Tại bản cập nhật mới đây của Báo cáo “Tài chính Bền vững tại khối ASEAN: Giải quyết các vấn đề về Rừng, Sinh cảnh, Khí hậu, Nguồn nước và Xã hội của ASEAN” phát hành năm 2017, WWF một lần nữa nhấn mạnh sự thiếu vắng trong việc đánh giá các rủi ro về mặt môi trường, xã hội và quản trị trong quá trình ra quyết định đầu tư tại rất nhiều ngân hàng thuộc khối ASEAN.
Các nước ASEAN vốn rất dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu – yếu tố góp phần trầm trọng hóa những bất ổn về an ninh lương thực và nguồn nước trong khu vực, tuy nhiên, chỉ có 4/34 ngân hàng được khảo sát có đánh giá các rủi ro và cơ hội liên quan tới khí hậu. Thậm chí, không có ngân hàng nào công bố việc họ rà soát các danh mục đầu tư dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cũng như không công bố các danh mục đầu tư này có phù hợp với Thỏa thuận khí hậu Paris hay Mục tiêu Phát triển Bền vững không.
Đối với các rủi ro cụ thể về môi trường và xã hội, chỉ có năm ngân hàng trong khối ASEAN thừa nhận rủi ro về phá rừng – một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu – trong các hoạt động của khách hàng và chỉ có hai ngân hàng thừa nhận rủi ro về nguồn nước. Trong khi đó, phá rừng và an ninh nguồn nước là hai yếu tố chính ảnh hưởng tới ngành lương thực và nông nghiệp và điều này rất đáng quan ngại.
Về phía các ngân hàng Việt Nam, mặc dù ngày càng nhiều ngân hàng hiểu rằng các danh mục đầu tư của họ chính là yếu tố gây ảnh hưởng, tuy nhiên, họ cũng chưa công bố các chính sách và quy trình đánh giá môi trường, xã hội và quản trị. Điều này cho thấy việc đánh giá môi trường, xã hội và quản trị chưa được ưu tiên trong hoạt động của các ngân hàng.
Bà Jeanne Stampe, Quản lý Chương trình Tài chính Bền vững châu Á nhấn mạnh: “Đối với các nước ASEAN, để thực hiện được các cam kết về khí hậu và phát triển bền vững của quốc gia, các ngân hàng phải hành động tích cực hơn nữa. Họ cần phải phát triển và công bố chính sách và quy trình cụ thể đánh giá môi trường, xã hội và quản trị, đơn cử như việc nên áp dụng chính sách “không phá rừng” hoặc quan tâm tới các rủi ro về nguồn nước mà các dự án họ đầu tư có thể gây ra. Một trong những giải pháp đó là yêu cầu khách hàng của họ cam kết quản lý nguồn nước bền vững”.
PV