Khó xử lý việc đi vệ sinh bừa bãi vì ý thức kém, nhà vệ sinh thiếu

BVRMT – Vừa qua, Chính phủ đã chính thức tăng mức xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là hành vi đi vệ sinh bừa bãi. Tuy nhiên, vấn đề này gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tế…

PV ghi nhận hình ảnh nam thanh niên ngang nhiên tiểu tiện trước cửa nhà người khác.

Từ 1/2/2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính việc vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực.

Đặc biệt, mức phạt tiền sẽ tăng 10 lần với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định. Các hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (theo quy định cũ phạt 200 nghìn đồng).

Cũng theo nghị định này, lực lượng công an, Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này. Những lực lượng này sẽ trực tiếp bắt quả tang hoặc thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ghi hình, chụp ảnh… để làm căn cứ xử phạt

Tuy nhiên, khi quy định này đi vào thực tế còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là cách thức phát hiện và xử lý những người dân vi phạm quy định trên.

Quy định cũng thiếu thiết thực và không bám sát với thực tế bởi theo tính chất của hành vi vệ sinh cá nhân bừa bãi, các lực lượng có thẩm quyền không thể kiểm soát hết được mà điều chính là ở ý thức người dân.

Ngoài ra, việc phân công cụ thể lực lượng nào đi tuần tra, bắt quả tang để giải quyết tình trạng này cần được quy định cụ thể, tránh việc chống chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Việc quay camera, chụp hình để làm căn cứ xử lý cũng không nhiều khả quan vì có thể xâm phạm đến quyền cá nhân về hình ảnh.

Không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh thiếu tế nhị, mất mỹ quan này trên đường phố.

Với đặc thù công việc của nhiều người, nhất là các đối tượng làm các công việc ngoài trời, không cố định, việc đi vệ sinh bừa bãi là không thể tránh khỏi trong khi hệ thống các nhà vệ sinh công cộng không có hoặc nếu có thì quá ít, không thể đáp ứng được tình trạng này. Thậm chí có những nơi có nhà vệ sinh nhưng luôn nằm trong tình trạng đóng cửa.

Nhà vệ sinh công cộng nhưng khóa cửa đồng nghĩa với việc vô tác dụng.
Với những người có công việc đặc thù như lái xe, nhu cầu”giải quyết” nhanh ở mọi lúc mọi nơi.

Có thể thấy rằng, việc quy định pháp luật làm căn cứ cho việc xử phạt các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường là rất cần thiết, đúng chủ trương nhưng làm sao để nó đi vào phù hợp với thực tiễn mới là vấn đề cốt lõi.

Do đó, trước hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, đồng thời các cơ quan chức năng cũng cần lắng nghe ý kiến của người dân, đáp ứng đủ các cơ sở thiết bị phục vụ cho việc đảm bảo tối đa nhu cầu sử dụng các nhà vệ sinh công cộng của người dân.