Khi đại ngàn chưa yên – (Kỳ 1): Lỗi tại chủ rừng?

BVR&MT – Tây Nguyên tháng 7 khá u ám. Bầu trời lúc nào cũng trực mưa ầm ào. Vậy mà những khu rừng nơi đây vẫn đang bị “quấy rầy” liên hồi bởi tiếng cưa xăng và xe chế độ gầm rú.

Lệnh đóng cửa rừng tự nhiên đã được ban bố từ lâu nhưng dường như nó chẳng mảy may ảnh hưởng đến nhịp độ phá rừng tại lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm trường Đắk Tô (Công ty Đắk Tô) nằm trên địa bàn 06 xã thuộc khu vực giáp ranh giữa ba huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Điều đáng nói là Công ty Đắk Tô lại là đơn vị đầu tiên nhận được Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) về gỗ có kiểm soát đối với rừng tự nhiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, nơi được xem là giữ rừng tốt nhất Kon Tum này lại đang bị tàn phá không thương tiếc bởi phương tiện cưa xăng và xe chế.

Con đường sạt lở, ngoằn ngoèo dẫn lối vào rừng, chỉ có thể đi được một nửa bằng xe máy, còn lại phải cuốc bộ nhiều giờ đồng hồ.

Bám theo con đường mòn trơn trượt và dốc thẳng đứng, phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường  www.baovemoitruong.org.vn được cán bộ Đội Bảo vệ – Khai thác rừng tác động thấp thuộc Công ty Đắk Tô chở vô rừng bằng chính chiếc xe chế tịch thu của lâm tặc. Chỉ chừng 30 phút sau, ven đường đã thấy xuất hiện một số cây dổi đường kính lên tới 1m, dài hàng chục mét vừa bị cưa đổ, lá còn tươi nguyên, những vết cắt mới đỏ au. Kế đó là rất nhiều cây dổi khác đã bị xẻ thành phách và chờ được vận chuyển ra bìa rừng cùng ngổn ngang các ngọn, cành cây bị bỏ lại.

Điểm chặt hạ cây dổi này chỉ cách cửa rừng chừng 04 km

Đi sâu vào chừng 10 km nữa, đặc biệt là tới khu vực giáp ranh giữa huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi, tình trạng rừng bị phá càng tang thương. Rất nhiều con đường được mở ra để tiện bề vận chuyển gỗ, lâm tặc có thể dùng trâu kéo hoặc xe chế để tời đi. Nhiều cây Thông nàng vừa bị cưa đổ được ngụy trang qua loa bằng những cành cây khô để che mắt chủ rừng. Đâu đây vẫn như vang lên tiếng cưa xăng, tiếng xe máy chế độ nhưng cơn mưa rừng cuối chiều khiến nhóm không thể tác nghiệp lâu hơn.

Những chiếc xe độ của lâm tặc bị cán bộ Lâm trường Đắk Tô tịch thu.

Lý giải về tình trạng rừng bị khai thác trái phép, ông Nguyễn Xuân Đường, Đội phó đội Bảo vệ và Khai thác thuộc Công ty Đắk Tô cho hay: “Hiện Đội quản lý 6 tiểu khu, từ tiểu khu 274 đến 279, do các đối tượng vận chuyển bằng xe máy độ chế qua nhiều con đường khác nhau nên việc kiểm soát rất khó khăn. Họ thường vào rừng vào ban đêm, mọi hoạt động đều diễn ra ban đêm nên khó bắt giữ, khi gặp kiểm lâm thì họ bỏ chạy. Từ khi thành lập vào tháng 8/2017, Đội phát hiện 7 vụ, từ đầu năm đến nay phát hiện 03 vụ. Mình kiểm soát tốt ở gần Đội, còn ở xa thì rất khó. Nếu phát hiện sẽ tạm giữ phương tiện, sau đó báo cáo các ngành chức năng xử lý”.

Trước những hình ảnh cây dổi vừa bị chặt hạ và lộ diện ngay ven đường, vị Đội phó khẳng định: “Những cây không phát hiện một là chặt mới, hai là mùa mưa đi lại khó khăn anh em chưa đi tới, chúng tôi đi tuần hai lần/tuần, những khoảng ngắt quãng đó lâm tặc vào rừng khai thác, lâm tặc chủ yếu là chặt dổi, re, thông nàng…”.

Càng đi sâu vào vùng giáp ranh giữa ba huyện Ngọc Hồi, Đắk Tô, Tu Mơ Rông, càng chứng kiến nhiều cây Thông nàng bị cưa đổ và xẻ hộp.

Tiếp tục làm việc với ông Vũ Văn Cương, Phó Giám đốc Công ty Đăk Tô về thực trạng quản lý lâm phần, ông tiếp tục viện dẫn cái khó của “người làm chủ”: “Từ cuối năm 2017 đến nay, khai thác rừng tương đối phức tạp, đơn vị đã làm hết cỡ rồi, chu vi lâm phần rộng hàng trăm kilomet, đời sống bà con ven rừng khó khăn nên việc ngăn chặn và xử lý đối tượng vi phạm cực khó, đặc biệt là mạng lưới lâm tặc rất tinh vi, họ đi xe độ, cắt cây, bổ hộp chở ra khỏi rừng và bố trí lực lượng canh gác rất sát, mình đã làm nhiều biện pháp nhưng chỉ hạn chế thôi chứ không ngăn chặn được tuyệt đối”.

Một trong nhiều con đường vận chuyển gỗ của lâm tặc.

Cũng theo ông Cương: “Việc để mất rừng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về bà con nhận khoán vì Công ty giao khoán 11.600 ha cho 49 cộng đồng thuộc 6 xã, sau đó đến chủ rừng rồi chính quyền các cấp và lực lượng kiểm lâm, công an cùng các hệ thống chính trị khác, còn riêng chúng tôi đã làm mọi biện pháp để ngăn chặn”.

Ngược với quan điểm của ông Cương, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum khẳng định: “Trong luật quy định chủ rừng như chủ nhà, gỗ ngay ven đường không phát hiện được thì nói chung là có vấn đề… Nếu thấy cưa máy mà không có động thái, nằm trong tổ công tác liên ngành mà không có thông tin phản hồi là thiếu tinh thần trách nhiệm, chúng tôi sẽ làm việc rõ với đơn vị chủ rừng và tìm giải pháp xử lý các đối tượng vi phạm”.

Khoảng 84 m3 gỗ được Công ty Đắk Tô tự ý kéo ra khỏi rừng khi chưa có sự đồng ý của cơ quan chức năng, hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ.

Không chỉ quy trách nhiệm trực tiếp cho chủ rừng, ông Tiến còn cho hay trong 06 tháng đầu năm, Kon Tum xảy ra 257 vụ vi phạm, trong đó khởi tố 06 vụ và xử lý vi phạm hành chính 251 vụ. Huyện Đắk Tô là một trong những địa bàn trọng điểm về vi phạm và đã nhiều lần bị truy quét, đặc biệt vừa qua Công ty Đắk Tô còn tự ý vận chuyển gỗ tang vật vi phạm ra khỏi rừng mà không báo cáo. Hiện Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo Sở NN&PTNT thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng của Lâm trường và lực lượng Công an cũng đang điều tra. Trong tháng 07, Chi cục sẽ có báo cáo đầy đủ của Công ty Đắk Tô về vấn đề này.
(bạn đọc tiếp tục theo dõi kỳ 2)

Văn Hoàng