Khánh Hòa: Bất cập trong xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên sông Cái

BVR&MT – Theo báo cáo của Công an tỉnh Khánh Hòa, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp, có lúc công khai, đặc biệt tại khu vực sông Cái, đoạn từ huyện miền núi Khánh Vĩnh đến huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang. Theo thống kê chưa đầy đủ, khu vực sông Cái – Diên Khánh có khoảng 100 phương tiện ghe, chủ yếu của các hộ dân ven sông thường xuyên hút cát trái phép.

Khai thác cát trái phép trên sông Cái, đoạn qua huyện Diên Khánh.

Đại tá Nguyễn Khắc Cường, Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết: Các đối tượng chủ yếu sử dụng ghe gắn máy hút tự chế có công suất từ 3-6m3 để bơm hút cát trái phép. Lực lượng Công an tỉnh Khánh Hòa đã mở nhiều đợt truy quét, truy bắt và xử lý nghiêm trường các hợp vi phạm. Riêng trên địa bàn huyện Diên Khánh, lực lượng Công an đã tiến hành 310 lượt kiểm tra, truy quét kể từ đầu năm 2017 đến nay, phát hiện gần 280 trường hợp vi phạm, qua đó tạm giữ 15 ghe hút cát, 3 phà, tịch thu 705 m3 cát, xử phạt trên 660 triệu đồng…

Theo ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa, đến nay, cơ quan này không cấp phép hoạt động cho bến thủy nội địa tổng hợp nào trên sông. Vì vậy, sự tồn tại của các bến thủy nội địa để tập kết cát, sỏi là trái phép.

Tuy nhiên, Công an tỉnh Khánh Hòa cho hay, một số hộ dân khai thác cát trái phép là người địa phương, sử dụng phần đất phía sau nhà để chứa cát sau khi khai thác hoặc sử dụng nhiều bãi bồi ven sông để tập kết cát do địa bàn tương đối rộng, trải dài nên khó quản lý. Bên cạnh đó, các đối tượng khai thác khoáng sản thường cho người cảnh giới, lén lút khai thác vào ngày nghỉ, ngày lễ hoặc ban đêm; sử dụng ghe hút cát loại nhỏ, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, truy quét sẵn sàng đánh đắm phương tiện rồi bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, xử lý.

Đại tá Nguyễn Khắc Cường cho biết thêm, theo quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa, trách nhiệm chính trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác trái phép khoáng sản nói chung, cát sỏi nói riêng là của UBND các cấp, trong đó vai trò tham mưu chính thuộc về Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã. Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, không có biện pháp khắc phục kịp thời, phải áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu địa phương đó. Lực lượng Công an chỉ tham gia với vai trò phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.