BVR&MT – Trong nhiều tuần, Stuart Nixon, Chryso Kaghoma và những người đồng nghiệp nghiên cứu linh trưởng tại Congo đã theo dõi một nhóm khỉ Grauer vượt qua các cánh rừng, men theo những khe núi hình lưỡi dao, và băng qua những ngọn núi dường như bất khả chinh phục tại phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Những cá thể này được gắn định vị GPS để thu thập thông tin về nơi ở, thức ăn và các hành vi khác mà không ảnh hưởng tới hành vi của cả quần thể hoặc khiến chúng quen với người.
Hoặc đó chỉ là tính toán của các nhà nghiên cứu. Vào một ngày, khi đang ngồi yên lặng trong rừng, Nixon nghe thấy tiếng động từ một bụi rậm cách anh khoảng 3 mét. Nixon ngẩng lên và bắt gặp khuôn mặt xanh đen của một con khỉ đực lưng bạc. Cả hai giao tiếp bằng ánh mắt một lúc lâu trước khi con khỉ quay đi và bỏ chạy vào sâu trong rừng thẳm cùng với toàn bộ gia đình nó. Đó là lần gặp gỡ hiếm có với loài khỉ đột bị lãng quên, bởi có quá ít nghiên cứu về chúng, và chúng vắng bóng ở hầu hết các sở thú trên thế giới.
Năm 2016, nghiên cứu lớn nhất về loài khỉ đột Grauer đã được thực hiện bởi các cán bộ vườn quốc gia, người dân địa phương và các nhà khoa học, với sự chủ trì của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) và Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế (FFI). 7.450 km2 miền Đông Congo đã được rà soát để tính toán số cá thể khỉ Grauner còn sót lại ở nơi duy nhất chúng sinh sống, nhằm đánh giá quy mô quần thể bằng các phân tích thống kê và mô hình điện toán. Những phát hiện của họ đã đánh động sự quan tâm của báo giới quốc tế và phản ứng từ cộng đồng bảo tồn.
Chỉ trong vòng vài tháng, trạng thái của loài khỉ đột Grauer đã được IUCN chuyển sang mức báo động đỏ cuối cùng trước khi tuyệt chủng – mức Cực kì Nguy cấp. Cùng xếp hạng với khỉ đột Grauer là các loài khỉ đột phía tây (G. g. gorilla), khỉ đột sông Cross (G. g. diehli) cùng các loài khỉ đột phía đông nổi tiếng khác cùng họ, khỉ đột núi (G. b. beringei) – các loài này đã thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến núi Virunga. Riêng loài khỉ đột Grauer vẫn chưa được nhiều người biết đến, thế nhưng có thể lại là loài khỉ đột đầu tiên bị tuyệt chủng, theo tiết lộ của Sonya Kahlenberg, Giám đốc Trung tâm GRACE.
Năm 1994, điều tra của WCS kết luận còn 17.000 cá thể khỉ đột Grauer ở Congo (khi ấy còn gọi là Zaire). Tháng 4 năm 1994, bộ tộc Hutu từ quốc gia láng giềng Rwanda tiến hành cuộc thảm sát bộ tộc thiểu số Tusti, khiến khoảng 2 triệu dân phải chạy nạn qua biên giới sang Zaire và Uganda. Nhiều người phải lẩn trốn trong rừng và vườn quốc gia. Lực lượng Dân chủ vì Tự do Rwanda cùng các lực lượng quân đội khác cũng đã bắt đầu hoạt động tại đây. Nhiều người phải dựa vào thịt thú rừng để sống sót, khiến loài khỉ đột phải đối mặt với hiểm nguy rình rập hàng ngày.
Các khu rừng trở thành nơi bị tổn thương chính do khai thác gỗ trái phép làm chất đốt và buôn bán. Nạn săn bắn trở nên tràn lan trước sự kết hợp “trí mạng” giữa những con người đói ăn và những cây súng luôn sẵn sàng. Kiểm lâm và các lực lượng hành pháp khác phải rời bỏ vườn quốc gia và các khu vực được bảo vệ. Rừng rậm trở thành vùng sát sinh, và loài khỉ đột Grauer nhiều thịt trở thành mục tiêu săn bắn chính do dễ lần theo và di chuyển trên mặt đất theo nhóm. Chúng là loài linh trưởng lớn nhất thế giới với cân nặng trung bình của một con đực là 140kg. Con lớn nhất có thể cao tới hơn 1,8m và nặng 270kg.
Khoáng sản xung đột càng khiến tình hình phức tạp
Cho đến năm 2003, khoảng 5,4 triệu người đã thiệt mạng khi cuộc chiến kết thúc. Thế nhưng xung đột vẫn tiếp tục bị kích động bởi cuộc săn lùng nguồn khoáng sản dồi dào tại phía Đông Congo – xứ sở của khỉ đột Grauer. Mặc dù GDP thấp thứ 2 thế giới, Congo lại sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có bậc nhất với tổng giá trị lên tới 24 ngàn tỷ USD, gồm khoảng 28 tỷ USD từ giá trị vàng và một lượng lớn columbit tantali hoặc cotltan (sử dụng trong sản xuất đồ điện tử).
Có hơn 1.000 mỏ khai thác tại khu vực này, hầu hết là bất hợp pháp. Những mỏ quặng giàu có đã thu hút rất nhiều thợ mỏ thủ công, công ty khai thác bất lương, quân đội và những quan chức tham nhũng. Nhiều lực lượng quân đội chiếm giữ các mỏ “khoáng chất xung đột” như lãnh địa, vượt ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, thậm chí thuê nô lệ làm nhân công và dùng lợi nhuận để mua vũ khí cho những cuộc đấu tranh vũ trang trong tương lai.
