Khai thác hiệu quả nguồn gien dược liệu quý hiếm

BVR&MT – Công tác bảo tồn nguồn gien cây dược liệu là quá trình thu thập cây thuốc trong tự nhiên, đưa về vườn trồng và theo dõi quá trình sinh trưởng để chọn được giống “chuẩn” có giá trị làm thuốc. Hiện nay, cả nước đã bảo tồn được 1.531 nguồn gien thuộc 884 loài cây thuốc, nhưng việc khai thác nguồn gien dược liệu để phát triển sản xuất còn nhiều hạn chế do chưa có chính sách đồng bộ giữa nghiên cứu và phát triển sản xuất dược liệu trong nước.

Thu hoạch hạt giống tại vườn giống gốc sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Ảnh: HOÀNG THỌ

Năm 1998, trước thực trạng cây sâm Ngọc Linh bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cùng Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã thực hiện việc lưu giữ, bảo tồn và đánh giá nguồn gien cây sâm Ngọc Linh. Một vườn giống gốc cây sâm Ngọc Linh được hình thành trên cơ sở thu gom những cây sâm Ngọc Linh khỏe mạnh nhất, ít bị sâu bệnh nhất trồng lấy hạt làm giống. Từ nguồn gien được bảo tồn này, sau nhiều năm, đã cung cấp cho tỉnh Kon Tum 35 nghìn cây giống để thực hiện đề tài nghiên cứu về sâm và quy hoạch phát triển sâm, cung cấp cho Viện Dược liệu 300 cây giống và 400 hạt giống để di thực sâm Ngọc Linh trồng tại Sa Pa (Lào Cai), cung cấp giống cho tỉnh Quảng Nam thực hiện đề tài khai thác nguồn gien, tạo nguyên liệu làm thuốc và rất nhiều các đề tài khoa học khác. Nguồn gien được bảo tồn kịp thời đã cứu cây sâm Ngọc Linh thoát khỏi nguy cơ mất giống.

Đến vườn sâm trên núi Ngọc Linh tại xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) của một doanh nghiệp trên địa bàn, chúng tôi chứng kiến sự “tái sinh” của cây thuốc đặc hữu này. Chủ vườn sâm cho biết, khảo sát trước khi trồng, khu vực này chỉ sót lại duy nhất một củ sâm Ngọc Linh tự nhiên. Giờ đây, 2.000 cây sâm các năm tuổi đã phủ kín, xanh mướt dưới tán rừng. 2.000 cây sâm này có nguồn gốc từ nguồn gien bảo tồn. Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt, nguyên Phó Viện trưởng Dược liệu là người đã tham gia công tác bảo tồn cây sâm Ngọc Linh cho biết, nếu không có công tác bảo tồn cách đây 20 năm thì không thể có hàng chục héc-ta sâm Ngọc Linh đang được phát triển tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum như hiện nay. Mục đích của công tác bảo tồn nguồn cây thuốc là lưu giữ các loài cây thuốc, nhất là những cây thuốc quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng để đánh giá quá trình sinh trưởng, chọn ra những nguồn gien đúng loài, có chất lượng, có giá trị kinh tế nhằm phục vụ việc nghiên cứu và sản xuất. Tiêu chí cây thuốc quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng là cây thuốc chỉ phân bố ở một vùng nhất định, có số lượng ít hoặc cây bị khai thác quá mức, có nguy cơ bị tuyệt chủng. Do Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu chọn tạo giống, chưa có giống cây thuốc được công nhận giống cấp quốc gia, cho nên, nguồn gien cây thuốc có vị trí rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu ban đầu cho nghiên cứu, chọn tạo giống cây thuốc và cung cấp giống phát triển tạo nguồn nguyên liệu.

Theo số liệu của Viện Dược liệu, đến nay, trong tổng số 5.000 loài cây thuốc được phát hiện, Viện đã bảo tồn được 884 loài cây với 1.531 nguồn gien. Trong đó, đã có hơn 80 loài trong tổng số 144 loài cây thuốc quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đã được bảo tồn tại các vườn quốc gia và tám vườn bảo tồn cây thuốc của Viện Dược liệu, chẳng hạn như: cây vàng đắng, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, ngũ vị tử, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, ba kích,… Một số nguồn gien hà thủ ô, đẳng sâm, ba kích đã được khai thác, chuyển giao cho doanh nghiệp trồng từ vài héc-ta đến hàng chục héc-ta cần được đánh giá để đưa ra khỏi danh sách các loài cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng.

