“Khúc ruột miền Trung” lại oằn mình “gánh” lũ

BVR&MT – Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, người dân của “khúc ruột miền Trung” một lần nữa phải gồng mình chống chọi với mưa lũ.

Các miền quê “chìm” trong nước

Cơn bão số 10 vừa đi qua chưa vơi nỗi khiếp sợ, thì chỉ trong phút chốc của ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, người dân dải đất miền Trung vốn được xem là khúc ruột của cả nước lại phải lâm cảnh trắng tay vì tài sản đã bị cuốn chìm trong dòng nước lũ.

Bùn đất tràn xuống lòng đường tại khu vực giáp ranh 2 xã Lưu Kiền và Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Do ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới, liên tiếp 2 ngày qua, các tỉnh miền Trung đón một lượng mưa khá lớn. Mưa lớn như trút nước, kết hợp với các hồ thủy điện trên địa bàn xả lũ dẫn đến mực nước trên các sông dâng cao. Nhiều tỉnh duyên hải miền Trung ngập chìm trong biển nước, đã có nhiều địa phương bị ngập lụt cục bộ, chia cắt, hàng ngàn ngôi nhà của hàng ngàn hộ dân tại một số khu vực chìm trong nước lụt. Những con số thiệt hại cứ tăng lên từng giờ, từng ngày khiến lòng người đau nhói. Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có 8 người chết và mất tích cùng thiệt hại nhiều tài sản của người dân.

Trước tình hình nước lên nhanh khiến người dân trở tay không kịp đành bỏ lại tài sản, hối hả chạy lũ. Nhiều khu vực thuộc địa bàn các huyện vùng thấp tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… bị ngập sâu từ 0,5-1m, có nơi bị ngập lên đến 2m khiến nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu bị hư hại nặng nề.

Tại Nghệ An, mưa lớn, nhiều đoạn đường và nhà dân tại TP. Vinh (Nghệ An) ngập sâu hơn nửa mét, người dân phải dùng xuồng di chuyển, các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn, bị chết máy, tắc đường phải nhờ đến đội cứu hộ giao thông, lực lượng Công an đã ra quân tại các ngả đường giúp dân. Để phân luồng và giúp đỡ người dân đảm bảo giao thông, trật tự, từ sáng sớm CATP. Vinh đã huy động tối đa lực lượng cán bộ trực tại các ngả đường, ngã tư nút để làm nhiệm vụ “cứu hộ” những xe chết máy và người dân đi qua đoạn đường bị ngập nặng.

Theo ghi nhận, có khoảng 10 ngôi nhà của các hộ dân sống bên cạnh Quốc lộ 7A ở huyện Tương Dương (Nghệ An) bị đất đá tràn vào nhà gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, chính quyền cơ sở đã huy động lực lượng tại chỗ đến giúp bà con khắc phục hậu quả.

Ngôi nhà sàn tiền tỉ của ông Lang Thanh Yên (bản Mường Piệt, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, Nghệ An) bị sập hoàn toàn

Báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Nghệ An, đến sáng  ngày 11/10, đã có 8 người chết và mất tích. Về tài sản, ngoài một nhà dân tại huyện Nghi Lộc bị sập thì toàn bộ 5 ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch, trên 2.000 ha ngô đông và rau màu bị ngập, trên 1.000 con gà bị nước lũ cuốn trôi. Nước lũ đã làm 566 ha ao hồ thả cá bị ngập, trên 250 ha cá vụ 3 trên ruộng lúa và 58 ha tôm mới thả được 1 tháng bị mất trắng.

Do mưa lớn kéo dài, nhiều xã tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị ngập lụt nặng như:  Hương Đô, Hương Giang, Hương Thủy, Phương Mỹ, Phương Điền,… Đặc biệt, 2 xã “rốn lũ” là Phương Mỹ và Phương Điền đã bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Ông Nguyễn Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ cho biết, hiện các đường liên thôn đã bị ngập sâu trong nước; có đến 1.300 hộ dân bị ngập lụt.

