(Kỳ 2): Cưa xẻ gỗ rừng ngang nhiên giữa ban ngày

BVR&MT – Sau khi đốn hạ những cây gỗ rừng, lâm tặc dùng thuyền bè chở gỗ về bến đò Đồng Văn và đập phụ thủy điện Hủa Na tập kết, cưa xẻ ngang nhiên tại bến nhưng dường như lực lượng chức năng vẫn không hề hay biết (?).

(Kỳ 1): “Tan hoang” rừng lòng hồ thủy điện Hủa Na

Sau khi đốn hạ những cây rừng giữa lòng hồ thủy điện Hủa Na, lâm tặc một phần cưa xẻ tại chỗ thành những khúc gỗ vuông vức, phần còn lại cho những khúc gỗ tròn chất lên thuyền vượt lòng hồ. Điểm tập kết cuối cùng của những khúc gỗ tròn là tại bến đò Đồng Văn và đập phụ thủy điện Hủa Na (thuộc bản Piềng Văn, xã Đồng Văn).

Ngang nhiên cưa xẻ gỗ giữa ban ngày

Khoảng 17h00 ngày 16/5, từ ngã ba Xốp Chảo rẽ vào bản Piềng Văn rồi đi sâu vào trong khoảng tầm 3km, phóng viên tới chân đập phụ thủy điện Hủa Na. Theo một số người dân tại ngã ba Xốp Chảo, nhiều tháng qua, đập phụ thủy điện Hủa Na trở thành điểm tập kết và trung chuyển gỗ lậu?

Thời điểm phóng viên có mặt tại đập phụ đã nghe tiếng cưa xăng xẻ gỗ chói tai. Từ trên đập phụ nhìn xuống bến thuyền, một xe ô tô tải hạng nặng đang đậu sát mép nước chờ vận chuyển gỗ. Kế bên cạnh, một nhóm người đàn ông tầm 05 người đang bận rộn với công việc cưa, xẻ gỗ.

Xưởng cưa gỗ rừng công khai ngay bờ đập phụ thủy điện Hủa Na.

Trong vai một người đi tìm gỗ mục, phóng viên dễ dàng tiếp cận công trường cưa xẻ gỗ ở sát đập phụ thủy điện Hủa Na. Tại đây, nhiều khúc gỗ tròn lập lờ trong nước được nhóm trai bản kéo lên bờ hồ rồi đưa thước đo đạc, đánh dấu và cho 02 máy cưa cắt xẻ. Từ một khúc gỗ tròn, qua một vài đường cưa xăng “ngọt lịm” của trai bản lành nghề đã thành những thanh gỗ mỏng dày tầm 03cm. Hỏi một người đàn ông, thứ gỗ người ta đưa về đây tập kết và cưa xẻ chủ yếu là gỗ Ràng ràng. Cạnh đó, một lớp mùn cưa dày được phủ đầy trên cát ven hồ chứng tỏ việc xẻ gỗ đã diễn ra nhiều ngày nay.

Xe tải đậu sát mép hồ đập phụ để chở gỗ.

Sau khi gỗ được cưa, 02 người đàn ông (một lái xe, một người bản địa) nhanh chóng đưa xếp lên thành xe tải BKS 37H-7483 có lô gô của Công ty cổ phần Trung Đô. Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là công ty có mỏ đất sét nằm cách đập phụ tầm 500m. Thay vì chở đất, không hiểu sao xe của công ty này lại có mặt tại mép hồ đập phụ để chở gỗ?

Nhiều khúc gỗ tròn được người ta tập kết dưới mặt nước.

Cách vị trí cưa xẻ gỗ không xa, cạnh những thuyền bè đang neo đậu là nhiều khúc gỗ tròn được người ta tập kết dưới mặt nước. Những khúc gỗ tròn này đã được bóc vỏ nếu không đến tận nơi quan sát thì khó có thể nhận ra.
Rời đập phụ lòng hồ thủy điện Hủa Na, phóng viên tìm đến bến đò Đồng Văn (thuộc bản Đồng Tiến, xã Đồng Văn). Tại bến đò này, trong sáng và chiều ngày 17/5, nhiều thanh gỗ vuông vức, dài tầm 3m, rộng tầm 30-50cm được tập kết, để ngổn ngang sát mép nước. Cạnh đó, 03 khúc gỗ tròn lớn vừa được người ta đưa về tập kết chưa kịp đưa đi tiêu thụ.
Không chỉ cưa xẻ thân gỗ lớn, tại lòng hồ thủy điện Hủa Na, thực trạng người dân địa phương vào rừng đào gốc lấy những thân cây nhỏ đem về trồng cũng thường diễn ra. Tại bến đò Đồng Văn chiều ngày 17/5, một thuyền sắt cỡ lớn chất đầy thân cây gỗ nhỏ cả gốc rễ cập bến. Sau đó, một xe tải xuất hiện và lùi sát mép nước để 03 người đàn ông lần lượt bốc những cây gỗ lên xe.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ riêng địa bàn Đồng Văn có một Trạm Kiểm soát lâm sản cửa rừng Sốp Chảo do Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong quản lý và 02 Trạm Bảo vệ rừng của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt. Không hiểu sao thực trạng phá rừng trên địa bàn vẫn nhức nhối?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Duy Ngợi