, năm 2018 chắc chắn không có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép”. Tuy nhiên khi nhóm phóng viên đưa ra một số thông tin có hiện tượng khai thác trái phép trong thời gian qua ông Dần nói: “Những trường hợp khai thác không phép xã đã đình chỉ”.

Ông Dần cho biết thêm: “Ở trên địa bàn có doanh nghiệp T.H và một số hộ dân tiến hành san gạt đất đồi. Xã cũng đã yêu cầu các đơn vị và cá nhân hạ cốt nền. Ngoài ra còn yêu cầu khi phát hiện quặng phải báo cáo nhưng chưa thấy đơn vị nào báo cáo”.

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: Trong năm 2017 và đầu năm 2018 đến nay có bao nhiêu tổ chức, cá nhân xin hạ cốt nền được xã đồng ý, có phải mục đích san nền, hạ cốt là để khai thác quặng? Với nội dung câu hỏi này vị Chủ tịch UBND xã cho biết “chưa nắm được con số chính xác, và xã chỉ thực hiện quản lý theo quy định của Nhà nước, của tỉnh và đã có lần chỉ đạo, kiểm tra, rà soát”.

Nhiều quả đồi bị đào xới.

Khi được hỏi doanh nghiệp mua đất của dân hoặc người dân mua bán đất đồi nhằm mục đích gì thì ông Dần cho hay: “Chỗ T. H là mua đất của dân để trồng cây lâm nghiệp”. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi nơi doanh nghiệp này mua đất của dân cả một quả đồi rộng vài nghìn mét vuông đã bị đào xới nham nhở, có những nơi đào sâu xuống hàng chục mét, và không có bóng dáng cây lâm nghiệp nào trồng trên đó, hiện trường chỉ là bãi đất đỏ như sa mạc…

Sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi được biết, một lượng lớn đất và quặng cao lanh đã được một số hộ dân, cũng như doanh nghiệp trên địa bàn xã Tân Phương, Đào Xá,… huyện Thanh Thủy vận chuyển đi nơi khác. Việc gây thất thoát tài nguyên của quốc gia có một phần trách nhiệm không nhỏ của chính quyền cấp xã. Sau một thời gian dài các tổ chức, cá nhân khai thác đất, quặng trái phép, chính quyền xã Tân Phương đã “yêu cầu dừng hẳn với lý do vận chuyển đi nơi khác gây ảnh hưởng đến giao thông, kênh mương,..”. – Người đứng đầu chính quyền xã Tân Phương nói.

Ở cấp chính quyền cao hơn, ông Nguyễn Văn Hòa, PCT UBND huyện Thanh Thủy, phụ trách khối Kinh tế – khi nói về hiện tượng vận chuyển đất đồi ra nơi khác khi san gạt, hạ cốt nền cho biết: “Đến tháng 11/2018 huyện dự kiến sẽ về đích Nông thôn mới nên cần rất nhiều đất để san lấp mặt bằng, làm đường giao thông… huyện cần khối lượng đất lớn để thực hiện”.

Liên quan đến việc một số đơn vị đã lợi dụng để khai thác quặng, ông Hòa cho hay: “Để biết họ khai thác rất khó, họ toàn làm tận đẩu tận đâu, khi mình đến nơi họ đã đi đâu rồi. Hơn nữa việc một số hộ dân mua đất xong do đất đồi mấp mô họ phải san gạt cho bằng phẳng mới trồng cây được, còn làm không đúng thiết kế là hộ gia đình đó làm sai, còn khi phát hiện quặng họ phải báo cáo, nếu không báo cáo phải có sự vào cuộc của cả hệ thống mới giải quyết được. Bây giờ cho dừng hết cả rồi.”

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy, phụ trách khối Kinh tế.

Khi phóng viên cung cấp những hình ảnh đã được ghi nhận nhiều tháng qua ở huyện Thanh Thủy, ông Hòa cho hay: “Tình trạng bán đất có thể hiểu theo hai nghĩa là bán đất đồi trồng cây và bán đất trong quá trình san gạt, hạ cốt nền. Riêng tình trạng bán đất trong quá trình san gạt là không có. Tình trạng khai thác cao lanh trái phép như công trường là không có. Theo quy định kể cả các hộ gia đình làm nền nhà phát hiện quặng hay cổ vật phải báo cáo chính quyền, như trong Sơn Thủy và Đào Xá đã có vấn đề như vậy là do sự giám sát thiếu chặt chẽ, thiếu sót”.

Cũng trong buổi làm việc với phóng viên, vị Phó Chủ tịch Phụ trách Khối Kinh tế đã khẳng định: “Nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm. Chúng tôi không bảo kê, dung túng. Điều xảy ra là chuyện không mong muốn. Quy định của tỉnh là cho phép hạ cốt phạm vi 300 mét vuông, nhưng có cũng trường hợp mở rộng diện tích ra, đã yêu cầu các xã chấn chỉnh, rà soát. Sẽ chỉ đạo lực lượng Công An và Quản lý thị trường vào cuộc, trong ngày hôm nay (tức ngày 9/5). Chúng tôi sẽ có Văn bản chỉ đạo ngay các ban ngành xuống kiểm tra, rà soát và xử lý”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Đình Tưởng – Văn Hoàng