Có mặt chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ tại địa phương này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh yêu cầu UBND huyện Hương Sơn và các địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng tránh thiên tai, tập trung người và phương tiện làm tốt công tác ứng cứu khi xảy ra sự cố; thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo trong việc tham gia bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân; chú ý đến an toàn hồ đập nhỏ đã bị xuống cấp và các công trình xây dựng, thủy lợi đang thi công.

Vỡ đập, nhà sập và sạt lở nghiêm trọng

Mưa lớn kéo dài hàng giờ khiến nước ở đập Ba Khe, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An) dâng lên tràn đập và có nguy cơ vỡ. Lãnh đạo CAH Nam Đàn đã chỉ đạo hơn 50 CBCS trong đơn vị từ 5 giờ sáng đã có mặt tại hiện trường phối hợp với chính quyền xã tiến hành giúp dân sơ tán tài sản.

Tại xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã xảy ra tình trạng sạt lở đất, cây cối đổ xuống QL48C khiến giao thông đình trệ. Nhiều khe suối nước dâng cao khiến giao thông bị tắc nghẽn, QL15A, QL48E bị sạt lở ta-luy khiến đất đá trôi tràn ra đường. Mưa lớn trong đêm, đập Gà (xã Nghi Văn, huyệnNghi Lộc) nước tràn qua thân đập hơn 200m. Trước nguy cơ có thể bị vỡ, hàng trăm người dân, cán bộ đã tham gia “giải cứu” trong đêm nên được an toàn tuyệt đối.

Do nước thượng nguồn đổ về quá lớn nên đập Cố Châu (thôn Tân Bình, xã Gia Hanh, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đã bị vỡ tại 2 điểm: tại đập chính đoạn vỡ được xác định khoảng 20m, đập phụ vỡ chừng 7m. Sự cố vỡ đập đã ảnh hưởng trực tiếp tới 4 thôn trên địa bàn khiến nhiều tài sản, gia cầm của người dân bị ảnh hưởng; hơn 5ha rau màu (khoai, ngô) hạ du đập bị ngập nặng.

Đập Cố Châu (xã Gia Hanh, Hương Khê, Hà Tĩnh) bị vỡ.

Chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo người dân kê cao các tài sản, bảo vệ tính mạng con người. Mưa lớn cũng khiến mố cầu Cá Gáy (thôn Kim Sơn, xã Gia Hanh, huyện Hương Khê) bị sạt lở. phía UBND huyện Hương Sơn đã chỉ đạo các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tiến, Sơn Lễ di dời 146/427 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.

Sáng 10/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh- ông Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo các sở ban ngành đã có mặt tại huyện Hương Khê để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với ảnh hưởng của ATNĐ. Tại đập Thủy điện Hố Hô, theo báo cáo của lãnh đạo Nhà máy, 5 giờ sáng cùng ngày, nước đổ về hồ đạt gần 1.600 m³, để đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du, từ tối 9-10, đơn vị đã báo cáo với lãnh đạo huyện Hương Khê về phương án xả lũ để huyện có phương án đảm bảo an toàn cho vùng hạ du khi nước về. Từ sáng sớm 10-10, thủy điện xả với lượng nước gần 1.200m³/s, đến khoảng 10 giờ cùng ngày lượng xả giảm còn 758m³/s. Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cùng đoàn đi kiểm tra thi công công trình đập Họ ở xã Hương Long và một số địa phương ngập lụt khác.

Trước diễn biến của mưa lũ, UBND các tỉnh miền Trung đã chỉ đạo có các ngành hữu quan thông báo rộng rãi trên hệ thống thông tin của thành phố và giao cho các lực lượng chức năng cùng các địa phương ở vùng thấp lụt tăng cường công tác quản lý, kiểm soát người và phương tiện, sơ tán du khách lưu trú và theo dõi bảo đảm an toàn đối với nhà và của.

Đình Nguyên