Khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao 3000 tỷ tại Thái Bình

BVR&MT – Vừa qua, tại xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Tập đoàn TH tổ chức Lễ Khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Hải Nguyễn)

Lễ khởi công có sự tham gia của ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Hạnh Phúc – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội; ông Phan Xuân Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Xuân Cường – Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Đảng ủy, UBND tỉnh Thái Bình, các tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo nhiều tỉnh thành quan tâm tới lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch

Sau thành công vang dội với nhiều dự án lớn, Tập đoàn TH tiếp tục mở rộng các hạng mục sản xuất nông sản, trong đó đầu tư mạnh mẽ sản xuất rau củ quả và gạo sạch. Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại Thái Bình được tư vấn đầu tư bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á và vận hành bởi Công ty cổ phần sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế (FVF) có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, diện tích sản xuất khoảng 3.000ha. Trong đó diện tích sản xuất rau, củ quả sạch dự kiến sử dụng khoảng 1.000ha; diện tích trồng lúa và sản xuất dầu gạo dự kiến sử dụng khoảng 2.000ha. Tập đoàn đầu tư sản xuất theo chuỗi từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm.

Sản phẩm của dự án được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP và tiêu chuẩn Organic (hữu cơ) theo hướng “5 không”: Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen… Trên mỗi sản phẩm đều có cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

Sản phẩm được đánh giá theo tiêu chuẩn Global GAP và tiêu chuẩn Organic (Ảnh: Hải Nguyễn)

Điểm nhấn mới của dự án là kết hợp sản phẩm nông nghiệp và du lịch. Đây sẽ là dự án đầu tiên của Tập đoàn TH thiết kế theo chiến lược đầu tư vào nông nghiệp sạch, hữu cơ ứng dụng công nghệ cao đưa tới tay người tiêu dùng những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái văn hóa, làng nghề trên nền tảng bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa, bản sắc của dân tộc; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng GDP cho ngành nông nghiệp.

Bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho biết, ngay từ khi triển khai Dự án sữa tươi sạch TH true MILK, tập đoàn TH đã xác định: “Công nghệ cao là chìa khóa vàng cho phát triển nông nghiệp Việt Nam. Trong nông nghiệp công nghệ cao, không thể lấy trụ cột là nông dân mà phải bằng chính sách để lôi kéo những doanh nhân có đủ Tâm – Trí – Lực vào lĩnh vực này. Chính doanh nghiệp mới là trụ cột, tạo hiệu ứng để định hướng cho nông dân đi cùng”. Con đường mà Tập đoàn TH theo đuổi cũng vô cùng khác biệt với việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp khoa học quản trị tiên tiến của thế giới với tài nguyên Việt và trí tuệ Việt. “Về sản lượng, chúng ta có thể can thiệp bằng công nghệ nhưng chất lượng mới là cái quan trọng để gây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”, bà Thái Hương chia sẻ.

Cùng với đó, Tập đoàn TH đã thành lập Viện Nông nghiệp hữu cơ; sáng lập Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao, tạo môi trường cho các nhà khoa học “xắn tay” vào giúp nông dân. Các nhà khoa học của Viện đang có ý tưởng xây dựng dự án thành Khu nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu tại Thái Bình, tạo mô hình để cho nông dân tham quan, học tập nắm bắt được cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đưa hàm lượng chất xám cao vào sản xuất nông nghiệp.

Nông dân sẽ là người được lợi nhiều nhất

Ông Đinh Vĩnh Thuỵ – Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư – chia sẻ: Toàn bộ diện tích đất của dự án được UBND các xã đứng ra thuê lại của nông dân. So với canh tác cũ, sản lượng nông dân thu hoạch được sau khi đã trừ các chi phí là 50 – 60kg/sào/vụ thì hiện nay Tập đoàn TH sẽ trả 120-150kg/sào/vụ. Như vậy, nông dân không cần canh tác, không phải lo rủi ro của thiên nhiên mà vẫn đạt năng suất gấp đôi. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình có diện tích đất cho thuê sẽ được tạo điều kiện cho 1 lao động tham gia sản xuất tại các dự án do Tập đoàn đầu tư và được hưởng thu nhập theo mức quy định của Tập đoàn. Cũng từ đó, đời sống và tri thức của người dân cũng sẽ phát triển theo.

Ông Thuỵ cũng cho biết, hiện UBND tỉnh đã chủ động quy hoạch những khu đất liền vùng liền thửa có diện tích lớn. Riêng tại huyện Vũ Thư, chính quyền địa phương đã sẵn sàng bàn giao những khu đất nông nghiệp sạch liền vùng, liền thửa rộng tới 500 ha.

Ông Đặng Tiến Sơn – chuyên gia về chính sách nông nghiệp – nhận định: Thái Bình là tỉnh đi đầu trong cả nước về thâm canh đất nông nghiệp. Thế mạnh quan trọng nhất của Thái Bình chính là con người chứ không phải là đất đai, thiên nhiên, thị trường. Đây là đội ngũ lao động cần cù, sáng tạo, người Thái Bình đi khắp cả nước, tại tất cả các vùng khai hoang thì đều thành đạt. Tuy nhiên, ngay tại Thái Bình, hoạt động sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua chưa phát huy được hết năng lực người Thái Bình vì đất hẹp, hỗ trợ cho nông nghiệp chưa được đầu tư. Đã đến lúc, Thái Bình cần phát huy lợi thế quan trọng nhất trước hết là nông nghiệp và quan trọng nhất là yếu tố con người. Chính về vậy, việc Tập đoàn TH đầu tư vào Thái Bình sẽ giúp cho nền sản xuất nông nghiệp phát triển hơn. Chuyển từ nền sản xuất khai thác tài nguyên tự nhiên, theo sản lượng, hàng hoá rẻ sang một nền sản xuất dựa vào khoa học công nghệ và năng suất, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ một cách căn bản, đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà quan trọng nhất là đầu tư vào con người, phát huy sức mạnh cộng đồng và trao quyền tự chủ cho người dân.

Lễ khởi công dự án.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn TH trong việc triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Thái Bình, thể hiện sự hưởng ứng, vào cuộc chủ động, tích cực của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện đang là hoạt động được Chính phủ và ngành nông nghiệp hết sức quan tâm, dốc sức triển khai. Đây được xem là khâu đột phá tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng những nhóm sản phẩm quốc gia, chủ lực của các tỉnh, thành phố và địa phương. Phó Thủ tướng yều cầu các địa phương nói riêng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tập trung tích tụ ruộng đất phục vụ phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn. Đầu tư mạnh mẽ và ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp chú trọng và tạo điều kiện việc làm cho lao động các địa phương thuộc vùng dự án, để mỗi dự án công nghệ cao không chỉ mang tới lợi ích cho doanh nghiệp, cho quốc gia, mà còn trực tiếp cải thiện và nâng cao đời sống cho người nông dân.