Tuy công tác bảo tồn đã có kết quả nhưng bất cập là việc khai thác nguồn gien cây thuốc, nhất là nguồn gien quý hiếm, có giá trị kinh tế để phát triển thành vùng nguyên liệu vẫn còn hạn chế. Trưởng khoa Tài nguyên dược liệu (Viện Dược liệu) Phạm Thanh Huyền cho biết, để có một nguồn gien đúng loài, trung bình mất thời gian bốn năm để theo dõi, đánh giá sinh trưởng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, tốn kém ít nhất vài chục triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi loài tùy theo cấp độ đề tài nghiên cứu. Thế nhưng, việc khai thác sử dụng nguồn gien còn trong phạm vi hẹp, chưa phát huy được nhiều vào sản xuất. Các hoạt động mới tập trung vào bảo tồn nguồn gien, chưa chú trọng đến phát triển và thương mại hóa và ứng dụng vào thực tiễn để tạo ra sản phẩm cụ thể nhằm phát triển bền vững. Trong tổng số 1.000 loài cây thuốc được bảo tồn, mới có khoảng 42 loài có quy trình kỹ thuật được chuyển giao cho các công ty sản xuất. Một số vùng nguyên liệu cây thuốc được trồng trên cơ sở nguồn gien đã được bảo tồn như vùng trồng cây đinh lăng của Công ty cổ phần Traphaco, vùng trồng cây dây thìa canh của Công ty cổ phần Nam Dược, vùng trồng cây kim tiền thảo của Công ty cổ phần Dược phẩm OPC… Một số loài cây thuốc quý, hiếm có giá trị kinh tế vẫn chưa được trồng để trở thành nguyên liệu sản xuất thuốc do thiếu kinh phí như: bách hợp, bạch cập, bát giác liên. Theo Trưởng khoa Tài nguyên dược liệu Phạm Thanh Huyền, nguyên nhân là do nguồn lực tài chính cho công tác bảo tồn và phát triển phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều sự tham gia của các thành phần kinh tế khác để tạo ra được nguồn kinh phí từ chính các hoạt động bảo tồn. Thời gian tới, Viện Dược liệu tập trung khai thác các nguồn gien có nhu cầu của thị trường, có giá trị kinh tế để chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu trồng nhưng rất cần các cơ chế hỗ trợ rõ ràng cho doanh nghiệp trồng dược liệu trong nước vì nếu trồng sẽ tăng chi phí hơn so với nhập khẩu hiện nay.

Ông Bùi Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý dược cổ truyền, Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng, do diện bảo tồn ít, doanh nghiệp lại có nhu cầu cây giống nhiều và nhanh nhưng đơn vị bảo tồn sản xuất giống không đủ để đáp ứng kịp thời, vì thế đang phổ biến tình trạng doanh nghiệp tự sản xuất giống, tự mua giống trôi nổi. Điều này đã làm tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp, chất lượng giống không bảo đảm và lãng phí các kết quả nghiên cứu không được ứng dụng. Do đó, cần sớm hình thành sàn giao dịch về dược liệu để doanh nghiệp sử dụng dược liệu công khai nhu cầu sử dụng, người trồng biết được số lượng, từ đó, khuyến khích việc khai thác nguồn gien, cây giống “chuẩn” để trồng thành vùng nguyên liệu. Từ thực tế bảo tồn thành công sâm Ngọc Linh nhưng nhiều năm vẫn chưa hình thành được vùng nguyên liệu cho sản xuất, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoạt cho rằng, hướng khai thác tốt nguồn gien dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế là các kết quả nghiên cứu cần kết nối với các doanh nghiệp để trồng ra sản phẩm. Quá trình trồng sẽ giúp chứng minh được giá trị của nguồn gien, cây giống tốt như thế nào, thông qua đó, phát hiện nhược điểm của giống để chọn lọc lại, nâng cao chất lượng giống. Chỉ có sản xuất mới khuyến khích được bảo tồn và có kinh phí để đầu tư lại cho công tác bảo tồn. Một số đơn vị sản xuất thuốc từ dược liệu cho rằng, dù rất muốn trồng nhưng doanh nghiệp lo ngại tình trạng nhập khẩu dược liệu “rác” kéo dài nhiều năm nay chưa được kiểm soát. Dược liệu trồng không thể cạnh tranh được về giá so với nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất thuốc chỉ đầu tư trồng hạn chế một số cây thuốc để hưởng chính sách ưu đãi trong đấu thầu, còn lại phần lớn nguyên liệu nhập khẩu để giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Tỷ lệ 70 đến 80% dược liệu tiêu thụ trong nước từ nhập khẩu đã nói lên điều đó. Bên cạnh đấy, sự chồng chéo giữa quản lý cấp phép thuốc và quản lý trồng dược liệu khiến doanh nghiệp không định hướng được kế hoạch trồng cây gì hay trồng ra sản phẩm nhưng thuốc chậm được đăng ký cũng có thể xảy ra.

Để khai thác tiềm năng nguồn gien cây thuốc, các cấp có thẩm quyền cần xây dựng và ban hành những chính sách, giải pháp đồng bộ, nhưng căn bản vẫn là kiểm soát nhập khẩu dược liệu, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu sản xuất thuốc từ dược liệu tại các nhà máy sản xuất thuốc. Những nguồn gien cây thuốc có chất lượng, có giá trị kinh tế, có nhu cầu chỉ “luẩn quẩn” trong vườn bảo tồn vì chính sách chậm thay đổi như hiện nay là một sự lãng phí lớn và không thể kéo dài tình trạng này.