Các thợ mỏ đang tiếp tục dấn sâu hơn vào khu vực rừng quốc gia Congo và những khu vực rừng chưa được bảo vệ, những nơi còn sống sót một số loài khỉ đột sau cuộc nội chiến hay những vùng đất cuối cùng dành cho loài khỉ đột Grauer. Và mặc dù việc sát sinh, bắt giữ và mua bán khỉ đột cũng như các bộ phận và sản phẩm từ chúng là phạm pháp theo luật quốc gia và luật quốc tế, các nhóm vũ trang và thợ mỏ vẫn đang săn bắn loài động vật này với tốc độ chóng mặt, cùng lúc đó xả rác khắp các vùng đất, làm suy giảm rừng nhiệt đới, hủy hoại quang cảnh tươi đẹp.
Những con khỉ đột lạc bầy
Sát hại một con khỉ đột có thể dẫn đến cái chết của 4-5 con khác. Thợ săn thường lấy mục tiêu là khỉ đột đầu đàn, con khỉ đột to nhất, có nhiều thịt nhất và sẽ chiến đấu để bảo vệ gia đình khi bị tấn công. Khi con đầu đàn bị bắn hạ, cả đàn sẽ giải tán. Không có con khỉ đột con nào được sinh ra cho đến khi những con khỉ cái tìm thấy đàn mới để gia nhập. Khi gia nhập đàn mới, khỉ đột con cũng khó lòng sống sót vì khỉ lưng bạc có thể giết con của những con khỉ đực khác, tương tự như sư tử.
Không có cơ quan chức năng về động vật hoang dã nào đứng ra chữa trị cho khỉ đột Grauner con bị lạc đàn cho đến tận năm 2010, khi Trung tâm Phục hồi và Giáo dục Bảo tồn Khỉ đột (GRACE) ra đời tại Congo với mục đích nuôi dưỡng khỉ đột lạc đàn và dạy chúng những kĩ năng sinh tồn cần thiết để sống trong rừng với đàn mới. 4 chú khỉ đầu tiên được chuyển đến trung tâm bằng trực thăng của lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Congo.
Trung tâm GRACE hiện đang chăm sóc cho 14 con khỉ đột Grauer có độ tuổi từ 2 đến 16 năm, sống trong môi trường rừng với một đàn mới. Trong đó, những con khỉ trưởng thành sẽ đóng vai trò khỉ mẹ, nuôi dưỡng và bảo vệ khỉ mới đến. Tiếp xúc với con người được giữ ở mức thấp nhất.
Đại diện từ GRACE cho biết, khỉ đột lạc đàn phục hồi nhanh hơn khi được sống cùng đồng loại. Trung tâm GRACE gần đây cũng đã bắt đầu trồng cây làm thức ăn cho khỉ. Mỗi tuần, khoảng 40 đứa trẻ đến đây sau giờ học để giúp nhổ cỏ và chăm sóc cây trồng. Người dân địa phương, dù mất mát rất nhiều sau cuộc nội chiến, cũng cam kết mạnh mẽ đối với việc bảo tồn.
Thế nhưng, với số lượng ít ỏi khỉ đột còn tồn tại trong tự nhiên như hiện nay, số lượng cá thể được cứu trợ tới trung tâm ngày càng giảm dần. Và bởi vì chưa có thử nghiệm thả khỉ đột Grauer về với thiên nhiên, nhiều câu hỏi còn chưa được trả lời.
Những tín hiệu tích cực
Bảo vệ và nghiên cứu động vật hoang dã tại Congo vốn là một công việc đầy rủi ro và mạo hiểm. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực cống hiến, hợp tác giữa chính phủ Congo, chính quyền vườn quốc gia (ICCN), FFI, WCS và những tổ chức phi lợi nhuận, bộ phận kiểm lâm (làm việc cùng quân đội) cùng các cộng đồng địa phương, tình hình đã trở nên lạc quan hơn.
Loài khỉ đột ở các vùng sâu vùng xa như rừng Usala cũng có hi vọng sống sót, bất chấp nhiều áp lực. Từ năm 2012, Quỹ Dian Fossey Gorilla đã thiết lập một trạm hiện trường trong lãnh thổ của loài Grauer, một khu rừng không được bảo vệ nằm giữa những khu bảo tồn. Các cán bộ đi tuần, thu thập dữ liệu về khỉ đột, và phối hợp chặt chẽ với 8 gia đình sở hữu diện tích đất đai rộng lớn để cùng bảo vệ loài khỉ đột và nhiều động vật hoang dã khác. Những gia đình nghèo thì chọn cách kiểm soát và giảm thiểu hoạt động của con người trên mảnh đất của mình. Đời sống của các loài động vật hoang dã vì vậy đang dần được cải thiện.
Mặc dù khoảng 25% khu vực sinh sống của khỉ đột Grauer đã bị san bằng vào năm 2008, vẫn còn rất nhiều khu rừng nhiệt đới khác mà với sự bành chướng dân số loài người sẽ khó lòng tồn tại được lâu dài. Chính vì vậy, Khu bảo tồn Thiên nhiên Itombwe, một khu bảo tồn đa chức năng hướng đến hài hòa lợi ích của cả con người và đời sống hoang dã đã được thành lập, kéo dài từ những vùng đất thấp đến vùng núi, bao trọn một trong những nơi đa dạng sinh học nhất Châu Phi.
Thu Hà/ Theo Mongabay