Kinh doanh lâm sản có trách nhiệm: Vừa giảm rủi ro, vừa gia tăng lợi nhuận

BVR&MT – Báo cáo mới đây nhất của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) chỉ ra rằng các công ty bán lẻ sử dụng nguồn lâm sản có trách nhiệm ngày càng gặt hái được nhiều lợi nhuận và giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng sản phẩm.

Nghiên cứu của WWF được thực hiện dựa trên việc rà soát tài liệu và điều tra trên toàn cầu đối với hơn 50 nhà bán lẻ từ 20 quốc gia, bao gồm các cuộc phỏng vấn sâu với một số lãnh đạo công ty bán lẻ. Trong đó, hơn 80% các công ty được khảo sát chỉ ra các tác động tích cực trong quản lý rủi ro và thương hiệu của công ty; hơn 60% nhà bán lẻ cho thấy khách hàng của họ đạt được sự hài lòng đối với sản phẩm của họ. Đặc biệt, hơn 70% các nhà bán lẻ khẳng định cam kết kinh doanh theo hướng bền vững có ảnh hưởng tích cực lên sự tham gia của chính nhân viên – điều này cho thấy lợi ích tiềm năng đi đôi với mức độ hài lòng và mong muốn làm việc lâu dài của người lao động.

Ngoài kết quả khảo sát, Báo cáo cũng đưa ra những phân tích cụ thể về bốn công ty điển hình, trong đó có Migros, một trong những công ty bán lẻ lớn nhất của Thụy Sỹ. Từ năm 2012 đến 2015, doanh số các sản phẩm được sản xuất bền vững của hãng này tăng hơn 30%. Với Bunnings, đơn vị chuyên bán đồ gia dụng lớn nhất nước Úc, ngoài việc gia tăng lợi nhuận, công ty này còn giảm được rủi ro của chuỗi cung ứng khi xây dựng được mối quan hệ bền vững và lâu dài với một số ít các nhà cung cấp.

Khai thác gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC tại Quảng Trị (Ảnh: Trần Phước Lâm/ WWF-Việt Nam)

“Các công ty có chiến lược sử dụng nguồn gỗ được trồng và khai thác có trách nhiệm với các cam kết rõ ràng và báo cáo công khai, có cơ hội tạo ra sự khác biệt. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh công khai quyết liệt giữa các nhà bán lẻ như hiện nay” – Ông Alistair Monument, Quản lý Chương trình Rừng của WWF nhận định. Ngoài ra, ông Monument cũng cho hay: “Mất rừng và suy thoái rừng là những nguyên nhân chính dẫn tới các vấn đề khủng hoảng môi trường, và chúng ta cần phối hợp hành động giữa nhiều ngành để giải quyết vấn đề này. Số lượng các cam kết không chặt phá rừng tăng trong những năm gần đây, nhưng chúng ta cần hành động cụ thể. Nghiên cứu  này đã cho thấy các chuỗi bán lẻ có vai trò quan trong trong việc tạo ra tác động mang tầm chuyển hóa bởi họ có quyền quyết định trong chuỗi cung ứng sản phẩm và có thể tạo ảnh hưởng tới sự lựa chọn của khách hàng. Chúng ta cần các nhà bán lẻ đi tiên phong và hiểu rằng bền vững không chỉ là một khái niệm nữa, đây là một tiêu chuẩn”.

Riêng với Việt Nam, mặc dù nền công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam lớn thứ 5 trên thế giới với kim ngạch đạt gần 7 tỷ USD năm 2016 nhưng diện tích rừng đạt chứng chỉ bền vững theo tiêu chuẩn FSC chỉ dừng ở con số vô cùng khiêm tốn – 230.000ha. Đây cũng là lý do khiến hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu cỡ 4,5 triệu m3 nguyên liệu gỗ để làm hàng xuất khẩu. Thông tin này cho thấy Việt Nam không chỉ phụ thuộc nhiều vào các quốc gia xuất khẩu gỗ khác mà còn không tận dụng được nguồn gỗ nội địa và gián tiếp làm mất đi những giá trị gia tăng trong sản xuất và chế biến.

Ông Lê Thiện Đức, Quản lý Chương trình Rừng của WWF-Việt Nam chia sẻ: “Trong năm tới, thông qua dự án Quản lý rừng bền vững và Thương mại Lâm sản có trách nhiệm, WWF sẽ có nhiều hoạt động để thúc đẩy nhu cầu của thị trường nội địa đối với mặt hàng lâm sản có chứng chỉ bền vững. Đối tượng của chúng tôi chính là người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức và vai trò của họ đối với mặt hàng có trách nhiệm này, qua đó tạo ảnh hưởng lên các doanh nghiệp chế biến gỗ và các chuỗi bán hàng đồ gỗ để họ đưa mặt hàng này tới gần người tiêu dùng nội địa hơn”.

Thiên Nhiên

CHIA SẺ