Khai thác tiềm năng và lợi thế của ngành du lịch Hà Giang

BVR&MT – Trong những năm qua, bằng nhiều cơ chế, chính sách đồng bộ, Hà Giang đã tạo điều kiện nhằm khuyến khích và đẩy mạnh phát triển ngành du lịch phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Từ những tiềm năng và lợi thế, tỉnh Hà Giang đã xác định mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành trung tâm du lịch Quốc gia. Những địa danh du lịch nổi tiếng của Hà Giang có thể kể đến như: Khu du lịch Núi Đôi huyện Quản Bạ, đỉnh Mã Pì Lèng bên dòng sông Nho Quế huyện Mèo Vạc; Quần thể Ruộng Bậc thang huyện Hoàng Su Phì; Cột cờ Lũng Cú, Phố cổ, Quần thể Di tích Nhà Vương huyện Đồng Văn…

Khu di tích Nhà Vương – điểm tham quan du lịch và là di tích lịch sử tại huyện Đồng Văn, Hà Giang.

Đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng nhiều bí ẩn của kiến tạo địa chất và là nơi lưu giữ nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm… đã trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, do địa hình chia cắt mạnh đã tạo cho Hà Giang có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau và hình thành nên nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù của các vùng miền trong tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Giang có trên 19 dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc Mông, Nùng, Dao, Lô Lô, Tày, Hoa, Giấy, Sán Dìu, Pà Thẻn….; mỗi dân tộc có các lễ hội đặc sắc và truyền thống văn hóa riêng biệt cũng như văn hóa ẩm thực đặc trưng đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Có thể kể đến một số lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang đặc biệt hấp dẫn đối với du khách như: Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng; Lễ Cấp Sắc của người Dao; Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ hội Nhảy Lửa của người Pà Thẻn; Chợ tình Khâu Vai của người Mông ở huyện Mèo Vạc…

Bên cạnh việc khai thác tiềm năng, thế mạnh nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh hợp tác trong phát triển du lịch với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc để trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong phát triển du lịch nhằm khai thác 2 tuyến du lịch Côn Minh – Văn Sơn – Ma Li Pho –  Hà Giang và tuyến du lịch Văn Sơn – Cửa khẩu Thanh Thủy – Hà Giang và ngược lại. Từ việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và việc kết nối du lịch với tỉnh Vân Nam, lượng du khách đến Hà Giang trong năm 2017 đã đạt trên một triệu lượt người, trong đó khách quốc tế đạt gần 200 nghìn lượt và khách trong nước đạt trên 850 nghìn lượt. Doanh thu của ngành Du lịch và dịch vụ du lịch của Hà Giang trong năm 2017 đạt gần một nghìn tỷ đồng. Trong quý I và quý II năm 2018, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt trên 350 nghìn lượt người, trong đó khách quốc đạt trên 150 nghìn lượt và doanh thu đạt trên 370 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Du khách tham quan cánh đồng Hoa tam giác mạch tại huyện Đồng Văn, Hà Giang

Từ thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, ngành Du lịch của Hà Giang đã có những bước phát triển vượt bậc; du lịch của Hà Giang đã và đang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn của tỉnh

Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Ngoài khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch và kết nối du lịch với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, Hà Giang còn đẩy mạnh các chương trình hợp tác, quản bá và xúc tiến du lịch với các thành phố lớn trong nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Vũng Tàu, Hải Phòng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…nhằm đẩy mạnh phát triển ngành du lịch của địa phương; tiến tới đưa ngành du lịch của Hà Giang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là nền tảng phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Phạm Văn Phú (Chi cục TT&BVTV tỉnh Hà Giang)