Khởi nghiệp sáng tạo góp phần phát triển sinh kế đồng bào miền núi

BVR&MT – Ngày 14/8 tại Hà Nội, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã phối hợp cùng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo với chủ đề: “Đầu tư cho Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”.

Hội thảo Đầu tư cho Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Công nhận hình thức đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Tại hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ về quy định và chính sách mới trong hoạt động khuyến khích đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025; Quy định về Đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Trước khi có nghị định 38: Chưa có quy định nào về quỹ đầu tư cho doanh nghiệp; các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp phải đăng ký theo quy định của Luật Chứng khoán về quỹ đầu tư chứng khoán, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp.

Sau khi có nghị định 38: Công nhận hình thức đầu tư KNST; Quy định việc thành lập, tổ chức quản lý các quỹ đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ KNST; Quy định việc sử dụng ngân sách địa phương để đối ứng đầu tư cho doanh nghiệp KNST cùng quỹ đầu tư KNST.

Trong đó, mục tiêu chính của nghị định là: Nhận diện và ghi nhận hoạt động đầu tư KNST là một ngành, nghề đầu tư kinh doanh; xác định địa vị pháp lý của các công ty đầu tư KNST, bổ sung thêm sự lựa chọn cho các nhà đầu tư; đưa ra nguyên tắc chung, quy định khung cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư tư nhân cùng nhau góp vốn thực hiện hoạt động đầu tư KNST thông qua hình thức quỹ đầu tư KNST; khơi thông dòng vốn cho KNST thông qua việc khuyến khích thành lập các công ty đầu tư KNST, các quỹ đầu tư KNST.

Theo bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Nghị định 38 ra đời đã tạo sự đồng thuận rất lớn cho doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư khi nắm bắt được chính sách của Việt Nam khuyến khích đầu tư khởi nghiệp thì đã đến tìm hiểu. Đây là tín hiệu vui của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Lan cũng cho rằng: “Các chính sách liên quan đến khởi nghiệp của Việt Nam còn rất mới và thiếu, để hoàn thiện khung pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ phải mất khoảng 2-3 năm nữa mới xong. Đơn cử, việc tài trợ dành cho khởi nghiệp, hiện tại, gần như chỉ tài trợ cho những khoản liên quan đến nghiên cứu phát triển. Còn những khoản liên quan đến việc tìm hiểu thị trường, cách thức ra nước ngoài hoạt động ra sao thì vẫn chưa có khoản chính sách hỗ trợ”.

Khởi nghiệp sáng tạo phát triển sinh kế đồng bào

Những người đầu tư cho khởi nghiệp phải hiểu về khởi nghiệp, có kinh nghiệm, và phải có tiền để đầu tư cho nhiều doanh nghiệp. Chính vì thế mà cần có chính sách để hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ về thuế, về vốn đối ứng đầu tư.

Trong phiên thảo luận của hội thảo chương trình, liên quan đến vấn đề sinh kế đồng bào dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã gửi câu hỏi trước đến ban tổ chức hội thảo: Vấn đề, khởi nghiệp sáng tạo gắn liền với sinh kế của bà con dân tộc?

Ông Trần Trí Dũng – Đại diện Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program).

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Ông Trần Trí Dũng – Đại diện Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program) cho biết, Có chương trình được Ủy Ban Dân tộc phối hợp với ngân hàng thế giới (World Bank) phát triển vấn đề này. Ngoài ra, ở một số địa phương, khi các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án vào các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường dành một phần kinh phí hỗ trợ địa phương. Bây giờ các nhà đầu tư thường mời một đơn vị hay một nhà tư vấn hướng dẫn, tập huấn cho bà con đồng bào, đặc biệt là thanh niên để họ có thể tự tạo được hoạt động kinh doanh mới trên chính mảnh đất của mình.

Xem thêm: 

Festival Khởi nghiệp 2018: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ

Khởi nghiệp từ mô hình trang trại hỗn hợp

Ngoài ra, trong quá trình làm việc, ông Dũng chia sẻ có một dự án bắt đầu ở tỉnh Quảng Ninh rồi đã nhân rộng ra các địa phương khác đó là: Chương trình mỗi làng một sản phẩm. Đã có những công ty, doanh nghiệp kết nối với chương trình này để đưa các sản phẩm của người đồng bào ra thị trường. Các hoạt động như thế đều gắn liền với sinh kế của bà con. Nếu chúng ta quan tâm thì không những khởi nghiệp sáng tạo ở các bạn trẻ ở thành phố, mà ở những Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025 cũng có những dự án khởi nghiệp sáng tạo. Đó chính là tài nguyên bản địa, có rất nhiều các sản phẩm, dịch vụ mà chỉ ở ở bản làng hoặc vùng đất đó mới có. Đây chính là lợi thế rất lớn để các bạn trẻ khởi nghiệp chính trên mảnh đất của mình.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian tới, Đề án 844 của đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế chính sách đầu tư tiếp theo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các thành phần kinh tế, để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo từ nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, đặc biệt là từ kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài.

Văn Trì